Đến nhà chị Ba trong một chiều tháng 6, ánh nắng vẫn còn in những vệt dài chói chang trên làng cát. Tổ ấm hạnh phúc của anh chị trong ngần những ấm áp. Căn phòng khách vừa đủ kê một bộ bàn ghế không đem lại cảm giác chật chội mà ngược lại, bức tường kín những giấy khen, khung ảnh chụp ngày tốt nghiệp của các con, những giấy chứng nhận gia đình văn hóa, gia đình hiếu học càng mở ra nhiều tầng kỷ niệm. Chỉ vào ảnh, chị Ba say sưa kể với chúng tôi: “Đây là con trai đầu, tốt nghiệp đại học Nông lâm Huế, hiện đang là kỹ sư thủy sản; đây là con trai thứ 2, học Quản trị kinh doanh ở Đà Nẵng bây giờ làm cho Mobifone ở Kon Tum; con gái thứ 3 đã tốt nghiệp được hơn 1 năm, đang làm ở Đà Nẵng, con gái út thì đang đi thực tập, chuẩn bị ra trường”. Ánh mắt của người mẹ long lanh, đầy tự hào khi kể về con mình và càng thêm chan chứa yêu thương khi nhắc đến chồng. Lần hồi kỷ niệm, chị lật mở những trang thơ anh viết tặng chị những ngày đi biển: “Ra đi vợ tiễn con đưa/ Trông anh câu đạt nắng mưa dãi dầm/ Ở nhà việc ngoài trong em sắp xếp/ Bảo ban con chăm học thành người”. Cha mẹ chồng mất sớm, cưới nhau xong, 2 anh chị cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Những chuyến câu mực khơi xa, anh Tám lênh đênh trên biển suốt 2-3 tháng ròng. Ở nhà ngoài việc đảm đương “ngoài trong”, chăm con, nuôi dạy con chị còn tất tả với những quang gánh, lội hết xóm trên xóm dưới để bán mắm trang trải bữa ăn. Đi mắm từ thuở còn con gái, đến khi cưới chồng, chị càng thêm tất bật. Những mảng màu quá khứ trong câu chuyện của chị, vẫn tươi nguyên hình ảnh của một người phụ nữ làng chài 2h sáng í ới gọi nhau gánh mắm ra đến Điện Bàn, Đại Lộc, quần quanh những thôn xóm để bán. Chị kể thời ấy, mỗi gánh mắm chị gánh được khoảng 40kg, mỗi chuyến đi 2 ngày, nhuộm qua nhiều con đường, từ đất đỏ, sình lầy đến đường nhựa, bê tông. Khi đó, người dân vẫn còn cực khổ, gánh mắm của chị không quy ra tiền mặt mà lại quy thành lúa, người dân đổi lúa để lấy mắm. Chị lại gánh lúa ngược về để máy đổi lấy gạo. Có lẽ vì thế, không chỉ riêng chị mà những người phụ nữ làng biển thuở ấy, đôi chân thường to hơn những người phụ nữ bình thường, gót chân nứt nẻ thô ráp, đôi vai gầy trầy vi tróc vảy. Sinh con trai đầu được khoảng 6 tháng, gửi cho bà ngoại chị lại hối hả với những chuyến đi mắm. Nhớ những hôm mưa lớn bất ngờ, quang gánh lại trở nên trĩu nặng, bước chân càng thêm bấu chặt vào lòng đường; gặp khi trời tối, phải xin tá túc nhờ, đêm nhớ con chị cứ thao thức mong trời mau sáng. Mặc dù vậy, lời chị kể vẫn nhẹ bâng. Bởi theo chị, chừng ấy khổ cực chẳng thấm nhằm gì so với những vất vả, nguy hiểm của chồng khi lênh đênh cùng sóng biển ngoài khơi xa. Mắt chị rưng rưng khi nhớ lại cái cảm giác chờ chồng về mỗi chuyến đi biển. Những khi nghe có tin bão chị lại thót tim. Đặc biệt, trong cơn bão biển Chanchu (2006), khi mất liên lạc với tàu của chồng, chị như chết lặng, ôm con mà nước mắt chảy ngược. Chị luôn miệng nói với chúng tôi “đi biển nguy hiểm lắm”. Và người phụ nữ ấy, suốt 30 năm qua từ ngày cưới chồng, trừ những ngày ít ỏi anh Tám trở về sum họp cùng gia đình thì những ngày anh đi, chị luôn phải sống trong nỗi thấp thỏm, sợ hãi. Mặc dù vậy, chừng ấy năm chị chưa bao giờ lùi bước, vẫn là hậu phương vững chắc cho chồng, những chuyến đi mắm vẫn đều đặn và cũng không làm lơ là việc nuôi dạy con. Chị luôn dành thời gian để cùng nói chuyện với các con, tạo cho các con ý thức tự giác và sự tự lập từ nhỏ. Thấu hiểu nỗi vất vả của ba mẹ, cả 4 người con của anh chị, đứa lớn bảo đứa nhỏ cùng nhau phấn đấu vào giảng đường. Đến bây giờ khi các con đã có cuộc sống riêng, tương đối ổn định, nhớ lại những ngày cùng một lúc nuôi 4 người con ăn học chị vẫn không khỏi rùng mình. Chị cười hiền: “Con đi học Đại học, đi xa thì nhớ, cứ muốn nói chuyện điện thoại nhưng mỗi lần nghe tiếng chuông điện thoại rồi nghe con nói hết tiền là mình lại run tim, nhiều lúc đêm hôm cũng phải chạy vạy khắp nơi để mượn. Mình ở nhà còn đỡ, các con đi học xa nhà một thân một mình hết tiền biết chạy đi đâu nên cứ cố gắng mượn gấp mà gửi ra”.
Khi các con trưởng thành, lập gia đình, có con cái là lúc chị Ba và anh Tám không còn phải tất tả với biển với cá với mắm, 2 vợ chồng chăn nuôi nhỏ tại nhà. Nỗi lo cơm áo gạo tiền không còn là gánh nặng như trước, dẫu các con ở xa nhưng những ngày lễ tết đại gia đình lại vui vẻ sum họp bên nhau. Nghĩ lại quãng thời gian 30 năm qua, 2 anh chị đều tràn đầy mãn nguyện khi nhìn các con đều có tổ ấm riêng, các cháu bắt đầu bi bô gọi ông nội, bà nội. Chị chia sẻ: “Trong cuộc sống vợ chồng, cái chính là biết lắng nghe, tin tưởng và hiểu nhau. Mỗi người nhường nhịn nhau một ít thì chuyện gì cũng thống nhất được.” Nghỉ đi biển, anh Tám dành nhiều thời gian cho công tác từ thiện, những hoạt động như Thắp sáng đường quê, kêu gọi giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn,… ở xóm chài anh luôn là người tiên phong và chị Ba luôn nhiệt thành ủng hộ.
Nắng chiều chập choạng, trong câu chuyện của người phụ nữ làng chài, gương mặt, ánh mắt của chị vẫn chan chứa tình thương xen lẫn tự hào về chồng về con. Còn chúng tôi, chúng tôi tự hào thay cho chị, vì đã nuôi nấng và dạy dỗ được những người con như thế; hạnh phúc thay cho chị vì đã thắp lên và giữ được ngọn lửa yêu thương trong gia đình./.