Chi tiết tin

A+ | A | A-

Đông Sơn-Thăng Bình, nghĩa nặng tình sâu.

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 12:16 | 18/04/2015 Lượt xem: 2326

Trải qua các chặng đường lịch sử xây dựng và phát triển dân tộc Việt Nam, Đông Sơn-Thăng Bình, Thanh Hoá- Quảng Nam đã có quan hệ gắn bó máu thịt giòng giống con Lạc cháu Hồng. Quan hệ đó đã được phát huy và nâng lên tầm cao, nhất là trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước và trong giai đoạn xây dựng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng bộ và nhân dân hai huyện Đông Sơn-Thăng Bình đã đoàn kết gắn bó keo sơn, nghĩa tình thuỷ chung son sắt để cùng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, vượt qua vô vàn khó khăn thử thách, vững vàng và kiên trì giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và trong xây dựng xã hội mới sau chiến tranh.

Đông Sơn-mảnh đất đồng bằng châu thổ sông Mã tỉnh Thanh Hoá, có bề dày truyền thống văn hoá, nhân văn, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng- cội rễ nền văn hoá Đông Sơn có trống đồng Đông Sơn- biểu tượng của nền văn minh Lạc Việt- mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sản sinh ra nhiều danh nhân văn hoá, nhân tài kiệt xuất, mà tên tuổi và sự nghiệp của họ không chỉ làm rạng danh cho quê hương Đông Sơn, Thanh Hoá mà còn là niềm tự hào và là tài sản vô giá của dân tộc.

Thăng Bình-vùng đất nằm ở vị trí trung độ và hướng đông bắc tỉnh lỵ Quảng Nam, có bề dày truyền thống văn hoá, truyền thống yêu nước và cách mạng-vùng đất “địa linh” sản sinh ra những danh nhân văn hoá, anh hùng hào kiệt, có người đã từng giúp dân, cứu nước, chống ngoại bang xâm lược, không chỉ trên mảnh đất Quảng Nam kiên cường mà còn ở trên mảnh đất Thanh Hoá thân yêu trong thời thuộc Pháp.

Nhớ lại sự kiện cách đây 55 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh phong trào đoàn kết- đại đoàn kết dân tộc và ủng hộ miền Nam trong công cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, ngày 12 tháng 3 năm 1960, tại thị xã Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá và tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ kết nghĩa nhằm giúp đỡ nhau trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tiếp theo, được sự chỉ đạo và phân công của Tỉnh uỷ Thanh hoá và Tỉnh uỷ Quảng Nam, huyện Đông Sơn và huyện Thăng Bình đã tổ chức kết nghĩa với nhau. Trực tiếp tham gia Lễ kết nghĩa, về phía Thăng Bình có các đại diện cán bộ, chiến sĩ đang sống, công tác ở miền Bắc. Sự kiện này là mốc son lịch sử có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, có tác dụng cổ vũ động viên nhân dân của hai địa phương đoàn kết, cùng đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc; đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai huyện.

