Động lực cho cơ sở.
Trong vòng 3 năm liên tiếp trở lại đây, huyện Thăng Bình đã phân bổ 700 triệu đồng cho các địa phương để thực hiện phát triển sự nghiệp truyền thanh cơ sở. Từ nguồn kinh phí này, các đơn vị đã tập trung đầu tư vào việc mua sắm và sửa chữa trang thiết bị truyền thanh. Không những vậy, một số địa phương còn chủ động tính toán và cân đối ngân sách, để tiếp tục đầu tư cho hệ thống loa, máy phát, hay các phần mềm, thiết bị phục vụ cho ghi âm chương trình phát thanh. “ Chính từ nguồn hỗ trợ kịp thời của huyện mà địa phương chúng tôi mới chủ động được trong việc đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị. Khi nhận được kinh phí từ cấp trên, bản thân tôi sẽ tham mưu cho UBND xã, nghiên cứu nên đầu tư thiết bị gì trước, thiết bị gì sau. Nếu thiếu hụt, ngân sách xã sẽ đầu tư thêm vào. Như năm nay (2016), từ ngân sách của xã, chúng tôi đã trang bị thêm một máy ghi âm cầm tay, mua thêm 3 cụm thu phát sóng, nhờ đó mà chương trình phát thanh rất sôi nổi, cuốn hút người nghe với mật độ phủ sóng toàn xã”- Ông Bùi Đăng Bửu, phụ trách Đài TT xã Bình Sa cho hay. Còn tại xã biển Bình Minh, trong năm 2016, từ 15 triệu đồng được phân bổ của huyện, địa phương đã mua mới thêm 12 cụm loa phát thanh, nâng tổng số cụm loa toàn xã lên 29 cụm, nhờ đó, hầu hết bà con nhân dân trong toàn xã đều đã được nghe Đài 4 cấp. Anh Hoàng Thành Trung, cán bộ phụ trách Đài cho biết: “ Đa phần hệ thống loa của Bình Minh có dấu hiệu xuống cấp nhanh hơn các địa phương khác, vì chịu sự tác động không nhỏ của gió và nước biển, trong khi nguồn ngân sách của xã lại có hạn, nên không thể đầu tư kịp thời, nếu không có sự phân bổ kịp thời từ huyện, không biết đến bao giờ tiếng loa phát thanh mới được phủ sóng toàn xã”.
Theo thống kê, hiện nay toàn huyện Thăng Bình đều đã có 100% xã thị trấn có đài truyền thanh không dây được trang bị máy phát thanh FM công suất 50w. Ngoài chức năng nhiệm vụ tiếp phát lại các chương trình thời sự của đài Tiếng nói Việt Nam, chương trình thời sự của đài PT - TH Quảng Nam, nhiều đài truyền thanh các xã, thị trấn trong huyện còn tích cực phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương như: tập trung tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016 , tuyên truyền Luật giao thông đường bộ, Luật nghĩa vụ quân sự,….Ngoài ra các đài truyền thanh cơ sở còn tuyên truyền vận động nhân dân giao nộp nghĩa vụ thuế cho nhà nước, tuyên truyền vận động thanh niên hăng hái lên đường làm nghĩa vụ quân sự, diễn biến tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, công tác tiêm phòng trên đàn vật nuôi, dịch bệnh trên cây trồng…Từ những việc làm thiết thực đó đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết mà Đảng ủy và nghị quyết của HĐND xã, thị trấn đã đề ra. Theo ông Lê Nam Quang- Trưởng Đài TT- TH Huyện Thăng Bình: “Không chỉ tập trung hướng về cơ sở, trên cơ sở nguồn kinh phí của UBND huyện phân bổ hàng năm để triển khai thực hiện đề án “Củng cố, phát triển sự nghiệp truyền thanh huyện Thăng Bình giai đoạn 2014- 2015 và đến năm 2020” , riêng trong năm nay, chúng tôi cũng đã cân đối, phân bổ kinh phí để mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình, sửa chữa những thiết bị hư hỏng ở Đài huyện, một khi sóng của Đài huyện phát tốt, thì người dân sẽ nghe được Đài 04 cấp chất lượng hơn”.
Những bất cập.
