Thương binh loại I Trần Văn Bửu ở xã Bình Định Bắc, không giấu khỏi xúc động khi gặp lại những người đồng đội trên chiến trường xưa. Ông cho biết: “ Thật sự rất khó để chúng tôi có cơ hội gặp mặt nhau như thế này, được gặp lại anh em tôi mừng lắm, đây là dịp để chúng tôi thăm hỏi, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm một thời gian khó. Bởi lẽ, hầu hết các anh em đều bị tật và khả năng đi lại là rất khó khăn”.

Những cái bắt tay ấm tình đồng đội
Tham gia quân ngũ tại chiến trường Cam – pu – chia từ năm 1976 đến năm 1978, trong một lần tham gia chiến đầu, thương binh Trần Văn Bửu thuộc Sư Đoàn 2, Quân khu 5 lúc bấy giờ đã không may dẫm phải mìn của quân địch. Sau lần đó, đã cướp đi vĩnh viễn đôi chân của chiến sĩ Bửu. Thương binh Trần Văn Bửu bộc bạch, trong thời khắc hiểm nguy đó, nếu không có sự hỗ trợ, cứu giúp của anh em trong đơn vị thì không biết bây giờ tôi có dịp gặp lại anh em được không nữa? Và hơn hết, tình đồng đội, đồng chí lại trỗi dậy trong mỗi chúng tôi.
Theo ông Trần Hay, Trưởng ban đại diện thương binh nặng huyện Thăng Bình cho biết: Được thành lập từ năm 1998, đã gần 20 năm trôi qua, Ban đại diện thương binh nặng chính là cầu nối những gương mặt chiến sĩ trên địa bàn huyện trong chiến trường xưa. Và là nơi để chúng tôi hội họp, gặp gỡ sẻ chia trong những ngày còn lại trong cuộc đời.
Trở về với cuộc sống thời bình, có nhiều thương binh đã mất hoàn toàn sức lao động. Tuy nhiên, với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, đã có không ít thương binh nặng biết vượt qua hoàn cảnh, tham gia lao động sản xuất, làm kinh tế giỏi, trở thành gương sáng trong việc phát triển kinh tế tại địa phương. Thương binh loại ¼, Hoàng Minh Đặng, 68 tuổi, ở thôn Tây Giang xã Bình Sa là một trong những người như thế. Từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Đà cũ, trở về quê hương sau ngày giải phóng đất nước, năm 1980 thương binh Hoàng Minh Đặng đã bắt tay ngay vào việc phát triển kinh tế. Tận dụng điều kiện tự nhiên tại địa phương, ông Đặng đã tiến hành nuôi gia súc, gia cầm đủ các loại như bò, heo, gà. Tính đến thời điểm hiện nay, trang trại của ông có 5 con bò cái sinh sản, 20 con heo, và đàn gà trên 100 con. Bên cạnh đó, ông còn mở thêm một xưởng ép dầu phụng tạo việc làm cho các lao động tại địa phương với mức thu nhập 300 ngàn đồng/ ngày. Cũng theo thương binh Hoàng Minh Đặng, trừ tất cả các khoản chi phí, mỗi tháng gia đình ông thu về trên 30 triệu đồng. Có thể thấy, với mức sống tại nông thôn thì đó là một nguồn thu không hề nhỏ.
Tham dự tại buổi gặp mặt thương binh nặng nhân kỷ niệm 69 năm ngày thương binh liệt sĩ năm nay, đồng chí Nguyễn Đức Tám – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy đánh giá cao vai trò của các thương binh, bệnh binh hiện nay. Đồng chí khẳng định, họ chính là nhân chứng sống, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.
Tính đến thời điểm hiện nay, trên toàn huyện có 47 đồng chí thương binh nặng. Trong đó, có 3 đồng chí bị bại liệt, 27 đồng chí bị cụt 1 chân và một số đồng chí bị các vết thương đặc biệt khác. Và cũng từ những mất mát, hy sinh của họ mà quê hương, đất nước được giải phóng, thế hệ ngày nay sống trong hòa bình, độc lập.