Hệ thống chính trị được cấu thành bởi ba bộ phận gồm: tổ chức đảng, tổ chức chính quyền, tổ chức Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Ba bộ phận này có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau và mỗi bộ phận có vai trò, vị trí riêng được thể hiện trong cơ chế tổ chức và phương thức hoạt động của từng bộ phận. Với vai trò, vị trí và tầm quan trọng của cơ sở, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng củng cố hệ thống chính trị cơ sở, coi việc đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở là một nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền và phát huy quyền làm chủ của nhân dân để xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở là nhằm xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, có tính ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng cao, đó là mục tiêu để nâng cao chất lượng hệ thống chính trị mà Đảng ta đã xác định.
Những năm qua, trên các lĩnh vực hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay cả huyện có 80 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc với 4.985 đảng viên. Trong đó, có 22 Đảng bộ xã, thị trấn với 4.227 đảng viên.
Với vai trò là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, cấp ủy các xã, thị trấn đã nhận thức và xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức trong hệ thống chính trị; đồng thời đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện trên mọi lĩnh vực ở cơ sở. Nhiều cấp ủy đã đổi mới nội dung và xác định được những vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong việc ban hành các nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy bước đầu đã khắc phục trình trạng bao biện làm thay công việc của chính quyền hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hằng năm đã đi vào nề nếp, việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh được chú trọng và đi vào thực chất.
Trong tổ chức hoạt động của HĐND, hầu hết các xã, thị trấn đều đảm bảo tổ chức các cuộc họp đúng định kỳ theo luật định; chất lượng các kỳ họp từng bước được nâng lên. UBND đã phát huy hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành theo pháp luật; UBND các xã, thị trấn đã ban hành quy chế làm việc và thực hiện có hiệu quả, phong cách, ý thức trách nhiệm, lề lối làm việc của cán bộ, công chức có sự chuyển biến tích cực; từng bước khắc phục tình trạng gây sách nhiễu, phiền hà nhân dân. Công tác cải cách thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” của các xã, thị trấn đã phát huy hiệu quả, giải quyết kịp thời các nhu cầu của nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đã xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và từng bước đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao. Ở nhiều địa phương, Mặt trận Tổ quốc đã phối hợp với các đoàn thể thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Cuộc vận động “ngày vì người nghèo”… Triển khai thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị bước đầu có hiệu quả.
Công tác xây dựng cán bộ, công chức ở cơ sở được quan tâm. Nhận thức về tầm quan trọng của cán bộ là “cái gốc của mọi công việc”. Từ đó, nhiều năm qua, Huyện ủy và cấp ủy đảng, chính quyền ở các xã, thị trấn đã quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm chuẩn hóa về trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ đảm bảo để công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Do vậy, đội ngũ cán bộ, công chức xã, thị trấn được phát triển cả số lượng và chất lượng. Tính đến cuối năm 2016, cán bộ công chức xã, thị trấn là 466 đồng chí; có 338 cán bộ có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học (chiếm tỷ lệ 72,53%) và trung cấp chính trị trở lên có 416 đồng chí (chiếm tỷ lệ 89,27%). Đặc biệt, trong đó có 44 đồng chí hoàn thành chương trình đào tạo theo Đề án 500 của tỉnh được phân công về công tác tại 22 xã, thị trấn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở còn nhiều mặt hạn chế; nội dung và phương thức hoạt động chậm đổi mới, sự phối hợp thiếu chặt chẽ, hiệu quả hoạt động không cao. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn yếu, nhất là năng lực vận dụng các chủ trương, chính sách của đảng, Nhà nước và tình hình cụ thể của địa phương. Công tác kiểm tra, giám sát phát hiện những tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ vi phạm để xử lý còn chậm và chưa kịp thời. Hiệu quả quản lý điều hành của bộ máy chính quyền ở một số xã chưa cao, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số xã, thị trấn còn biểu hiện hành chính hóa, công tác phối hợp trong tổ chức hoạt động thiếu đồng bộ. Trình độ, năng lực của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần, thái độ trách nhiệm của một số cán bộ không cao; thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, nói không đi đôi với làm. Một số cán bộ lãnh đạo năng lực yếu, buông lỏng quản lý, cán bộ chuyên môn lợi dụng nhiệm vụ được giao nhũng nhiễu vòi vĩnh, gây bất bình trong nhân dân và làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị trong thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các xã, thị trấn cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, đảng ủy các xã, thị trấn cần nâng cao nhận thức và thực hiện đúng vai trò hạt nhân lãnh đạo của hệ thống chính trị cơ sở. Đảng lãnh đạo bằng các chủ trương, nghị quyết, không bao biện làm thay và không buông lỏng sự lãnh đạo đối với chính quyền và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ; thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng; thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc của cấp ủy; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và công tác dân vận của đảng; chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo chỉ thị 10-CT/TW, ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư và thực hiện đúng nội dung sinh hoạt đảng theo hướng dẫn số 09-HD/BTCTW, ngày 02/3/2012 của Ban Tổ chức Trung ương... Tập trung xây dựng đảng bộ và các chi đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Hai là, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân; phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của các đại biểu Hội đồng nhân dân; thường xuyên cải tiến nội dung, nâng cao chất lượng các kỳ họp; tăng cường chức năng giám sát và chất vấn của Hội đồng nhân dân; thực hiện tốt chức năng đại diện ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Ba là, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân được thể hiện ở chỗ: quần chúng nhân dân chấp hành, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ quy định; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng chính quyền thực sự là chính quyền của dân, do dân và vì dân.
Bốn là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả quyết định 217-QĐ/TW và quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị để nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật; đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, kịp thời giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong nội bộ nhân dân một cách thấu tình, đạt lý, không để mâu thuẫn nhỏ tích tụ lâu ngày trở thành mâu thuẫn lớn và trở thành điểm nóng.
Năm là, triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 12/8/2016 của Tỉnh ủy Quảng Nam (khóa XXI) “về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025”; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã, thị trấn vững mạnh. Cán bộ không chỉ có lòng trung thành, nhiệt huyết, có trình độ chuyên môn cao, am hiểu pháp luật, nắm vững các nguyên tắc quản lý kinh tế, quản lý xã hội, có tinh thần đổi mới, sáng tạo mà còn phải là người biết đặt lợi ích chung lên trên hết và trước hết, là người trọng dân, nghe dân nói, nói dân tin, không làm những điều phương hại đến nhân dân, đến uy tín của Đảng, của Nhà nước.
Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, việc chăm lo xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là nhiệm vụ cơ bản lâu dài của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân./.