Ngày 9/8/1945, Hồng quân Liên Xô tấn công mãnh liệt vào đội quan Quan Đông tinh nhuệ của Nhật. Quân Nhật suy yếu rõ rệt. Được tin trên, Tỉnh ủy Quảng Nam họp ngay tại Tam Mỹ, Tam Kỳ, bàn biện pháp đẩy mạnh chuẩn bị khởi nghĩa kịp đón thời cơ. Cuộc họp bước sang ngày thứ hai (15/8/1945), lúc 3 giờ chiều được tin cơ sở trong hiến binh Nhật ở Đà Nẵng báo ra: vào 12 giờ trưa ngày 15/8/1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Sau giây phút bàng hoàng mừng rỡ, Tỉnh ủy tập trung bàn kế hoạch khởi nghĩa trong không khí vô cùng khẩn trương và phấn khởi. Mặc dù chưa nhận được lệnh của Trung ương, Tỉnh ủy vẫn quyết định khởi nghĩa toàn tỉnh vào ngày 19/8/1945. Một quyết định kịp thời, sáng tạo, trùng hợp với thời điểm tổng khởi nghĩa toàn quốc theo lệnh của Trung ương ban ra mà tỉnh nhận được sau đó.
Trước tình hình đó, Ủy ban Mặt trận Việt Minh Thăng Bình chủ trương triệu tập khẩn cấp một hội nghị bất thường vào ngày 15/8/1945, tại một ngôi mộ ở rừng chùa Hà Lam và quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa (lúc đó gọi là Ủy ban bạo động) phủ Thăng Bình gồm 12 đồng chí: Hồ Thuật, Nguyễn Tiến Chế, Nguyễn Huyến, Nguyễn Võ, Nguyễn Hữu Khiêm, Nguyễn Trợ, Huỳnh Du, Nguyễn Hữu Đức, Võ Côn, Huỳnh Cẩn, Huỳnh Kinh Nhi, Nguyễn Cư.
Trong hội nghị, Ủy ban khởi nghĩa đã quyết định các chủ trương công tác cấp bách cần làm ngay:
- Gấp rút mở những cuộc tuyên truyền công khai về chương trình của Việt Minh nhằm giác ngộ quần chúng và phát huy thanh thế cách mạng nhanh chóng, rộng rãi.
- Củng cố phát triển thêm đội tự vệ, tăng cường tập luyện chiến đấu và trang bị thêm vũ khí.
- Đẩy mạnh việc quyên góp sắt thép rèn thêm vũ khí.
- Tiến hành gấp việc may cờ, băng khẩu hiệu để chuẩn bị khởi nghĩa.
- Đưa thư chiêu hàng của Ủy ban khởi cho tên tri phủ Thăng Bình Nguyễn Phổ.
- Huy động lực lượng quần chúng cách mạng trong toàn huyện chia thành bốn cánh quân khởi nghĩa từ bốn hướng kéo về phủ đường để giành quyền về tay nhân dân.
Ngay sau cuộc họp trên, không khí sôi động rộ khắp phủ. Tại đình Đức An, đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Công Hương, Trương Thị Ngọ nổi trống đình Đức An, tập trung nhân dân nổi dậy khởi nghĩa. Tại chợ Hà Lam rồi chợ Bà Hiền Lương đang họp buổi chợ, đồng chí Phạm Thị Trịnh đứng lên chiếc ghế giữa chợ thông báo giặc Nhật thua trận, kêu gọi đồng bào đứng lên khởi nghĩa. Xã dưới, làng trên trong phủ bừng lên khí thế khởi nghĩa. Bộ máy chính quyền của địch lúc này hầu như tê liệt, hoang mang đến cực độ. Việc may cờ, băng khẩu hiệu được các tổ chức quần chúng cứu quốc các xã tiến hành gấp rút. Các đội tự vệ được sẵn sàng chờ lệnh.
