Chi tiết tin

A+ | A | A-

CÒN MÃI VỚI THỜI GIAN

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 15:04 | 23/03/2015 Lượt xem: 2425

Mối quan hệ Đông Sơn- Thăng Bình hơn nữa thập kỷ qua mang đậm nghĩa và tình. Trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, hai huyện đã kề vài sát cánh, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trong những năm tháng ác liệt, gian khổ của chiến tranh và ngày hôm nay lại cùng nhau phấn khởi trước những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa- Quảng Nam nói chung và Đông Sơn- Thăng Bình nói riêng sẽ luôn nắm chặt tay nhau cùng tiếp bước trên con đường phía trước, tô đậm thêm truyền thống đoàn kết, gắn bó keo sơn của hai địa phương.

Dấu mốc lịch sử

Cách đây 55 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh phong trào đoàn kết, đại đoàn kết dân tộc và ủng hộ đồng bào miền Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Vào ngày 12/3/1960 đáng nhớ, tại thị xã Thanh Hóa đã diễn ra Lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa- Quảng Nam. Ngay sau Lễ tuyên bố kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa- Quảng Nam, huyện Thăng Bình và huyện Đông Sơn đã tổ chức kết nghĩa với nhau. Sự kiện chính trị ý nghĩa này là một mốc son lịch sử đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai huyện. Việc kết nghĩa đã tạo ra giá trị tinh thần, vật chất to lớn, động viên, cổ vũ Đảng bộ và nhân dân hai huyện tích cực thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Kể từ ngày đó đến nay, Đảng bộ và nhân dân hai huyện trải qua nhiều thế hệ vẫn tiếp nối dựng xây, phát triển mối quan hệ kết nghĩa bền chặt theo năm tháng.  

Ngược dòng lịch sử, vào những năm 60 của thế kỷ 20, Thăng Bình cũng như các địa phương khác trên chiến trường Quảng Nam- Đà Nẵng phải chịu những cuộc đàn áp khốc liệt, những vụ thảm sát đẫm máu gây nhiều tội ác dã man của Mỹ- Ngụy khi đế quốc Mỹ hất cẳng Pháp ra khỏi Việt Nam, dốc toàn bộ lực lượng hòng biến Việt Nam thành thuộc địa của mình. Lúc này, cách mạng của ta chủ trương đấu tranh chính trị, hoạt động bí mật. Sau một thời gian tìm giải pháp đưa cách mạng miền Nam tiến lên theo con đường đúng đắn, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 15 vào năm 1959, chủ trương của Đảng ta chuyển hướng sang đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị và binh vận. Cùng với các địa phương khác trên chiến trường Quảng Nam, nhân dân Thăng Bình với truyền thống yêu nước nồng nàn, quyết đem hết toàn bộ lực lượng, tinh thần tiến lên đánh Mỹ.

Tình cảm và trách nhiệm

Trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cùng với các địa phương khác trên toàn miền Bắc, Đảng bộ, quân và dân Đông Sơn đã thực hiện sáng tạo phong trào thi đua vì miền Nam ruột thịt, vì Thăng Bình kết nghĩa, làm tròn nhiệm vụ là hậu phương lớn, là nguồn cổ vũ tinh thần mạnh mẽ cho quân dân Thăng Bình đánh thắng giặc ngoại xâm. Hướng về tiền tuyến lớn, đã có 24.218 thanh niên Đông Sơn với khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai” đã nối tiếp nhau trèo đèo lội suối, tiến về chiến trường miền Nam thân yêu, trong đó có Thăng Bình. Trên quê hương Đông Sơn đã xuất hiện nhiều hành động thắm đượm nghĩa tình, hướng về Thăng Bình thân yêu; toàn dân ra sức thi đua lao động sản xuất để đóng góp hàng chục vạn tấn lương thực, thực phẩm chi viện cho cách mạng miền Nam với tinh thần "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Đặc biệt, những người chị, người mẹ đã phát huy mạnh mẽ phong trào 3 đảm đang, chăm lo việc nước, đảm đang việc nhà để chồng con và người thân của mình yên tâm chiến đấu trên các chiến trường. Đáp lại tình cảm thiêng liêng của Đảng bộ và nhân dân huyện Đông Sơn, Đảng bộ và nhân dân Thăng Bình như được tiếp thêm sức mạnh, đã chiến đấu ngoan cường lập nhiều chiến công vẻ vang, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất hai miền Nam Bắc.

