Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Đảng bộ huyện Thăng Bình !
Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 16:30 | 02/10/2014 Lượt xem: 376
Tại buổi đối thoại trực tiếp với 5 hộ dân tại xã Bình Nguyên do Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Nguyễn Văn Ngữ chủ trì, các hộ này có đất sử dụng từ chuyển nhượng mà có. Người dân yêu cầu phải xác định lại nguồn gốc đất để bồi thường, hỗ trợ và phải hỗ trợ tiền bồi trúc. Năm 1984, ông Cao Ngọc Lân (tổ 2, thôn Liễu Trì, xã Bình Nguyên) có chuyển nhượng từ ông Nguyễn Thể với diện tích 80m2 để xây nhà. Đến năm 1995, ông kê khai đăng ký và được UBND huyện Thăng Bình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1997. Theo hồ sơ địa chính, thửa đất của gia đình ông không tiếp giáp với với quốc lộ 1 mà giáp với thửa đất ao 755, tờ bản đồ số 6 với diện tích 260m2 do UBND xã Bình Nguyên quản lý. Do đó việc thu hồi đất không ảnh hưởng đến diện tích đất của ông. Tuy nhiên, ông Cao Ngọc Lân cho rằng việc ảnh hưởng hay thu hồi và có đền bù hay hỗ trợ thì phải thông báo cho dân biết. Trong khi đó, chính quyền địa phương đã không họp dân, không đo đạc đất mà chỉ căn cứ trên giấy tờ rồi quyết định thu hồi đất của ông. Chỉ đến khi ông khiếu nại thì xã mới làm việc với ông. Ông Lân cho rằng cần phải có những buổi đối thoại như thế này, bởi người dân hiểu rất mập mờ về thông tin bồi thường, hỗ trợ đất. Khi các cơ quan chức năng phân tích rõ, người dân mới hiểu được. Cũng tại buổi đối thoại, ông Lân yêu cầu cần phải xác định lại nguồn gốc đất. Ngay sau đó, kiến nghị của ông đã được Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình chỉ đạo các đơn vị đo đạc, kiểm tra lại diện tích. Sau buổi đối thoại, các hộ dân đều ký cam kết bàn giao mặt bằng, không cản trở thi công.
Theo ông Nguyễn Văn Ngữ, cần phải tổ chức những buổi đối thoại như thế này để lắng nghe những tâm tư nguyện vọng, ý kiến thắc mắc của người dân. Đồng thời căn cứ vào các quy định để giải thích, trả lời cho người dân. Các cuộc đối thoại được diễn ra một cách công khai, dân chủ. Các vấn đề mà người dân thắc mắc được giải đáp kịp thời. Điều đó sẽ tạo được sự tin tưởng, đồng thuận cao của người dân. Tính đến nay, Thăng Bình đã tổ chức 25 cuộc đối thoại trực tiếp. Qua các lần đối thoại, người dân đã ký cam kết bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, không cản trở thi công. Đến ngày 29.9, Thăng Bình đã có 127 hộ đã thống nhất bàn giao mặt bằng. UBND huyện Thăng Bình sẽ tiếp tục đối thoại với 110 hộ còn lại để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Tác giả: Giang Biên
Nguồn tin: Báo Quảng Nam
Các tin mới hơn:
Các tin cũ hơn:
Tổng số lượt truy cập