Theo chủ trương của Tỉnh ủy, khởi nghĩa ở nông thôn và các phủ huyện trước tạo thế áp đảo để giành chính quyền ở tỉnh lỵ Hội An, Đà Nẵng. Sau Hội nghị Tỉnh ủy, đồng chí Võ Toàn đến kiểm tra tình hình chuẩn bị khởi nghĩa ở Hội An, thấy những điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi, thời cơ khởi nghĩa đã xuất hiện ở thị xã. Đồng chí đã cùng thảo luận với Ủy ban khởi nghĩa thị xã cần động viên quần chúng cách mạng nội ngoại thành sẵn sàng hành động, khi có lệnh cướp lấy chính quyền, đồng thời cử cán bộ báo cáo, xin chỉ thị của Thường trực Ủy ban khởi nghĩa tỉnh cho Hội An khởi nghĩa gấp. Được tỉnh chấp thuận, đêm ngày 17 rạng 18/8/1945, Hội An khởi nghĩa giành thắng lợi nhanh chóng trọn vẹn. Thị xã, tỉnh lỵ Quảng Nam đã về tay cách mạng. Cơ quan đầu não của chính phủ Trần Trọng Kim ở tỉnh Quảng Nam bị đâp tan trong mấy tiếng đồng hồ. Tin vui thắng lợi lan nhanh khắp tỉnh, nhân dân Thăng Bình náo nức đón chờ đến lượt địa phương mình sẵn sàng tham gia hành động.
Sáng ngày 18/8, Ban Thường trực Ủy ban khởi nghĩa Thăng Bình cử đồng chí Nguyễn Đức Đính trực tiếp xin chỉ thị của tỉnh, đồng thời ban Thường trực phủ họp ngay tại nhà đồng chí Võ Duy Bình (Kế Xuyên) ra quyết định khời nghĩa giành chính quyền phủ Thăng Bình. Kế hoạch khởi nghĩa được vạch ra.
20 giờ ngày 18/8/1945, cướp chính quyền, chiếm lĩnh phủ lỵ Thăng Bình.
14 giờ cùng ngày đưa thư chiêu hàng đến phủ trưởng Thăng Bình.
Mật báo cho cơ sở nội ứng trong tiểu đội lính tuần sai bảo vệ phủ đường, 17 giờ ngày 18/8 khóa chặt giá súng.
Gấp rút huy động lực lượng quần chúng vũ trang hình thành bốn cánh quân khởi nghĩa tiến về phủ lỵ cướp chính quyền:
+ Cánh quân từ Việt An, Hội Tường, Ngọc Chánh, Hiền Lộc… do đồng chí Nguyễn Huyến phụ trách theo đường 16 kéo về phủ đường.
+ Cánh quân từ Phụng Loan, Phụng Sơn, Đức An, Đo Đo, Châu Long, Phước Hà, Phước Cang, Hương Bình, v.v.. do đồng chí Nguyễn Hữu Đức phụ trách theo đường Cơ Bình kéo ra ngã Phú Mỹ, Phước Thành, ga Phú Cang giáp đường 16 về thẳng phủ đường.
+ Cánh quân từ Quán Gò, Tuần Dưỡng, Kế Xuyên, Trà Sơn… theo Quốc lộ 1A kéo ra hợp quân cùng với quân ở Cẩm Lũ, Phước Thạnh, Ngọc Phô, Trường An, Hưng Mỹ, quân chủ yếu của cuộc khởi nghĩa và do Ban Thường trực Ủy ban khởi nghĩa trực tiếp phụ trách.
Quần chúng vũ trang các xã cạnh phủ lỵ như Hà Lam, Thanh Ly, Liễu Trì, Đồng Thái ở tư thế sẵn sàng, khi các cánh quân chính kéo vào thì nhập cuộc.
Chiều ngày 18/8/1945, đồng chí Nguyễn Đức Đính mang lệnh khởi nghĩa của tỉnh về. Cuộc khởi nghĩa được cấp tốc triển khai như dự định.
Khoảng 16 giờ ngày 18/8/1945, quần chúng cách mạng ở các xã nổi trống mõ, cờ, giáo, mác, gậy gộc, người người lớp lớp chỉnh tề, rầm rập xuống đường hô vang khẩu hiệu:
Đả đảo phát xít Nhật!
Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim!
Mặt trận Việt Minh muôn năm!
Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm!
