Chi tiết tin

A+ | A | A-

Chủ động phòng, chống thiên tai

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 16:14 | 14/07/2017 Lượt xem: 961

Chú trọng phương án di dời dân khi có thiên tai xảy ra sát với tình hình thực tế của từng địa bàn thôn, tổ dân phố; duy trì lực lượng xung kích, chuẩn bị tốt việc dự trữ lương thực thực phẩm để xử lý kịp thời mọi tình huống… Đó là những nội dung được huyện Thăng Bình chủ động chuẩn bị trước mùa mưa bão năm nay.

                         Diễn tập giúp dân chằng chống nhà cửa khi có bão lụt xẩy ra

         Thiên tai khó lường.              

  Là địa bàn xung yếu khi có bão lũ xảy ra nhưng hai năm gần đây Thăng Bình không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các cơn bão ở biển đông. Tuy nhiên, những đợt mưa kéo dài cuối năm 2016, đầu năm 2017 đã làm ngập  gần 700 ngôi nhà dân  thuộc các xã ven sông Trường Giang, trên 350 người phải sơ tán đến nơi an toàn. Mưa lớn cũng đã làm xói lở các tuyến kênh nội đồng, các tuyến đường lien xã, các cầu bắc qua khe suối, ngập úng 2.600 ha lúa mới gieo sạ và rau màu các loại, ước thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Tai nạn trên biển đối với ngư dân cũng diễn biến bất thường. Trong hai tháng đầu năm 2017, liên tiếp xẩy ra các vụ tai nạn chìm tàu, mắc cạn gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ngày 6/1/2017, tàu cá QNa 95122 –TS của ông Nguyễn Văn Nhĩ tại xã Bình Minh bị gãy lắp lít mắc cạn tại vùng biển Cửa Đại. Ngày 1/2/2017, hai thuyền thúng của các ngư dân Phan Thuận và Trương Công Hồ và ghe đánh cá của ông Phan Thanh Sơn ( Bình Minh) do thời tiết xấu, sóng lớn đã đánh chìm, toàn bộ  hải sản đánh bắt được bị rớt xuống biển. Ngày  8/2/2017, tàu cá QNa 95978-TS của ông Nguyễn Văn Hoàng ( Bình Minh) đang đậu tại âu thuyền Hồng Triều thì bị hở lường, nước chảy vào làm thuyền chìm tại chỗ, sau 3 ngày mới trục vớt lên đà sửa chữa. Ngày 16/2/2017, tàu cá QNa 04067-TS của ông Hòang Thanh Thiện (Bình Hải) đang đánh cá tại biển Cửa Đại bị sóng đánh mạnh, dạt vào cồn cát mắc cạn, nhiều tàu cứu hộ không tiếp cận được kịp thời nên bị hư hỏng nặng.

   Với bờ biển dài hơn 25 km, có  sông Trường Giang chạy dọc các xã ven biển , 3 hồ thủy lợi, nhiều tuyến giao thông huyết mạch chạy ngang, Thăng Bình thường xuyên bị ảnh hưởng của mưa bão cũng như hạn hán. Ông Nguyễn Văn Hương – Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “ Không thể lường trước những diễn biến phúc tạp của thời tiết. Năm nào không chịu ảnh hưởng của bão lụt, thì phải chịu gió lốc, hạn hán khốc liệt. Không những  bị thiệt hại lớn về tài sản nhân dân và Nhà nước, tính mạng của nhân dân cũng luôn bị đe dọa, nhất là ở những vùng có nguy cơ sạt lở”.

       Chủ động phòng tránh và cứu hộ, cứu nạn.

   Công tác phòng tránh thiên tai, tìm kiếm cứu nạn luôn được coi là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành ở huyện Thăng Bình với phương châm “Bốn tại chỗ” và tư tưởng “phòng là chủ yếu, khắc phục là quan trọng”. Ngay từ đầu năm, huyện chỉ đạo tiến hành kiện toàn Ban chỉ huy PCTT& TKCN các cấp, phân công các thành viên đứng điểm tại các địa phương để triển khai các bước chuẩn bị nhất là phương án di dời dân đến nơi an toàn khi có bão lũ xẩy ra. Từng bước bổ sung phương tiện cứu nạn, cứu hộ ở các địa phương, đơn vị, sẵn sàng cơ động ứng cứu, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra. Chuẩn bị tốt công tác dự trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm, nhất là các địa phương vùng sâu, khu vực dễ bị cô lập và chia cắt giao thông dài ngày khi có thiên tai. Tuyên truyền và tổ chức  quản lý, theo dõi chặt chẽ ngư dân hoạt động trên biển, thông tin và hướng dẫn kịp thời đối với tàu thuyền đánh bắt trên biển, vận động nhân dân nhận thức công tác phòng chống thiên tai phải dựa vào cộng đồng. Tại các xã, thị trấn thành lập tổ công tác và đội xung kích phòng chống thiên tai từ 30-50 người, lấy lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ làm nòng cốt, Chủ tịch UBND trực tiếp chỉ huy. Tại các thôn, tổ, HTX dịch vụ có một ban chỉ huy và thành lập tổ xung kích từ 8- 10 người do thôn trưởng, tổ trưởng dân phố hoặc Chủ nhiệm HTX  trực tiếp chỉ huy. Đối với các ngành chức năng của huyện tùy vào điều kiện cụ thể  đề ra phương án tốt nhất để chủ động phòng tránh thiên tai, cứu nạn cứu hộ. Ông Phạm Phú Hải – Giám đốc Chi nhánh thủy lợi huyện Thăng Bình cho biết hiện nay trên địa bàn huyện có 3 hồ thủy lợi là Cao Ngạn, Phước Hà,  Đông Tiễn và 22 đập dâng. Khi có mưa lũ thì có gần 1100 hộ thuộc khu vực hạ lưu phải di dời đến nơi an toàn. “ Chúng tôi đã có phương án cụ thể kết hợp với các địa phương để tổ chức di dời dân. Chi nhánh cũng đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, máy móc thiết bị lien lạc để xử lý tình huống xẩy ra. Tiến hành kiểm tra xử lý các khu vực bị xói lở than đập và tràn xả lũ trước mùa mưa bão”. Thượng tá Lê Văn Huy – Chỉ huy trưởng Cơ quan quân sự huyện cho biết đơn vị thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng các phương tiện cứu nạn, cứu hộ, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Chủ động hợp đồng phối hợp với các dơn vị vũ trang đóng quân trên địa bàn huy động lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả sau thiên tai,  chỉ đạo các Ban Chỉ huy quân sự xã, thị trấn  xây dựng phương án PCTT&TKCN cụ thể, phù hợp với địa phương.

   “Công tác PCTT&TKCN đạt được hiệu quả khi cả hệ thống chính trị chủ động tham gia tích cực các biện pháp phòng tránh, không trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ từ cấp trên. Lấy địa bàn thôn, tổ làm cơ sở, vận động nhân dân nâng cao  ý thức phòng tránh thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cộng đồng, với nhiều đối tượng khác nhau, đó là mục tiêu chúng tôi đang hướng tới.” Ông Nguyễn Văn Hương- PCT UBND huyện Thăng Bình cho biết.  

Tác giả: Nam Quang

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031278336