Chặng đường lịch sử 15 năm, từ năm 1960 đến năm 1975, nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng gian nan, ác liệt.  Nhân dân miền Bắc là hậu phương lớn, chi viện sức người sức của cho tiền tuyến miền Nam với khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Hoà trong tình cảm Bắc-Nam ruột thịt, Thanh- Quảng một nhà, Đảng bộ và nhân dân Đông Sơn đã đem hết sức mình vì Thăng Bình thân yêu nói riêng, vì miền Nam ruột thịt nói chung, để lại nhiều dấu ấn lịch sử và tình cảm sâu sắc không thể phai mờ. Hàng vạn gia đình ở Đông Sơn đã động viên con em mình lên đường tòng quân vào chiến trường miền Nam giết giặc, trong đó có hàng nghìn cán bộ chiến sĩ đã nhận nhiệm vụ chiến đấu, tham gia vào các đơn vị: Tiểu đoàn 70, Tiểu đoàn 89 đặc công, Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn, Bệnh xá 78,… Không ít đồng chí đã chiến đấu quả cảm và anh dũng hy sinh trên mảnh đất Thăng Bình anh hùng. Giữa lúc phải đương đầu với chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, nhưng mọi người mọi nhà, từ các cháu thiếu niên nhi đồng đến các cụ già ở Đông Sơn thân yêu vẫn chắt chiu từng hạt thóc, cân ngô để đóng góp, chia lửa với cách mạng miền Nam, ủng hộ nhân dân Thăng Bình “đánh Mỹ thắng Mỹ”. Trong lúc đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Thăng Bình tập kết, công tác, chữa bệnh ở miền Bắc đã được Đảng bộ, nhân dân Đông Sơn đón tiếp chăm sóc chu đáo, tận tình. Thật xúc động và thật tự hào. Không thể nào kể hết những phong trào, những nghĩa cử cao đẹp của Đảng bộ và nhân dân Đông Sơn anh em đã dành cho Đảng bộ và nhân dân Thăng Bình. Sự hy sinh cao quý ấy thể hiện tình đoàn kết dân tộc, yêu nước thương nòi, thuỷ chung sâu sắc của đồng bào huyện Đông Sơn đối với nhân dân huyện Thăng Bình; không thể lấy ngôn từ nào mà diễn tả đầy đủ được và cũng không thể lấy gì đền đáp được. Cũng trong giai đoạn kháng chiến cứu nước, nhân dân Thăng Bình với nghĩa tình và đạo lý dân tộc Việt Nam “Bắc-Nam một nhà”, “thương người như thể thương thân”, với trách nhiệm và lòng nhiệt thành của mình đã ra sức che giấu, nuôi dưỡng, đùm bọc cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ trên địa bàn Thăng Bình, trong đó có cán bộ chiến sỹ là con em Đông Sơn kết nghĩa. Kết thúc các cuộc kháng chiến cứu nước do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo, huyện Thăng Bình có 10.898 liệt sỹ, 1.455 Mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 18 tập thể và 24 cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó xã Bình Dương được tuyên dương 2 lần anh hùng; nhiều tập thể và cá nhân được tặng các phần thưởng cao quý khác. Trong những phần thưởng cao quý đó, có sự chi viện giúp đỡ, mà đặc biệt là sự đóng góp hy sinh xương máu, mồ hôi, nước mắt của cán bộ chiến sỹ tỉnh Thanh Hoá nói chung, huyện Đông Sơn nói riêng.

Chặng đường lịch sử miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, mối quan hệ gắn bó đoàn kết hỗ trợ kết nghĩa giữa Đông Sơn-Thăng Bình bước sang một giai đoạn mới. Trong muôn vàn khó khăn của thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định và phát triển sản xuất, phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó keo sơn máu thịt, Đảng bộ và nhân dân Đông Sơn tiếp tục theo dõi, giúp đỡ về nhiều mặt. Đảng bộ và nhân dân Thăng Bình tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, động viên, thăm hỏi chí tình chí nghĩa của Đảng bộ và nhân dân Đông Sơn. Những năm đầu sau giải phóng, nhiệm vụ ổn định chính quyền và an ninh xây dựng và phát triển kinh tế còn phức tạp, mới mẻ, Thăng Bình đã nhận được sự hỗ trợ về tinh thần và vật chất; đã đón nhận những người con ưu tú của Đông Sơn vào giúp đỡ, hướng dẫn trên lĩnh vực Nông nghiệp, Giáo dục, Y tế… cùng với sự chi viện hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, phân bón… Và, trong những năm tiến hành công cuộc đổi mới, huyện Đông Sơn đã tổ chức các đoàn cán bộ vào trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thăm hỏi, tặng quà, đền ơn đáp nghĩa để cùng giúp nhau xây dựng và phát triển quê hương; động viên khích lệ quân và dân Thăng Bình vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Sự quan tâm theo dõi, động viên, giúp đỡ kịp thời đó, nhất là lúc thiên tai bão lũ, đã có sức cổ vũ về tinh thần, tạo nên nguồn sức mạnh to lớn giúp Thăng Bình vượt qua khó khăn, vươn lên xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Cũng trong giai đoạn này, Đảng bộ và nhân dân Thăng Bình đã tích cực tìm kiếm, cất bốc, quy tập các hài cốt liệt sỹ hy sinh trên chiến trường Thăng Bình, Quảng Nam đưa vào các nghĩa trang liệt sỹ; truy tìm họ tên và thông báo về cho thân nhân gia đình biết, phối hợp tạo điều kiện đưa về quê hương, trong số đó có nhiều liệt sỹ là con em Đông Sơn nghĩa tình. Để tiếp tục vun đắp và thắt chặt tình nghĩa giữa hai huyện, những năm gần đây, lãnh đạo hai huyện đã có những hoạt động cụ thể. Nhân các sự kiện lịch sử của từng địa phương, lãnh đạo hai huyện đã cử các đoàn cán bộ đến thăm hỏi, tặng quà, thực hiện đền ơn đáp nghĩa, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, xây dựng và phát triển kinh tế, quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, chia vui với những thành tựu đạt được ở từng giai đoạn của thời kỳ đổi mới.

