Khi đơn vị thi công tiến hành đưa phương tiện để thi công tuyến đường ĐH2 cũng là lúc người dân thôn 1 và 2 xã Bình Dương đồng loạt tiến hành tháo dỡ vật kiến trúc trước nhà. Vừa mới vay mượn tiền để xây dựng tường rào cổng ngõ chưa được bao lâu, ông Phan Lương, thôn 1 xã Bình Dương lại tự mình tháo dỡ để thi công tuyến đường. Điều đáng nói, ông Lương không yêu cầu bồi thường thiệt hại, chỉ yêu cầu đơn vị thi công hỗ trợ lực lượng để tháo dỡ công trình được nhanh. “ Chủ trương của Đảng và Nhà nước đưa ra thì mình phải hưởng ứng chứ, mình làm cho con cho cháu đời sau nữa chứ đâu phải chỉ riêng mình”- ông Lương nói.

( Ông Lương tự nguyện tháo dỡ tường rào nhà mình)
Tuyến đường ĐH 2 dài 4,2km đi qua địa phận của toàn bộ thôn 1 và thôn 2 xã Bình Dương. Đây là tuyến huyết mạch nối giữa các xã cánh đông của huyện Thăng Bình và một số xã của huyện Duy Xuyên. Những năm trước, tuyến đường này đã được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên qua thời gian dài, tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng. Cuối năm 2015, UBND tỉnh Quảng Nam có chủ trương xây dựng lại theo tiêu chuẩn mới rộng 7,5m, đầu tư giai đoạn 1 là 3,7km. Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam, huyện Thăng Bình chỉ hỗ trợ 10 tỷ đồng để thi công tuyến đường. Phần còn lại do xã Bình Dương chịu trách nhiệm về giải phóng mặt bằng. Vốn địa phương thì có hạn, khi đó phần ảnh hưởng về đất ở, vật kiến trúc tại tuyến đường thì quá lớn. Do vậy, cần sự tự nguyện và đồng thuận của người dân. “ Trước tình hình này, UBMTTQVN xã phối hợp với các ban, ngành, hội đoàn thể xã tiến hành họp từng nhóm hộ để thiết phục. Ban đầu, một số hộ dân bị ảnh hưởng phản ứng quyết liệt, không đồng thuận chủ trương. Trong khi đó, cũng tại địa phương một số công trình đang thi công xây dựng nên người dân có tâm lý so sánh. Thời gian dài, với phương châm “ mưa dầm thấm lâu”, các ban, ngành, hội đoàn thể cũng nhận được cái gật đầu, đồng thuận từ các hộ dân.”- ông Nguyễn Văn Bảy- Chủ tịch UBMTTQVN xã Bình Dương nói. Vậy là 220 hộ bị ảnh hưởng trên toàn tuyến đã tự nguyện hiến đất ở, đất nông nghiệp, cây cối, vật kiến trúc trên đất để bàn giao cho đơn vị thi công. Điều đặc biệt, trong số 220 hộ có hàng chục hộ có giá trị vật kiến trúc lên đến hàng chục triệu đồng.

( Từng thành viên của Mặt trận đều vào cuộc giúp dân tháo dỡ tường rào).
Chưa bao giờ cụm từ “ tự nguyện” lại xuất hiện nhiều ở thôn 1 xã Bình Dương huyện Thăng Bình trong thời gian qua. Còn nhớ năm 2011, 4 hộ dân đầu tiên của xã Bình Dương và huyện Thăng Bình“ tự nguyện” đăng ký xin thoát nghèo.

( Đơn vị thi công ( Công ty TNHH Kinh doanh và Xây dựng nhà Long Á)- đã tiến hành những công đoạn đầu tiên….)

( Theo ông Phan Đức Tư- Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh và Xây dựng nhà Long Á, sẽ xây dựng xong tuyến đường DH2 vào cuối tháng 6 năm 2016).
220/220 hộ dân của thôn 1 và 2 xã Bình Dương lại một lần nữa tự nguyện hiến đất ở, đất nông nghiệp và vật kiến trúc trên đất để thi công tuyến đường ĐH2. Trong khi đó, cũng tại nhiều địa phương ở huyện Thăng Bình, nhiều công trình trọng điểm đang được triển khai xây dựng, nhưng chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng. Và điều mà các hộ dân ở thôn 1 và thôn 2 xã Bình Dương đang làm, khiến mỗi người cần phải suy ngẫm.