Chi tiết tin

A+ | A | A-

Đổi thay Bình Sa

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 21:40 | 19/01/2017 Lượt xem: 1720

Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Bình Sa hoàn thành 13 tiêu chí, 6 tiêu chí còn lại xã sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 để về đích xã nông thôn mới. Năm 2016, tổng giá trị sản xuất ngành kinh tế xã Bình Sa ước đạt gần 180 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng đạt 7,7%. Các chính sách giảm nghèo được triển khai và thực hiện có hiệu quả. Từ đầu năm đến nay đã hỗ trợ sửa chữa nhà ở, trao phương tiện sinh kế cho hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng.

Thời gian qua, nhờ tận dụng và phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương theo từng vùng, đồng thời, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, xã Bình Sa đã có nhiều đổi thay đáng kể, góp phần từng bước thay đổi diện mạo nông thôn.

          Chú trọng phát triển kinh tế

Anh Trần Văn Rin, sinh năm 1981, ở thôn Châu Khê, tốt nghiệp trung cấp điện, sau nhiều năm làm điện cơ nhưng thu nhập vẫn không ổn định. Anh cùng 2 người bạn thành lập trang trại gà. Một năm sau, anh tách riêng, thành lập trang trại khác tự mình làm chủ. Trên diện tích 2 ha đất trống do Hội nông dân xã cho mượn, anh Rin đầu tư xây dựng 2 chuồng trại gà và rào lưới xung quanh. Trang trại gần 5.000 con gà đều do một tay anh chăm sóc. “Nhờ tham gia các lớp tập huấn cộng với kinh nghiệm lúc trước mà tôi nắm được kiến thức chăn nuôi, tất cả đều làm theo quy trình, có thời gian định kỳ hẳn hoi từ cho ăn, thay nước uống đến tiêm phòng các bệnh theo mùa. Trung bình, mỗi tháng sau khi trừ hết các khoản, tôi thu được từ 5- 6 triệu đồng.” Anh Rin cho biết.

(Ảnh: Các mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi ở Bình Sa đang phát huy hiệu quả tích cực)

Ngoài hộ anh Rin, ở thôn Châu Khê có khoảng 5 gia trại nuôi gà trên nền đệm lót sinh học đang phát huy hiệu quả tích cực, sắp tới sẽ mở rộng, hình thành trang trại. Ông Hà Như Diêu - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Những năm gần đây, trên địa bàn xã Bình Sa, nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi như nuôi gà trên nền đệm lót sinh học, bò, lợn sinh sản được thành lập với quy mô lớn. Hướng đi này đang dần mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, tổng đàn gia súc của cả xã gần 5.500 con, tăng gần 200 con so với năm 2015. Địa phương đang tập trung phát triển đàn bò lai và lợn nái. Theo đó, bò lai có hơn 1.300 con chiếm 65% so với tổng đàn, lợn nái  2.240 con. Đặc biệt, đàn gà hiện có gần 23.500 con, vượt 88% so với kế hoạch”.

Vốn là một xã thuần nông có truyền thống sản xuất lúa, các năm gần đây, trên lĩnh vực trồng trọt, xã Bình Sa đã tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng. Các cánh đồng sản xuất lúa kém hiệu quả như cánh đồng chợ Tây Giang, cánh đồng Cồn Ngãi (thôn Tiên Đỏa),…đã được chuyển sang trồng đậu phộng, ngô, dưa hấu hắc mỹ nhân. Nhìn chung, năng suất đem lại cao hơn cây lúa, đặc biệt, cây đậu phộng thu được lợi nhuận gấp đôi so với trước. “Trước nay, trên các cánh đồng đó, bà con sản xuất lúa chỉ như để giữ đất, cầm chừng, làm không được mà bỏ cũng không xong. Khi có chủ trương chuyển đổi giống cây trồng và sản xuất có hiệu quả, bà con rất phấn khởi và nhiệt tình ủng hộ chủ trương.”- ông Hà Như Diêu cho biết thêm.

Sự đầu tư hợp lý

“Mấy mùa trước, khi gặt, cắt, rồi gánh, tuốt lúa tốn rất nhiều nhân công nhưng nay chỉ cần thay thế bằng máy gặt đập liên hợp. Mọi việc trở nên dễ dàng và nhanh hơn nhiều”- ông Nguyễn Văn Bình, tổ 1, thôn Châu Khê phẩn khởi kể với chúng tôi khi trao đổi về vụ Đông Xuân năm nay. Nhờ tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi và được ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí nên năm 2016, nông dân Bình Sa có điều kiện để đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Đến nay, Bình Sa có 2 máy gặt đập liên hợp, 8 máy cày. Cũng trong năm, xã đã triển khai xây dựng mới 452 mét đường bê tông giao thông nội đồng, 900 mét đường giao thông nông thôn, lắp đặt 1 km đường dây hạ thế điện phục vụ công trình thủy lợi hóa đất màu tại thôn Châu Khê, xây dựng pa ra ngăn mặn tại thôn Cổ Linh, xây dựng công trình Trạm bơm Tứ Sơn đi qua thôn Bình Trúc 2. Đặc biệt, xây dựng 2 tuyến kênh dài 530 mét tại cánh đồng thôn Tiên Đỏa và Châu Khê để giúp bà con chủ động được nước tưới. Ít phụ thuộc vào nước trời, sản xuất của người dân mới phần nào khả quan. Sản xuất tại cánh đồng này, ông Bình hào hứng cho biết thêm: “Nhờ có tuyến kênh mà năm nay, năng suất lúa của gia đình tôi cao hơn mọi năm, sản xuất 600 mét vuông nhà tôi thu được hơn 50kg lúa.”

Đặc biệt, với điều kiện, thế mạnh không giống nhau nên hướng phát triển của mỗi thôn trong xã theo đó cũng khác. Nếu thôn Tiên Đỏa biết đến với các mô hình bò cái sinh sản thì thôn Bình Trúc 1 lại nổi lên với mô hình nuôi gà đệm lót sinh học, còn tại thôn Châu Khê, mô hình trồng rau sạch với diện tích 3 ha đã được cấp Giấy chứng nhận sản xuất nông nghiệp tốt theo chương trình VietGap do Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert cấp. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tập trung về vốn và kỹ thuật đẩy mạnh phát triển. Mỗi năm ngoài các đợt tập huấn chung cho cả 6 thôn thì mỗi thôn sẽ có các lớp tập huấn riêng về mô hình mà mình đang theo đuổi. Nhờ đó, vấn đề chuyên môn, kỹ thuật nuôi trồng được quan tâm chuyên sâu. Các lớp tập huấn được tổ chức ở thôn đã thu hút đông người dân tham gia và đạt được hiệu quả cao.

Theo ông Trần Ngọc Thọ - Bí thư Đảng ủy xã Bình Sa, mặc dù có những bước đột phá mới, những chuyển biến quan trọng nhưng đến nay, Bình Sa vẫn còn không ít khó khăn, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa vững chắc,… “Thời gian tới, Đảng bộ xã sẽ tăng cường chỉ đạo trên các lĩnh vực, đề ra những giải pháp tích cực. Đặc biệt, xã sẽ chú trọng nâng cao tỷ trọng của công nghiệp – xây dựng, thương mại - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Hình thành dần các cụm công nghiệp nhỏ, kêu gọi các nhà đầu tư, tiếp tục đưa Bình Sa vững bước tiến lên. .”

Tác giả: Thu Sương

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031287085