Từ ngày 19/12/1946 khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Bác Hồ và Đảng ta đã xác định: trong chiến đấu tất yếu phải có hy sinh và thương vong, vì vậy vấn đề thương binh – liệt sĩ là vấn đề lớn và rất quan trọng. Ngày 16/02/1947 Chính phủ ban hành chế độ “hưu bổng thương tật” và “tiền tuất cho thân nhân liệt sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên của Nhà nước ta thể hiện sự ưu đãi các chiến sĩ bị thương và gia đình liệt sĩ.
Tháng 6 năm 1947 tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, một Hội nghị quan trọng của các cơ quan Chính phủ và các Hội, Đoàn thể chính trị ở Trung ương quyết định chọn ngày 27/7 làm “Ngày thương binh toàn quốc”. Vào chiều ngày 27/7/1947 tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn. Đại biểu Ban tổ chức Ngày thương binh toàn quốc trịnh trọng đọc bức thư của Hồ Chủ tịch gửi Ban thường trực của Ban tổ chức ngày thương binh toàn quốc – Từ đó hằng năm, cứ vào dịp 27/7, nhân dân cả nước sôi nổi tổ chức các hoạt động quyên góp giúp đỡ và chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ. Ngày 27/7 trở thành ngày thiêng liêng, phản ánh ý chí quyết giành độc lập tự do và tôn trọng quý mến đối với những người đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà hy sinh xương máu.
Năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày thương binh toàn quốc” thành “Ngày thương binh – liệt sĩ” để thể hiện đầy đủ hơn tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với tất cả những người đã hy sinh xương máu của mình cho Tổ quốc.
68 năm qua, ngày 27/7 hằng năm mang ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc. Phản ánh sự đánh giá của Đảng, Nhà nước, của xã hội đối với bản thân và gia đình những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc vì nhân dân. Phát huy tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần cách mạng tiến công, tình yêu mãnh liệt đối với sự nghiệp cách mạng do Bác Hồ và Đảng ta lãnh đạo, động viên gia đình thương binh, liệt sĩ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng trong công cuộc đổi mới đất nước. Tăng cường ý thức trách nhiệm, lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ, khơi dậy niềm tự hào đối với truyền thống anh hùng của cha anh, phát huy đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc. Trong thư gửi đồng bào cả nước tháng 7 năm 1952, Hồ Chủ Tịch nhắc nhỡ: “về phần đồng bào nên coi đó là nghĩa vụ của nhân dân đối với chiến sĩ bị thương, bị bệnh, không nên coi đó là việc làm phúc” – Chỉ có trên cơ sở nhân văn như thế mới thúc đẩy phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước, làm cho công tác thương binh – liệt sĩ ngày càng mang tính xã hội hóa với tinh thần: “Nhà nước, nhân dân và đối tượng chính sách cùng lo”.
Ngày 27/7 hằng năm cũng là dịp để cho mọi người dân thấy được sự quan tâm của Đảng, Bác Hồ, Nhà nước ta đối với công tác thương binh – liệt sĩ và chăm sóc người có công với cách mạng, hiểu rõ hơn các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước để cùng nhau tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện của các cấp, các ngành để công tác thương binh – liệt sĩ ngày càng đạt hiệu quả hơn, thiết thực hơn. Kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực trong phong trào “đền ơn đáp nghĩa” ở địa phương và những tấm gương thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước phát huy truyền thống phấn đấu trở thành “người công dân kiểu mẫu”, “gia đình cách mạng gương mẫu” góp phần giữ vững ổn định chính trị, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Làm tốt công tác thương binh – liệt sĩ và chính sách đối với người có công với cách mạng chính là sự thể hiện tính ưu việt và bản chất của Nhà nước ta, tạo điều kiện để củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, làm tăng thêm tiềm lực của cách mạng, tăng thêm sự gắn bó máu thịt của nhân dân đối với Đảng và chế độ, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là cơ sở để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, chống lại một cách có hiệu quả các âm mưu thủ đoạn của các lực lượng thù địch nhằm chia rẽ các lực lượng cách mạng, bôi nhọ quá khứ hào hùng của dân tộc, thực hiện “diễn biến hòa bình” ở nước ta.
Ngày 27/7 năm nay, thêm một lần nữa nhắc nhỡ chúng ta hãy thể hiện tấm lòng “nhân hậu thủy chung”, “đền ơn đáp nghĩa”, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng ta đã đề ra: “Tổ chức tốt việc thi hành Pháp lệnh về người có công, đảm bảo cho những người có công với đất nước và cách mạng có đời sống vật chất và tinh thần ít nhất cũng bằng mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; bồi dưỡng và tạo điều kiện cho con em những người có công với cách mạng tiếp nối sự nghiệp của cha anh. Mở rộng phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ…”