Huyện Thăng Bình bốn mươi năm sau ngày giải phóng, tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, nêu cao ý chí tự lực tự cường, đã vượt qua những khó khăn thách thức để khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc sau chiến tranh, nhất là giải quyết chính sách và chăm lo đời sống vật chất tinh thần đối với gia đình chính sách, gia đình có công với Nước; giữ gìn an ninh và tăng cường quốc phòng; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Bốn mươi năm sau giải phóng, đặc biệt sau ba mươi năm đổi mới, huyện Thăng Bình đã đạt được những thành tựu quan trọng: Kinh tế hằng năm tăng trưởng khá. Văn hoá xã hội phát triển với nhiều chuyển biến mới. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân có nhiều cải thiện. Mặt bằng dân trí được nâng lên rõ rệt. Chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng cao. Kết cấu hạ tầng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, đáp ứng nhu cầu cơ bản phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Diện mạo nông thôn, đô thị không ngừng khởi sắc. Chính trị, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Nhiệm vụ quốc phòng và công tác quân sự địa phương được hoàn thành. Công tác tư pháp thực hiện tốt. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn. Cải cách thủ tục hành chính phục vụ nhân dân có nhiều tiến bộ. Ghi nhận những thành tích xuất sắc và những kết quả quan trọng nêu trên, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho một tập thể; nhân dân và cán bộ huyện Thăng Bình được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2006), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2014). Để đạt được những kết quả và phần thưởng trên, ngoài sự đóng góp công sức của cán bộ chiến sỹ nhân dân huyện Thăng Bình, còn có sự cổ vũ, động viên, đóng góp lớn của huyện Đông Sơn kết nghĩa.

Nhìn lại chặng đường 55 năm kết nghĩa, Đảng bộ và nhân dân huyện Thăng Bình trân trọng biết ơn về những đóng góp lớn lao nghĩa tình, về tình cảm sâu sắc, trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân huyện Đông Sơn anh em.

Năm tháng đi qua, song những hình ảnh, kỷ vật, món quà cụ thể, cùng với những đóng góp vô giá về vật chất và tinh thần của Đảng bộ và nhân dân huyện Đông Sơn đối với Đảng bộ và nhân dân huyện Thăng Bình trong các chặng đường lịch sử, nhất là trong kháng chiến chống Mỹ và trong hoà bình thống nhất đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội vẫn in đậm trong tình cảm và trái tim của mỗi cán bộ, chiến sỹ và người dân huyện Thăng Bình. Mối quan hệ kết nghĩa, tình cảm đoàn kết, thuỷ chung son sắt, nghĩa tình sâu nặng giữa Đảng bộ và nhân dân hai huyện là sự thể hiện truyền thống đạo lý dân tộc Việt Nam, tình cảm ruột thịt Bắc Nam một nhà, là thiêng liêng cao quý, là giá trị nhân văn cao đẹp, được xây nên từ xương máu, mồ hôi, nước mắt của biết bao đồng bào, đồng chí, chiến sỹ hai huyện. Giá trị tinh thần cao đẹp đó mãi mãi là niềm tự hào, trân trọng, giữ gìn, phát huy cho các thế hệ mai sau.

Kỷ niệm 40 năm quê hương Thăng Bình giải phóng, kỷ niệm 55 năm kết nghĩa Đông Sơn-Thăng Bình, Đảng bộ và nhân dân Thăng Bình tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, thành tựu 40 năm giải phóng, phát huy tinh thần dân tộc, truyền thống đoàn kết Bắc Nam, truyền thống văn hoá đạo lý nghĩa tình sâu nặng Đông Sơn-Thăng Bình; động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, sống nghĩa tình; phát huy dân chủ trí tuệ; huy động mọi nguồn lực triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu xây dựng Thăng Bình phát triển bền vững, cùng với Đông Sơn anh em nghĩa tình sâu nặng chung bước trên con đường xây dựng và phát triển trong những năm tới./.

                                                                                                    PN

Tác giả: Phan Nghĩa- TUV, Bí thư Huyện ủy

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031197808