Năm học 2015- 2016 vừa qua, đứa con trai đầu của chị Trần Thị Thành- em Lại Xuân Tạo ở thôn Bình Tịnh, đạt danh hiệu học sinh khá của trường THPT Nguyễn Thái Bình. Đón nhận niềm vui này, hai mẹ con lại dắt díu nhau ra biển, để thông báo cho người cha, người chồng về thành tích học tập của con. Thành tích đó cũng chính là sự nỗ lực của bản thân chị Trần Thị Thành. Và chúng tôi biết hơn hết, nó cũng đã phần nào thực hiện được lời hứa sắc son của chị đã từng dành cho người chồng quá cố của mình. “ Ba hắn mất khi nó mới học lớp 2, còn đứa út thì đang còn mang trong bụng được 3 tháng, hụt hẫng lắm, nhưng biết làm sao được, phải gắng gượng dậy để nuôi con chứ.”- chị nói. Dậy từ tờ mờ sáng, xuôi ngược ra bến cá ở thôn Tân An để thu mua, rồi chở cá lên các xã cánh Tây bán kiếm đồng lời, trang trãi cuộc sống và lo tiền học phí cho 3 đứa con. Cuộc sống của người phụ nữ này cứ diễn ra đều đặn từ chục năm nay. Năm 2006, khi đang mang đứa con gái thứ 3 được 3 tháng, chị Trần Thị Thành nhận được hung tin về người chồng đã bị sóng cuốn trong cơn bão Chanchu. Chị như ngất lịm. Chồng mất rồi, tương lai các con chị sẽ như thế nào. Câu hỏi ấy cứ lặp đi lặp lại, văng vẳng bên tai chị. Đã có lúc chị từng nghĩ: hay là buông xuôi tất cả mặc cho số phận.
Ảnh: Dậy từ 4h sáng, lo xong cho các con, chị Thành tiếp tục công việc của mình.
Thế nhưng, bản năng của một người mẹ đã trỗi dậy trong con người chị. Chị đã nén sự đau thương, mất mát của mình để thành chỗ dựa cho các con. Không có người trụ cột trong gia đình, ban đầu cuộc sống vô cùng khó khăn cho 4 mẹ con chị Thành. Nhưng rồi chị cũng tìm được việc làm, động viên các con tiếp tục đến trường. Thương mẹ vất vả ngày đêm, ba đứa con chị đứa nào cũng chăm ngoan, học giỏi. Chính điều đó đã trở thành động lực, để chị tiếp tục vượt qua những nghịch cảnh, thách thức ở cuộc sống hiện tại. Bão Chan Chu quét qua biển miền Trung, hàng trăm người mẹ mất con, hàng chục phụ nữ mất chồng. Nhiều người phụ nữ đã không ngừng hy vọng, rồi một ngày, chồng con họ sẽ về, nhưng rồi hy vọng ấy đã tan biến cùng bọt biển. Mất chồng, những người phụ nữ ở xóm biển này vừa làm cha, vừa làm mẹ, vất vả nuôi con trưởng thành, nhưng thiệt thòi khi thiếu vắng người đàn ông trụ cột của gia đình không dễ gì bù đắp. Như nhiều chị em phụ nữ khác, chị Vương Thị Khương ở thôn Bình Tịnh mất chồng khi vừa tròn 28 tuổi. Chồng chị ra đi để lại 2 con thơ dại cùng với một sinh linh sắp được chào đời.
Ảnh: Gian hàng này là nguồn thu nhập chính của gia đình chị Khương
Hôm ngày 18 tháng 4 âm lịch vừa qua, chị Khương nghỉ bán hàng la gim để lo mâm cơm cúng chồng. Đến xế trưa, bạn bè, họ hàng hai bên mới tới giúp. Mâm cơm cúng cũng rất giản đơn, nhưng theo chị, “ lúc ảnh còn sống thích ăn gì, thì gia đình 4 mẹ con tui cúng những thứ ấy”- chị Khương nói. Kể từ ngày người con trai mất, đây là lần thứ 3 ông Võ Quốc Điển- cha chồng của chị Khương trở lại với vùng biển Bình Tịnh. Quê ông ở tận vùng Tây Nguyên xa xôi. Năm 2000, ông đồng ý cho anh Việt, người con trai thứ 5 của mình, theo chị Khương về làm rể ở vùng biển này. Là trai vùng núi, nên hầu như mọi hoạt động liên quan đến biển cả đều do một tay chị Khương cán đáng, anh chỉ phụ giúp vợ những công việc nhẹ trong nhà. Sau khi 2 người con lần lượt chào đời, cuộc sống ngày một thêm khốn khó, đến lúc này, anh Việt mới tập tành xin đi biển cùng thanh niên trong xóm. Và đến chuyến ra khơi lần thứ hai, lại là chuyến biển cuối cùng của cuộc đời anh. “Nó nói là đi chuyến dài ngày, kiếm thêm thu nhập để về làm đầy tháng cho thằng út, mời bà con bạn bè tới chung vui, nhưng đi mãi mà không thấy nó về”- ông Điển sụt sùi kể lại. Bằng tình thương con của người mẹ, bằng nghị lực của phụ nữ vùng biển, thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của xã hội, những góa phụ như chị Khương luôn tự lực cánh sinh trên đôi vai của mình. Mấy năm trước, sau buổi chợ sáng về, buổi chiều, mình chị đẩy chiếc xe nước mía ra đầu ngõ để bán kiếm thêm đồng lời. Nhưng từ 05 năm nay, do sức khỏe giảm sút, nên thu nhập của gia đình 4 miệng ăn, đều chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập ít ỏi từ mấy nải chuối, vài bó rau. Cũng chính vì vậy mà từ đó đến nay, ngày giỗ của chồng cũng không được tổ chức tươm tất, trọn vẹn theo ý nghĩ của chị. Năm nay, chị cũng có được niềm an ủi phần nào khi trong ngày giỗ chồng lần thứ 10, gia đình có thêm sự hiện diện của bạn bè, anh em hàng xóm và bà con nội ngoại. Mâm cơm cúng, vì thế cũng đầy đủ hơn. “ Chừ còn sức mô thì làm sức nấy, kiếm thêm thu nhập lo cho 3 đứa nó ăn học, chứ giờ nó đã không có cha rồi, tụi nó mà không được học hành đến nơi đến chốn, cha nó ở dưới cũng không yên lòng”- chị Khương ngẹn nghào.
