Chúng tôi có mặt trước cổng trường THPT Hùng Vương, đóng chân tại xã Bình An trong một buổi tan trường, vị trí ngôi trường này nằm sát tuyến Quốc lộ 1A nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông. Đa số học sinh khi đến trường đều sử dụng phương tiện xe đạp điện nên không khó để chúng tôi bắt gặp các cô cậu học trò nối đuôi nhau trên từng đoạn đường. Học sinh đi theo hàng dọc thì có lẽ không ai nói gì, nhưng vấn đề ở đây là các em đi bạc mạng với hàng hai hàng ba, thậm chí còn chở quá số người quy định, lại còn lạng lách, đánh võng, vừa nói chuyện vừa điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không hề quan tâm đến mọi người xung quanh khiến nhiều người không khỏi “chướng tai gai mắt”. Đó là chưa kể các loại phương tiện khác như xe tải, xe buýt… lưu thông qua tuyến đường này thường xuyên. Vấn đề đặt ra là trước thực tế như vậy, có hay không tai nạn giao thông xảy ra trong học sinh?
Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Võ Đăng Thể, Hiệu trưởng trường THPT Hùng Vương cho biết, việc xảy ra tai nạn giao thông trong học sinh là vấn đề nan giải hiện nay, trong những năm gần đây đã có trường hợp học sinh tử vong vì tai nạn giao thông, đó là chưa kể những vụ va quẹt thì như cơm bữa, thực tế này xuất phát từ yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Theo thầy Thể thì yếu tố chủ quan chiếm phần lớn trong các vụ vi phạm pháp luật về an toàn giao thông trong học sinh nhà trường. Do đó ý thức tham gia giao thông trong học sinh phải được tăng cường thường xuyên.
Được thành lập vào năm 2011, số lượng học sinh tập trung chủ yếu tại các xã Bình An, Bình Nam, Bình Trung và Bình Quế, với sự thuận thuận tiện trong giao thông nên trường THPT Hùng Vương thu hút đông đảo học sinh tham gia theo học, rút ngắn quãng đường đi học so với các thời điểm trước. Xác định việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông trong học sinh là điều không thể tránh khỏi, nên trong mỗi năm học nhà trường đều có nội quy riêng, quy định về việc chấp hành pháp luật an toàn giao thông trong học sinh nhà trường, cạnh đó việc ký cam kết tại các lớp đều được thực hiện. Không những vậy, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên và học sinh nên trong mỗi năm học nhà trường đều tổ chức các lễ mít ting về an toàn giao thông, tuy nhiện hiệu quả chưa mang lại như ý muốn. Điều này bộc lộ nhiều bất cập, khó khăn nhất định, xuất phát từ yếu tố khách quan lẫn chủ quan. “Tuyến Quốc lộ 1A dường như không có làn đường dành cho người đi bộ, các loại phương tiện như xe đạp điện, do đó buộc các em phải đi sang phần đường của các xe tải trọng lớn, để hạn chế tình trạng học sinh đi tràn lan sau giờ tan trường, nhà trường đã có biện pháp chỉ mở cổng phụ để giảm lưu lượng xe nhưng chưa mang lại hiệu quả” – thầy Thể cho hay.
Mặc dù các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền luật giao thông nhưng tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông vẫn tái diễn
Theo quan sát của chúng tôi thì không chỉ vi phạm trong việc đi hàng hai, hàng ba, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy điện xe đạp điện thì việc sử dụng xe mô tô, xe máy để đến trường trong học sinh vẫn diễn ra. Qua tìm hiểu thì những học sinh này thường không dám mang xe vào trường, vì như vậy sẽ vừa vi phạm nội quy nhà trường, vừa vi phạm pháp luật, do đó các em sẽ chọn phương án gửi xe tại các nhà dân lân cận. Thông tin từ công an xã Bình An thì việc học sinh đi xe máy đến trường, gửi xe tại các nhà dân lân cận là có thật, địa phương cũng đã phối hợp với các ban, ngành mặt trận đoàn thể tuyên truyền cho người dân hiểu, để không vô tình tiếp tay cho vi phạm của học sinh. Tuy nhiện vì lợi ích kinh doanh, nhiều hộ dân đã không chấp hành, cạnh đó do thiếu cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp này nên gặp rất nhiều khó khăn.
Thực tế, không chỉ tại điểm trường THPT Hùng Vương mà tại các trường THPT khác trên địa bàn huyện, tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông diễn ra thường xuyên. Thiết nghĩ, để đảm bảo an toàn giao thông đối với học sinh, trước hết cần có sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình tăng cường giáo dục ý thức, trách nhiện chấp hành pháp luật về an toàn gia thông; đồng thời cơ quan chức năng cần thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát việc sử dụng phương tiện của học sinh đến trường, kiên quyết xử lý nghiêm, triệt để những trường hợp vi phạm. Nguy cơ mất an toàn giao thông trong học sinh phần lớn thuộc về trách nhiệm giáo dục từ gia đình, đến nhà trường và cơ quan chức năng. An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà.