Biết tôi chuẩn bị khăn gói về xứ Thanh ra mắt họ hàng bên chồng vào dịp đón Tết nguyên đán, bạn bè và mọi người xung quanh ai cũng tỏ ra ái ngại. Có lẽ mọi người lo lắng cho tôi về đường xá xa xôi, về xe cộ, về cuộc sống làm dâu xứ lạ và nhất là cái rét nơi xứ Thanh, lạnh buốt cả thịt da (theo lời mọi người kể). Chồng tôi là người Thanh Hóa nhưng vào Thăng Bình sinh sống và công tác đã lâu nên giữa chúng tôi không có nhiều bất đồng về phong tục “vùng miền”. Nhưng với gia đình anh thì khác, tôi hoàn toàn lạ lẫm từ giọng nói đến cách sinh hoạt. Bản thân tôi cũng hồi hộp và lo lắng, không biết lần đầu tiên “làm dâu” sẽ như thế nào,…Thế nhưng, bao nhiêu lo âu đã tan biến ngay khi tôi đặt chân đến quê chồng.
Đó là ngày hai tám tháng chạp, ngoài trời thì mưa lâm thâm. Vừa bước chân xuống tàu, cảm nhận đầu tiên của tôi là cái rét mùa đông như cắt da cắt thịt. Vì nhà cách sân ga gần ba mươi cây số nên chồng tôi đã dặn trước mọi người là không cần lên đón. Thế nhưng tôi đã nhìn thấy mấy bác (anh trai của chồng tôi) đứng đợi. Các bác giải thích: “Lần đầu chú đưa thím về ra mắt gia đình nên hai cụ bảo lên đón mới yên tâm”. Về đến nhà, trời cũng đã sập tối nhưng anh em họ hàng sang thăm hỏi rất đông. Bà con hàng xóm tới chơi, hỏi thăm sức khỏe và xem mặt con dâu mới với tâm trạng hồ hởi, vui vẻ. Thật không như tôi tưởng tượng, mọi người ở đây ai nấy đều rất dễ gần và thân thiện, họ ngồi hàn huyên câu chuyện về gia đình, sức khỏe và điều làm tôi cảm động là họ rất quan tâm đến cuộc sống và cảm nhận của tôi- một cô gái Quảng Nam làm dâu Thanh Hóa. Dù đã thấm mệt và nhiều tiếng địa phương đôi lúc nghe khó hiểu nhưng sự nhiệt tình và nồng hậu của bà con nơi đây giúp tôi cảm thấy ấm lòng và niềm vui bắt đầu nhen nhóm…
Nơi chồng tôi ở cũng là một làng quê như bao làng quê khác. Cuộc sống ở đây vẫn còn nhiều khó khăn, người dân sinh sống bằng nghề nông quanh năm phải vật lộn với nắng hạn, bão và cái lạnh thấu xương khi trời đông tới. Hạt lúa, củ khoai, củ sắn làm ra luôn có nguy cơ bị thiên tai cướp đi bất cứ lúc nào. Có lẽ sự vất vả của cuộc sống mưu sinh đã hình thành nên cho mọi người nơi đây tính cánh siêng năng, chịu khó, nghị lực; và điều quan trọng nhất đó là dù trong khó khăn, thiếu thốn nhưng tình cảm của con người đối xử với nhau rất giản dị và chân tình. Có lẽ cũng chính vì vậy nên lần đầu tiên xa nhà, lại là lần đầu tiên một mình đi làm dâu xa quê, nhưng mọi người ở đây đã cho tôi cảm giác bình yên và gần gũi.
Không khí Tết ở quê chồng tôi cũng rộn ràng và ấm cúng như bao làng quê xứ Quảng. Nhà nào cũng gói bánh chưng, chung nhau thịt một con lợn rồi chia cho từng nhà. Chiều ba mươi tết, chồng tôi đưa tôi ra chợ đầu làng chọn những cây mía thật to, rắn chắc để chưng trên bàn thờ. Chồng tôi bảo rằng, theo nếp nghĩ của làng, cây mía là chiếc gậy để ông bà tổ tiên chống đỡ về sum họp với gia đình và cũng là đòn gánh để xong ba ngày tết ông bà gánh về bên kia xôi, bánh, dưa hành,…vì vậy, dù cuộc sống có thiếu thốn đến đâu nhưng mâm cơm ngày tết cúng ông bà phải tinh tươm, đầy đủ để thể hiện lòng hiếu thuận của cháu con. Vui nhất là vào đêm giao thừa, mọi người cùng thức để vớt bánh chưng và cúng giao thừa. Và đúng vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, trong cái rét buốt thịt da, tôi- cô con dâu mới của gia đình được giao nhiệm vụ đội mâm xôi gà cùng mọi người trong nhà lên đình làng để xin lộc tài, may mắn. Mẹ chồng tôi nói rằng đình thờ Bà có từ rất lâu rồi, trong làng ai cũng mạnh khoẻ, con cháu đi ra làm ăn và đỗ đạt cao là nhờ phước Bà. Vào lúc đó đình Bà rất đông, mọi người trong làng ai cũng có mặt và thành kính dâng lên Bà một mâm xôi, con gà và thì thầm cầu Bà ban phước. Mẹ chồng tôi ngồi giữa các con, chắp tay thì thầm nguyện cầu cho gia đình sức khoẻ, bình an, cầu cho các con đi làm ăn xa chân cứng đá mềm và có một mái ấm hạnh phúc sum vầy trong thời gian tới.
Thức khuya vậy nhưng sáng mồng một, ai cũng dậy sớm để quây quần bên mâm cơm đầu năm. Sau đó, người nào nhập hội nấy để đi chơi Tết. Khách đến chơi vào đúng giờ ăn đều vui vẻ ở lại dùng cơm với gia đình và lai rai ly rượu rồi hàn huyên những câu chuyện vui của năm mới. Mẹ và chị dâu làm tôi ngạc nhiên về khả năng chuẩn bị ẩm thực để đãi khách trong dịp Tết. Nếu ở Quảng Nam, mọi nhà chỉ quen với bánh tét, thịt gà và chả giò thì nơi đây ẩm thực cho ngày Tết là bánh chưng, canh măng hầm giò, thịt đông, thịt ngan nấu mẻ…. Đặc biệt, không thể thiếu món nem chua- một đặc sản quê hương mà theo lời chồng tôi kể thì đối với mỗi người dân xứ Thanh xa quê, nem chua Thanh Hóa đã trở thành một phần kí ức, một phần kỉ niệm của quê cha đất mẹ. Dưới sự háo hức và tò mò của tôi, chị chồng tôi đã tỉ mỹ hướng dẫn cho tôi quy trình công phu khi làm ra một sản phẩm nem chua. Nhìn từng chùm nem với màu xanh bắt mắt của lá chuối, như gói trong mình hương vị rất riêng của làng quê xứ Thanh, của tình người xứ Thanh. Chiếc nem nhỏ dài, xinh xắn, có vị chua chua do lên men, cay cay của tiêu và ớt, mùi thơm của lá đinh lăng, của tỏi cùng với vị ngọt của thịt… đã làm nên hương vị rất riêng biệt và có một sức hấp dẫn rất mãnh liệt. Bạn bè và bà con đến chơi đều thưởng thức tự nhiên như người trong nhà. Sự gắn bó của tình làng nghĩa xóm làm ngày Tết ở đây càng trở nên ấm cúng. Mọi người ở đây đã khiến tôi càng hiểu và thêm yêu con người xứ Thanh chân thành, mộc mạc, sống giản dị, hiền hòa, dễ mến.
Ngày Tết tôi được chồng đưa đi xem lễ hội Đền Thượng, múa đèn Ðông Sơn, múa Xuân Phả cùng các điệu hò sông Mã, Lễ hội Cầu ngư (Sầm Sơn)… một nét văn hóa rất riêng của người dân xứ Thanh. Chúng tôi ngang qua dòng sông Mã anh hùng, có cầu Hàm Rồng- tuyến giao thông quan trọng, huyết mạch của đất nước trong những năm tháng chiến tranh đã đi vào lịch sử; thăm Động Từ Thức- Nga Sơn với truyền thuyết Từ Thức gặp tiên ly kỳ và thú vị; đến Cảng Hới- Sầm Sơn nơi vinh dự được chọn để đón tiếp hàng chục ngàn cán bộ, chiến sỹ, học sinh là con em đồng bào Miền Nam ra Bắc tập kết; qua Thành phố Thanh Hóa giàu đẹp đang trên đà phát triển, về đêm, thành phố trở nên tuyệt đẹp với bao đèn lồng lung linh sắc đỏ,... Tất cả nói lên rằng, đến với Thanh Hóa người ta mới có những cảm nhận về con người xứ Thanh nồng hậu, mến khách vẫn luôn gìn giữ được sinh hoạt văn hoá truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Một tuần trên đất quê chồng trôi qua thật nhanh, ngày vợ chồng tôi trở lại Quảng Nam, mẹ và chị dâu cẩn thận gói ghém nào là bánh, nem, chả,… làm quà biếu ông bà thông gia miền Trung xa xôi. Những cái nắm tay, những lời nhắn nhủ, dặn dò đầy tình cảm của bố mẹ và bà con bên chồng làm cho tôi xúc động. Bản thân là một người con gái khá mạnh mẽ nhưng tôi cũng không cầm được nước mắt khi nhìn cảnh gia đình chồng vẫn đứng ở sân ga khi đoàn tàu đã rời bánh giữa tiết trời đầu xuân lạnh buốt. Ngả đầu vào vai chồng, tôi thầm cảm ơn anh đã cho tôi một quê hương thứ hai- mảnh đất Thanh Hóa với những con người hồn hậu, chân chất và rất nghĩa tình.