Một người đàn ông ra đi là nỗi đau để lại cho cả 3 thế hệ phụ nữ. Mẹ thì không còn nước mắt để khóc con, đứa bé chỉ vài tháng tuổi khi cha mất…..Đã 10 năm rồi, với gánh hàng rau, chị Hoàng Thị Nguyệt một mình gồng gánh gia đình với người mẹ già và 5 người con. Nén đau thương, chị làm việc quần quật ngày này qua ngày khác với niềm mong ước nhỏ nhoi, là lo cho các con được vào Đại học.

Ảnh: Với Chị Nguyệt, còn sức khỏe ngày nào thì bươn chải ngày đó….
Giờ đây khi hai người con đầu đã trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định, thì chị lại tiếp tục bươn chải để nuôi nấng 3 người con đang theo học Trung học. Chị Khương, Chị Nguyệt hay Chị Thành, chỉ là 3 trong số rất nhiều những người phụ nữ bất hạnh đang sống một cách can trường nơi mảnh đất nghèo Bình Minh. Biển cả đã lấy đi của họ chỗ dựa vững chãi nhất, nhưng biển cả cũng lại là nguồn sống cho con, cho cháu của họ, vì thế, họ vẫn nương tựa vào biển, vẫn miệt mài lao động ngay trên chính quê hương của mình- dù theo nhiều cách khác nhau, và vẫn thủy chung với biển như với người chồng đã khuất của mình. Đã 10 năm qua, hầu như chẳng có ai đi bước nữa, niềm vui của họ giờ đây chỉ là miếng cơm manh áo, tiếng cười và sự học của các con. Con cái chính là điều quý giá nhất mà những người đàn ông nằm lại ngoài biển khơi gửi gắm trên đôi vai họ- những người mẹ Bình Minh. Ông Trần Văn Tám- Phó Chủ tịch xã Bình Minh cho biết: “Trong thảm họa bão Chanchu, xã có 87 người bị chết, trong đó có 50 ông chồng, 37 người con; Ngay sau cơn bão và sau 10 năm qua, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ giúp đỡ vật chất, tinh thần cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, nên con cái các nạn nhân đều được đi học và được cấp học bổng. Bên cạnh đó, địa phương cũng rất quan tâm đến các gia đình này, tạo điều kiện cho họ vào các xí nghiệp, cơ sở làm công nhân để đảm bảo cuộc sống”.

( Nhiều cơ sở chế biến cá bò được hình thành, đã giúp nhiều chị em ở làng biển này có thêm thu nhập, trang trãi cuộc sống).
Mười năm đã qua, những gia đình có người thân thiệt mạng trong cơn bão Chan Chu này vẫn còn loay hoay băng bó vết thương lòng quá lớn. Với họ, mỗi lần thấy biển là một lần ký ức mất con, mất chồng, mất cha lại hiện về. Nỗi đau ấy chưa bao giờ nguôi ngoai. Mười năm trôi qua, là một chấm nhỏ trong thời gian vô tận, nhưng với những người phụ nữ nơi đây, nó đếm bằng từng ngày dài đằng đẵng. Ngày mai, gánh tôm, gánh cá trên đôi vai của những người mẹ ở làng Chanchu sẽ nặng hơn, sẽ oằn xuống để những đứa con của họ yên tâm rời làng, bước tiếp sự học. Dù còn nhiều gian nan, nhưng họ tin vào nghị lực được thử thách suốt 10 năm qua của những đứa trẻ Chanchu trên vùng cát trắng.