Sau ngày giải phóng, trong hoàn cảnh sau chiến tranh còn bộn bề khó khăn, đặc biệt là thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn để làm nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, thì Đảng bộ Thanh Hóa đã tổ chức điều động nhiều cán bộ, đảng viên vào Quảng Nam, trong đó những người con của Đông Sơn được phân công về Thăng Bình nhận công tác, và chính trong quá trình đó đã để lại những tình cảm gắn bó, khó quên với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thăng Bình. Lúc đó, cũng có hàng ngàn người dân Thanh Hóa đã tình nguyện rời quê hương vào Quảng Nam xây dựng kinh tế mới. Với sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân Quảng Nam, Thăng Bình, những người con Thanh Hóa, Đông Sơn đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên, góp sức xây dựng quê hương thứ hai của mình ngày càng phát triển, giàu đẹp. Chính những người con quê hương Đông Sơn ở Thăng Bình, cũng như những cán bộ Thăng Bình tập kết ra Đông Sơn đã trở thành cầu nối, sợi dây gắn kết tình cảm đồng chí anh em giữa Đảng bộ, quân dân hai huyện. Trong suốt 40 năm sau ngày đất nước thống nhất đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai huyện thường xuyên gắn bó, động viên nhau cả về tinh thần, lẫn vật chất và cùng thi đua xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước. Hằng năm vào dịp lễ, tết, kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ, và đặc biệt là trong các đợt thiên tai lũ lụt hai huyện đều cử các đoàn đại biểu thăm hỏi, tặng quà, động viên lẫn nhau, trao đổi thông tin về tình hình phát triển KTXH và đời sống nhân dân của hai huyện, cũng như chia sẻ những thiệt hại, mất mát, hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn trong thiên tai. Ngoài ra, tuổi trẻ hai huyện Đông Sơn- Thăng Bình đã có những hoạt động thắm tình kết nghĩa như vận động hỗ trợ kinh phí làm nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách đang gặp khó khăn ở hai địa phương, góp phần tiếp tục vun đắp tình nghĩa Đông Sơn- Thăng Bình mãi mãi bền chặt, không ngừng nở hoa kết trái.

Tiếp nối truyền thống

Nhìn lại chặng đường 55 năm qua, Đảng bộ, quân dân hai huyện tự hào về truyền thống và phấn khởi trước những thành tựu về mọi mặt của hai địa phương, mỗi người dân chúng ta càng nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ của Đảng bộ và nhân dân hai huyện trong sự nghiệp đổi mới, trong thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế hiện nay. Trên nền tảng vững chắc qua nửa thế kỷ kết nghĩa, hơn bao giờ hết tinh thần đoàn kết, gắn bó tình đồng chí, anh em giữa hai huyện cần phải nâng lên tầm cao mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng quê hương Thăng Bình, Đông Sơn ngày càng phồn vinh, giàu đẹp. Thời gian đến, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp hai huyện tiếp tục phát huy truyền thống, phối hợp chặt chẽ, thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Đồng thời, coi trọng tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân nhất là thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng và nghĩa tình thủy chung của Đảng bộ và nhân dân hai huyện; thường xuyên giao lưu, học tập trao đổi kinh nghiệm, tăng cường sự hiểu biết, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ, vun đắp tình kết nghĩa thâm giao ngày càng phát triển.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng tình cảm đoàn kết, nghĩa tình sâu đậm gắn bó keo sơn Đông Sơn - Thăng Bình vẫn in đậm trong trái tim của mỗi người dân hai địa phương. Đó là những giá trị nhân văn cao đẹp và thiêng liêng được xây nên bằng máu, mồ hôi và nước mắt của đồng bào, chiến sỹ hai huyện, giá trị tinh thần ấy luôn được trân trọng, giữ gìn và phát huy cho các thế hệ mai sau. Năm tháng sẽ qua đi, nhưng tin chắc rằng tình nghĩa thủy chung son sắc Đông Sơn- Thăng Bình sẽ trường tồn mãi theo thời gian...

Tác giả: Đông Anh

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031199818