Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, hưởng ứng lời kêu gọi của các bậc sĩ phu yêu nước, nhân dân Thăng Bình đã hòa nhập vào các phong trào cứu quốc như phong trào Đông Du, Duy Tân… Đặc biệt trong thời kỳ này, nhiều người con của quê hương đã trở thành những nghĩa sĩ có tên tuổi trong phong trào Cần Vương như Tiểu La Nguyễn Thành, Nguyễn Uýnh….
Vào những năm 30 của thế kỷ 20, phong trào đấu tranh cách mạng do Đảng ta lãnh đạo đã sớm đến với nhân dân Thăng Bình, nhiều tổ chức quần chúng được thành lập như: Hội ái hữu, Hội tương tế, Hội trợ tang, Nghĩa hòa tường…đã trở thành phong trào đều khắp.
Đầu năm 1940, để kịp thời lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân trong huyện, các Chi bộ Đảng lần lượt ra đời như: Chi bộ Vân Nam, Tứ Xuyên, Phúc Kiến, Quảng Đông…cùng với cả tỉnh, cả nước lãnh đạo nhân dân làm cuộc cách mạng tháng Tám thành công, đập tan sự thống trị của thực dân Pháp và chính quyền tay sai – Nhà nước Công Nông chính thức ra đời, ước vọng ngàn đời của nhân dân ta đã trở thành hiện thực….
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện, với tinh thần cách mạng tiến công “Thà hy sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” lớp lớp thanh niên, nông dân, trí thức….Thăng Bình lên đường ra trận cùng một lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Một thực tế diễn ra ở Thăng Bình đã thành tính quy luật: Địch càng tăng cường đánh phá, ta càng chủ động tiến công. Một số trận đánh mãi mãi được ghi nhận như những nét son chói lọi trong lịch sử chiến đấu của quân và dân Thăng Bình; nhiều em bé, cụ già, bà mẹ đã trở thành những chiến sĩ quả cảm trên các mặt trận, góp phần làm nên bài ca Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử.
Trên thế giới chưa có cuộc chiến tranh nào tàn khốc và lâu dài như cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam. Chỉ tính riêng một huyện như huyện Thăng Bình, quân và dân địa phương đã đánh trên 3000 trận loại khỏi vòng chiến đấu 22.951 tên giặc, diệt 19.724 tên (trong đó có 333 tên xâm lược Mỹ, 145 tên lính đánh thuê Nam Triều Tiên) làm bị thương 3.227 tên, bắn rơi 56 máy bay các loại, phá hỏng 1.143 xe quân sự của địch. Cuộc đấu tranh Hà Lam – Chợ Được và các cuộc đấu tranh chính trị của “Đội quân tóc dài” đã giáng cho địch những đòn thất điên bát đảo….
Để đạt đến đỉnh cao của niểm tự hào, quân và dân huyện Thăng Bình đã phải cống hiến đến tột cùng của sự hy sinh, mất mát – Hàng vạn sinh linh đã ngã xuống, biết bao tài sản quý giá về kinh tế, văn hóa đã bị chiến tranh tàn phá. Biết bao bà mẹ đã tiễn đến đứa con cuối cùng của mình lên đường đánh giặc và không bao giờ còn được gặp lại!... “Việt Nam ra ngõ gặp Anh hùng”- bạn bè năm Châu đã nói về dân tộc ta như vậy. Tại mảnh đất Thăng Bình đau thương mà anh dũng này, sự kiện anh hùng, hành động anh hùng, con người anh hùng được xem là lẽ sống của mọi người – lẽ sống đó là sự kết tinh của lòng yêu nước thương nòi, của ý chí quật cường, của tinh thần : “Không có gì quý hơn độc lập tự do” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Với những thành tích và sự cống hiến, hy sinh to lớn đó, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Thăng Bình đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, 17 xã và 01 đơn vị trong huyện được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND – Riêng xã Bình Dương 02 lần được tuyên dương Anh hùng LLVTND và 01 lần được tuyên dương Anh hùng Lao động; 24 cá nhân được tuyên dương Anh hùng LLVTND trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; đặc biệt có 1533 bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng – trong đó có 119 mẹ còn sống.
Nhằm tri ân những người có công với nước, đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ, mãi mãi biết ơn các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng đã có nhiều cống hiến to lớn, hy sinh xương máu “vì sự nghiệp độc lập cho dân tộc và tự do cho mỗi con người” Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình đã có chủ trương giao Uỷ ban nhân dân huyện Thăng Bình tổ chức biên soạn và xuất bản tập 1 Kỷ yếu “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” huyện Thăng Bình trong năm 2015. Đây là một tài liệu lịch sử có giá trị, góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau; là việc làm thiết thực thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam; là nén tâm hương bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Thăng Bình đối với các Anh hùng liệt sĩ, các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của quê hương.
Trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả!