Có mặt tại trường THPT Nguyễn Thái Bình, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh nữ trang điểm từ nhẹ nhàng đến lòe loẹt khi đến lớp. Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Đinh Thị Kim Kiều- Trưởng ban nữ công nhà trường cho biết, có rất nhiều học sinh nữ trang điểm đậm khi đến trường. Giống như 1 xu hướng từ học sinh ở nước ngoài, các em thường chọn màu son nổi và giữa giờ học cũng có thể đem gương ra soi. Nhiều giáo viên đã phàn nàn, trong giờ học, các em ít tập trung nghe giảng mà chỉ chú tâm vào việc làm đẹp. Trước thực tế đó, không ít lớp, giáo viên chủ nhiệm đã đưa nội dung không được trang điểm khi đến trường vào nội quy của lớp học. Tại lớp 11/1, các em học sinh đã thực hiện khá nghiêm túc điều này. Bởi, khá nhiều em trong lớp đã không đồng tình với việc trang điểm khi đến trường. Em Nguyễn Thị Kiều Giang chia sẻ, hiện nay, việc son kém chất lượng tràn lan trên thị trường nên học sinh như em không đủ am hiểu và điều kiện kinh tế để có thể mua được những loại son tốt, chất lượng. Hơn nữa, việc sử dụng son giống như một cuộc chạy đua ngầm giữa các nữ sinh. “Nếu tất cả các bạn đều không sử dụng son sẽ tạo ra môi trường công bằng, tránh được sự so sánh giữa nữ sinh dùng với không dùng son và cả giữa những nữ sinh dùng son với nhau.”- Kiều Giang cho biết thêm.

Ảnh: Buổi tọa đàm đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều từ học sinh nhà trường.
Trái lại, tại buổi tọa đàm, cũng không thiếu những ý kiến đồng tình. Em Trần Thị Trường Giang- học sinh lớp 12/2 bày tỏ, mặc dù em không trang điểm nhưng em vẫn không phản đối việc trang điểm khi đến trường. Bởi, trang điểm sẽ khiến các em tự tin hơn nếu biết trang điểm phù hợp. Vậy trang điểm thế nào là phù hợp? Trường Giang cho biết: “Trang điểm phù hợp với học sinh là sử dụng màu son nhẹ nhàng, tươi tắn không nên quá lòe loẹt, không nên chọn màu đỏ hoặc tím.”
Như vậy, với 1 số em, trang điểm là để giúp tự tin, tự tin khi đến lớp, khi giao tiếp với bạn bè, khi phát biểu. Tuy nhiên, có một hiện tượng nổi lên là các em nữ trang điểm chỉ để tạo dáng chụp ảnh tự sướng, phục vụ cho việc công khai hình ảnh lên các trang mạng xã hội. Khi hỏi ý kiến các nam sinh về việc trang điểm của các bạn nữ, em Lê Thìn- học sinh lớp 12/4 cho biết, giữa 1 bạn nữ trang điểm và không trang điểm với Thìn không hề khác biệt lắm. Các bạn trang điểm không hề đẹp hơn trong mắt các nam sinh. Theo Thìn, vẻ đẹp của nữ sinh đến từ trí tuệ và tâm hồn. Thìn cho hay: “Các bạn nữ khi đến trường nên giản dị với áo dài, đẹp thì chủ yếu là do mình học giỏi và từ tính cách.”
Tất cả đều có cho riêng mình những lý do để nên hay không nên trang điểm khi đến trường. Và buổi tọa đàm mà nhà trường tổ chức không nhằm mục đích để các cuộc tranh luận đối chọi gay gắt xảy ra mà chỉ là dịp để các em được nói lên tiếng nói của mình, để thầy cô và học sinh hiểu nhau hơn. Từ đó tạo nên tiếng nói chung. Riêng với nhà trường, cũng không thể cấm hẳn việc nữ sinh trang điểm khi đến trường. Nhưng, đã phần nào định hướng cho các em. Cô giáo Đinh Thị Kim Kiều- Trưởng ban nữ công nhà trường cho biết: “Làm đẹp thì được nhưng làm đẹp như thế nào. Ban nữ công nhà trường đã chia sẻ với các em rằng, các em chỉ cần giữ gìn da sạch sẽ, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Ở tuổi các em để mặt mộc vẫn rất xinh đẹp, chưa cần đến mỹ phẩm. Việc bây giờ của các em đó là tập trung vào việc học, lứa tuổi học trò có sẵn trong mình sự trong sáng thì các em nên giữ gìn vẻ đẹp ấy. Khi đến trường, các em vẫn không cần trang điểm, còn khi các em đi chơi hoặc tiệc tùng, sinh nhật có thể thoa một tí son để tươi tắn.”
Một trào lưu làm đẹp đã và đang thâm nhập vào đời sống tuổi trẻ học trường, điều đó là tín hiệu tốt. Những nữ sinh ngày nay đang học cách để làm đẹp lên cho bản thân cũng là một kĩ năng cần thiết cho cuộc sống các em sau này. Nên chăng các tổ chức đoàn thể trong nhà trường hãy tạo thêm nhiều diễn đàn để các em được bày tỏ ý kiến của mình về cái đẹp của sự thanh lịch, để các em được trao đổi kinh nghiệm học hỏi lẫn nhau kĩ năng mềm này. Cũng qua các diễn đàn này, nhà trường sẽ tiếp tục định hướng cho các em xây dựng kĩ năng phát triển hài hòa, hợp lý và đồng thời đưa ra những khuyến cáo, cảnh báo để trách được các hiện tượng phát triển lệch lạc tạo ra sự lố bịch, kệch cỡm./.