Những ngày cuối tháng tư lịch sử, khắp mọi nẻo đường cờ hoa, khẩu hiệu được trang hoàng rực rỡ. Ở trong nhà, cựu tù Côn Đảo Nguyễn Tim, sinh năm 1935 (thôn 2 xã Bình Dương huyện Thăng Bình) lại tự mình lấy tấm hình của Cụ Hồ và Bác Giáp để lau chùi và thay chiếc kiếng mới. Đây như một thói quen mà năm nào cụ cũng làm để thể hiện một tấm lòng ghi nhớ sắc son đối các vị lãnh tụ đã đem đến độc lập, tự do cho dân tộc. Và chúng tôi, thế hệ sau nhận thấy điều cụ Tim đã và đang làm phần nào đền đáp cho đất nước, quê hương.

Cụ ông Nguyễn Tim ( bên trái áo đen)
Năm 19 tuổi khi vùng Đông Thăng Bình được giải phóng, cụ ông Nguyễn Tim tham gia làm cách mạng ở quê hương Bình Dương. Từ đó, ông giữ chức vụ Bí thư, chính trị viên xã đội Bình Dương. Tháng 12/1967, Tỉnh đội điều bổ sung về đơn vị Đại đội 70, giữ chức vụ chính trị viên phó tỉnh đội Quảng Nam. Thời gian này, ông tham gia hầu hết các trận đánh tại địa bàn Quảng Nam. Trong một trận đánh lớn, ông Tim bị thương nặng phải nằm an dưỡng tại quê hương Bình Dương. Và điều mà ông không ngờ đến, chính vì bị thương nặng, ông đã bị bọn địch bắt lên máy bay. Ông kể lại, sau khi chúng đưa tôi qua nhiều nhà lao ở đất liền và dùng nhiều thủ đoạn từ dụ dỗ đến tra tấn nhằm lay chuyển, lôi kéo tôi từ bỏ sự nghiệp đấu tranh cách mạng, hòng tìm ra manh mối của cách mạng nhưng bất thành chúng đã đày tôi ra nhà lao Côn Đảo. Tại đây bọn cai ngục đối xử với tù nhân hết sức dã man. Hàng ngày những bữa ăn cho tù nhân hết sức cơ cực, lao động khổ sai, ông cùng với một số anh em tù chính trị đứng lên chống lại việc lao động khổ sai, ăn uống cùng cực và không chào cờ. Chính vì vậy, ông Tim bị đánh đập, nhốt vào chuồng cọp, phơi nắng nhiều tuần liên tiếp. Khi nói tới chuồng cọp, giọng ông như lạc đi, bởi những hình ảnh những khu chuồng bao quanh bằng dây thép gai, sự chật chội lại ùa về trong ký ức của ông, khi bị nhốt vào chuồng cọp phải chịu cảnh đứng không đứng được, mà ngồi cũng không xong.
Ông tâm sự, ở trong tù chúng đưa ra chiêu bài nhằm qua mặt các chiến sĩ cách mạng, nhất là tù chính trị đang bị giam cầm tại Côn Đảo. Chúng đưa ra cam kết nếu từ bỏ đấu tranh cách mạng sẽ được hưởng đãi ngộ, sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Biết được ý đồ thâm độc của kẻ thù, ông và các đồng chí của mình đã phát động phong trào chống ly khai ngay trong nhà tù.
Năm 1975, quân ta nổi dậy tấn công giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thừa lúc này, ông cùng một số tù chính trị tại Côn Đảo đã đứng lên tháo kìm gông, mở toang nhà tù Côn Đảo giải thoát cho anh em cựu tù. “Khi mở toang cánh cửa tù, nhiều anh em không tin vào mắt mình. Rồi họ ôm nhau khóc nức nở, khóc vì cảm thấy tủi thân và hạnh phúc. Khi đó, tôi lùng sục, tìm kiếm tại các nhà máy may để lấy cho được lá cờ Tổ quốc treo lên trên các nóc nhà. Điều đó, thiêng liêng lắm, nó như kết thúc một chặng đường dài đấu tranh gian khổ hy sinh nhưng rất đổi tự hào”. Ông Tim nói. Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, những vết thương trên cơ thể vẫn chưa kịp lành lặn, ông Nguyễn Tim được nhận dân tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương trong suốt 10 năm ( 1979-1989). Trên cương vị mới, ông đã cùng với người dân nơi đây thực hiện việc khai hoang đất đá, trồng cây lương thực, ổn định cuộc sống. Cùng với đó, ông Tim đã tham mưu các cấp ban hành nhiều Nghị quyết quan trong góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống người dân.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, huyện Thăng Bình đã có hàng nghìn chiến sĩ yêu nước đã bị địch bắt và tù đày. Riêng tại tù Côn Đảo, huyện Thăng Bình có 63 người bị giam giữ tại đây. Đến nay chỉ còn sống 26 người nhưng vẫn mang thương tật vĩnh viễn. Mặc dù bị nhục hình, tra tấn dã man của địch nhưng những người tù chính trị Côn Đảo vẫn kiên cường, đấu tranh nêu cao được phẩm chất của người chiến sĩ kiên trung. Không dừng lại ở đó, những cựu tù Côn Đảo được sống sót trở về sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng đã tiếp tục có những đóng góp, cống hiến quan trọng và luôn giáo dục con cháu về truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước.
Thời gian trôi qua như một quy luật tất yếu của cuộc sống, nhưng trong suy nghĩ của những cựu tù không thể nào quên được ký thức đau thương nhưng hết sức hào hùng nơi nhà lao Côn Đảo. Những lúc như vậy, họ lại nhớ về đồng đội của mình, những chiến sĩ cách mạng đã anh dũng đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Có những năm tháng họ đã sống, chiến đấu và chiến thắng như thế.