Theo Quyết định số 31/2014/QĐ-UBND, về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Đài Truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đối với truyền thanh cấp xã, mỗi Đài có 01 đến 03 người làm công tác truyền thanh, trong đó 01 người phụ trách, là người hoạt động không chuyên trách cấp xã; số người còn lại tùy thuộc vào thực tế địa phương, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật hoặc nội dung do UBND xã áp dụng chế độ hợp đồng lao động. Nguồn kinh phí chi trả chế độ hợp đồng này được cân đối từ nguồn tự chủ. Đây chính là điểm hạn chế khiến cho nhiều địa phương lúng túng trong việc triển khai thực hiện. Theo anh Nguyễn Duy Khánh, cán bộ phụ trách Đài Thị trấn Hà Lam, vì là cán bộ không chuyên trách, nên bản thân phải nhận thêm nhiều nhiệm vụ mới có thể có thu nhập, trang trải cuộc sống, thậm chí là những việc trái với ngành. Vì vậy, sẽ không có thời gian để đầu tư thực hiện một chương trình phát thanh. Ngoài ra, hầu như những người làm công tác truyền thanh ở cơ sở như tôi chưa hề qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nên rất khó quản lý và tổ chức tốt hoạt động của Đài. Đồng quan điểm này với anh Khánh, anh Nguyễn Đăng Nhật, phó chủ tịch UBND xã Bình Nam cho biết: Đài truyền thanh cơ sở do UBND cấp xã quản lý về nhân lực, kinh phí, trang thiết bị, nhưng nhìn chung mô hình tổ chức của hệ thống này chưa thống nhất, nên quá trình hoạt động gặp nhiều khó khăn. Nhân lực phụ trách hoạt động truyền thanh cơ sở đều là cán bộ kiêm nhiệm, họ chưa được đào tạo cơ bản các kiến thức về biên tập, kỹ năng khai thác và xử lý thông tin, nghiệp vụ phát ngôn viên hoặc tuyên truyền cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền… nên còn nhiều hạn chế trong việc xây dựng chương trình, nội dung phát thanh. Hơn nữa, do yêu cầu, nhiệm vụ, các cán bộ kiêm nhiệm này lại thường xuyên thay đổi vị trí công tác, dẫn tới thực trạng thiếu ổn định và nhiều người không mặn mà với công tác chuyên môn. Đó là những ảnh hưởng cho công tác nội dung.

Ảnh: Các cụm loa thường xuyên bị hư hỏng, trong khi kinh phí sửa chữa không hề nhỏ.
Còn về vấn đề kỹ thuật, tại khoản 1, điều 12 của Quyết định 31/2014 nêu rõ: Nguồn kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên và kinh phí duy tu sửa chữa Đài truyền thanh cơ sở do ngân sách xã đảm bảo (theo nguồn kinh phí huyện, tỉnh phân bổ hàng năm). Bao gồm các khoản: Chi trả tiền lương cho nhân viên; chi trả tiền thù lao, nhuận bút tin bài; chi trả tiền điện, vật tư kỹ thuật; Chi phí duy tu, bão dưỡng thiết bị; và chi phí nâng cấp, sửa chữa, phắc phục sự cố kỹ thuật. Như vậy có nghĩa, việc phân bổ kinh phí xuống cho các địa phương đều do cấp huyện thực hiện. Tuy nhiên, nhiều địa phương lại hiểu không đúng về nội dung cấp kinh phí là để làm gì, nên hầu hết đều đầu tư vào việc sữa chửa, duy tu và nâng cấp các cụm loa, máy phát sóng, mà quên mất rằng, nếu nhưng không có con người làm ra nội dung, thì những cụm loa đó chỉ dừng lại ở việc tiếp âm các đài cấp trên mà thôi, còn những chủ trương hay việc làm cụ thể, gần gũi với bà con ở chính xã của mình, thì lại không hề hay biết. Ngoài ra, do đặc thù của thiết bị truyền thanh là phải lắp đặt ngoài trời, dể bị tác động xấu của môi trường tự nhiên làm hư hỏng, đặc biệt nhạy cảm với giông sét. Chỉ cần nhiễu sét cũng có thể gây hỏng hóc một lúc hàng chục cụm thu và máy phát trung tâm. “ Thêm vào đó là hệ thống máy phát sóng một số Đài cơ sở được trang bị từ năm 2002 hoạt động, đến nay đã có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng. Trong khi kinh phí sửa chữa tốn kém, và sự độc quyền, khan hiếm về linh kiện, vật tư, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tuyên truyền của Đài cơ sở.”- ông Ngô Tấn Công- Tổ trưởng kỹ thuật Đài TT- TH Thăng Bình nói.
Từ lâu nay, hệ thống truyền thanh cơ sở đã khẳng định được vai trò không thể thay thế của mình đối với nhu cầu được tìm hiểu thông tin của người dân. Và một khi giải quyết được những bất cập nêu trên, truyền thanh cơ sở sẽ tiếp tục phát huy được lợi thế của mình trong thời đại của công nghệ số. Thiết nghĩ trước mắt, khi phân bổ kinh phí hoạt động cho các địa phương, HĐND tỉnh, hay huyện, nên ghi rõ bao nhiêu nguồn là dành cho hoạt động thường xuyên ( chi trả nhuận bút, ….), và bao nhiêu là đầu tư cho việc sửa chữa, có như vậy các địa phương mới phân định được rõ ràng, không thể đem kinh phí dành cho hoạt động này bù lỗ sang cho hoạt động khác và ngược lại.