Chi tiết tin

A+ | A | A-

Thăng Bình với công tác đền ơn đáp nghĩa

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 16:59 | 22/07/2016 Lượt xem: 1175

Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, mảnh đất Thăng Bình đã tiễn biệt hàng ngàn nam thanh, nữ tú ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Và trong số ấy, có những người vĩnh viễn không bao giờ trở về đoàn tụ cùng gia đình. Họ đã hy sinh xương máu của mình để bảo vệ đất nước, bảo vệ mảnh đất Thăng Bình. Tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa ở Thăng Bình luôn được quan tâm, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động chăm sóc người có công.


Ảnh: Công tác nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH luôn được huyện quan tâm.

          Sau khi UBND huyện phát động nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện là đơn vị tiên phong trong hoạt động ý nghĩa này. Theo đó, Phòng đã vận động cán bộ, công nhân viên chức và người lao động nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH Phạm Thị Sự ở xã Bình Trị với mức trợ cấp hàng tháng 600 nghìn đồng. Theo ông Trần Toản - Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện, công tác đền ơn đáp nghĩa là một đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Đây là sự tri ân sâu sắc của thế hệ sau đối với những người đã đánh đổi xương máu của mình để  đem lại tự do cho dân tộc. Nhất là thế hệ chúng ta đang sống trong thời kỳ hòa bình, thì cũng nên làm những việc ý nghĩa như vậy để có thể làm dịu bớt những nỗi đau của các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ. “Trong những năm qua, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện đã hưởng ứng tích cực các cuộc vận động liên quan đến công tác đền ơn đáp nghĩa. Ngoài việc nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH, Phòng còn vận động cán bộ, công chức một ngày lương để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình chính sách. Đồng thời trong các ngày lễ, tết kêu gọi cán bộ cơ quan đóng góp kinh phí để trao tặng sổ tiết kiệm cho hộ gia đình chính sách”. Ông Toản nói thêm. Như vậy đến nay, 100% Bà Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn huyện đã được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang trong và ngoài địa phương nhận phụng dưỡng với mức từ 600 nghìn đồng - 1,5 triệu đồng/tháng.  

          Cùng với phong trào phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ luôn được các địa phương trên địa bàn huyện quan tâm.  Mỗi năm, từ các nguồn xã hội hóa và Qũy đền ơn đáp nghĩa, Bình Qúy đã tổ chức gặp mặt, thăm hỏi và tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng. Ngoài ra, những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sức khỏe suy yếu, bệnh tật hiểm nghèo, sống neo đơn không nơi nương tựa được xã Bình Qúy quan tâm thăm hỏi động viên, nhất là sự quan tâm giúp đỡ thường xuyên của các tổ chức hội, đoàn thể. Ông Phan Văn Sau - Bí thư Đảng ủy xã cho biết, toàn xã Bình Qúy có 158 gia đình liệt sĩ, trong đó có 19 Mẹ VNAH, hiện nay 1 Mẹ VNAH còn sống đã được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Ngoài ra, toàn xã còn có gần 100 gia đình người có công, thương binh, bệnh binh. Thời gian qua, địa phương xác định đây là vấn đề hết sức quan trọng, từ đó đã tập trung thực hiện tốt cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công một cách kịp thời, nhanh chóng. Ngoài cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước, địa phương đã xã hội hóa và dùng quỹ đền ơn đáp nghĩa tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên khi ốm đau trong các ngày lễ, tết. Đặc biệt, xã đã vận động xã hội hóa nâng cấp được nghĩa trang liệt sĩ của địa phương.

          Thăng Bình là huyện có đông đối tượng chính sách, người có công. Qua 2 cuộc kháng chiến Thăng Bình đã có 1.855 Mẹ VNAH, hiện nay còn sống 99 Mẹ, trên 10.000 liệt sĩ, 1.363 thương binh và 7.526 đối tượng người có công với cách mạng được hưởng ưu đãi hằng tháng cũng như các nhóm đối tượng người có công khác. Theo ông Nguyễn Tấn  Bình - Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện, trong thời gian qua, huyện luôn quan tâm đến việc chăm sóc người có công. Cụ thể ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thì huyện đã thực hiện chủ trương của tỉnh đó là tổng điều tra rà soát liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ và nghĩa trang liệt sĩ để đánh giá lại quá trình thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa có những vấn đề gì sai sót. Nếu có vấn đề sai sót thì đề nghị tỉnh, cấp trên giải quyết kịp thời. Qua tổng điều tra rà soát thì đã đề nghị cấp trên công nhận 4 liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và hiện nay giấy tờ không đảm bảo nhưng trong lịch sử đảng bộ địa phương phát hiện ra và đề nghị giải quyết. Cạnh đó, huyện còn vận động xây dựng nhà tình nghĩa cho các đối tượng người có công được trên 2.800 ngôi nhà. Hiện nay, một số nhà của các đối tượng có công xuống cấp, huyện đã đề nghị tỉnh, cấp trên triển khai theo Quyết định 22 của Chính phủ. Song song với đó, nhân các dịp như 27.7, huyện đã vận động  các nhà hảo tâm cũng như chính quyền địa phương trao 5-10 sổ tiết kiệm, mỗi sổ từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu triệu đồng cho các gia đình có công với cách mạng. Ngoài ra, 20 nghĩa trang liệt sỹ ở các địa phương hiện đã được nâng cấp, sửa chữa. Vận động nhân dân, cán bộ, viên chức làm đền tưởng niệm trị giá trên 29 tỷ đồng.

          Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, ngoài việc thực hiện các chế độ chính sách cho các đối tượng theo quy định. UBND huyện đã hỗ trợ 185 suất quà cho các đối tượng thương binh nặng với tổng số tiền 37 triệu đồng. Thăm và tặng quà cho 44 gia đình chính sách tiêu biểu, 10 đối tượng xã hội ở mỗi xã, thị trấn, mỗi suất quà trị giá 500 nghìn đồng. Chuyển quà của Chủ tịch nước và UBND tỉnh cho các đối tượng với tổng số tiền 8,1 tỷ đồng. Đối với ngày 27.7 năm nay, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức các họat động kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27.7.1947-27.7.2016). Theo đó, UBND huyện vận động mỗi địa phương đóng góp phấn đấu tặng ít nhất 5 sổ tiết kiệm, mỗi số trị giá 500 nghìn đồng trở lên. Xét chọn các đối tượng chính sách tiêu biểu có hoàn cảnh khó khăn để huyện đến thăm hỏi và tặng quà. Tổ chức viếng thăm và chuyển quà của Chủ tịch nước và UBND tỉnh đến người có công được chu đáo và kịp thời. Tùy theo điều kiện của các xã, thị trấn tổ chức gặp mặt, thăm hỏi các đối tượng một cách phù hợp. Tiếp tục kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH. Mỗi Mẹ có ít nhất 2 đơn vị nhận phụng dưỡng.

          Chăm lo cho người có công, Thăng Bình luôn dành sự toàn tâm, không chỉ biểu hiện ở việc kịp thời chi trả chế độ chính sách mà còn ở các chương trình chăm sóc, hoạt động ý nghĩa hướng đến người có công. Việc vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa hằng năm đều vượt kế hoạch đề ra. Phong trào này đã không ngừng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đã được lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân.

 

Tác giả: Giang Biên - Minh Tân

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031312942