Lực lượng khởi nghĩa các xã nối đuôi nhau hùng dũng kéo về địa điểm tập kết. Ngày hội cách mạng ngàn năm có một của nhân dân Thăng Bình đã đến. Khí thế cách mạng long trời lở đất của quần chúng cách mạng đang xông lên phá nát gông cùm, xiềng xích nô lệ trói buộc họ từ bao đời nay.
Sau khi giành chính quyền ở Hội An, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh cử một lực lượng vũ trang dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Toàn và Phan Thị Nể tiến vào hỗ trợ cho các huyện phía nam khởi nghĩa. Sau khi yểm trợ cho Duy Xuyên khởi nghĩa, các đồng chí vào đến Thăng Bình vào khoảng 16 giờ ngày 18/8/1945. Theo kế hoạch của Ủy ban khởi nghĩa Thăng Bình thì vào thời điểm đó, quần chúng khởi nghĩa các xã đang trên đường tập kết quân. Đến 20 giờ các cánh quân khởi nghĩa mới tiến về đến phủ đường. Do đó, khi đồng chí Võ Toàn và Phan Thị Nể đến phủ Thăng Bình chỉ có lực lượng khởi nghĩa của xã Hà Lam tại đây.
Viên tri phủ Nguyễn Phổ đã nhận thư chiêu hàng của Ủy ban khởi nghĩa Thăng Bình vào lúc 14 giờ ngày 18/8/1945, nên khi đồng chí Võ Toàn ra lệnh cho tri phủ Nguyễn Phổ giao nộp ấn tín thì y liền giao nộp ngay. Đồng chí Võ Toàn ra lệnh tước súng đạn và tuyên bố: “Từ giờ phút này cách mạng nắm giữ chính quyền”. Đồng chí Võ Toàn giao lại cho lực lượng quần chúng khởi nghĩa Hà Lam nắm giữ phủ đường và đoàn xe tiếp tục hành quân. Trên đường vào Tam Kỳ, đồng chí Võ Toàn và Phan Thị Nể gặp cánh quân thứ tư do Ban Thường trực khởi nghĩa huyện đang rầm rộ kéo ra. Hai bên chào nhau, đồng chí Võ Toàn báo lại sự việc vừa diễn ra tại phủ đường Thăng Bình. Đoàn người vũ trang hành quân cấp tốc tiến ra Hà Lam. Đúng 20 giờ ngày 18/8/1945, tất cả bốn cánh quân khởi nghĩa đều lần lượt kéo về phủ đường Thăng Bình nắm lấy chính quyền. Ủy ban khởi nghĩa Thăng Bình ra lệnh bắt vợ chồng viên tri phủ Nguyễn Phổ tạm giam, bố trí lực lượng canh giữ phủ đường và các đầu mối giao thông đi vào phủ. Công việc sắp đặt tạm yên, những đơn vị khởi nghĩa vũ trang ở gần phủ lỵ được thông báo về ngay trong đêm, những đơn vị ở xã phân tán nghỉ ở các xã lân cận phủ lỵ.
Sáng ngày 19/8/1945, các lực lượng khởi nghĩa tổ chức một cuộc biểu tình tuần hành dọc các trục đường chính của phủ hoan nghênh thắng lợi của chính quyền cách mạng, biểu dương sức mạnh lực lượng của quần chúng cách mạng. Sau đó chia ra các hướng từng đoàn kéo về địa phương mình.
Tiếp theo những ngày sau, các đoàn biểu tình các xã, thôn chưa được tham dự vào cuộc khởi nghĩa ngày 18/8/1945, lần lượt kéo về phủ Thăng Bình chào mừng chính quyền cách mạng, hoan nghênh cuộc cách mạng thay da đổi thịt của nhân dân..
Ngày 19/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa Thăng Bình tổ chức cuộc họp và đề ra những việc cấp bách, đến tháng 9/1945, cơ bản những việc cấp bách được thực hiện.
Ngày 20/9/1945, một cuộc mittinh lớn toàn phủ được tổ chức tại cánh đồng Hà Lam có hàng ngàn người tham dự. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Thăng Bình ra mắt nhân dân. Chế độ mới, chính thể dân chủ nhân dân được xác lập. Cùng cả nước, lịch sử Thăng Bình thực sự sang trang.
Khởi nghĩa Tháng 8/1945 ở Thăng Bình là bước phát triển nhảy vọt của phong trào cách mạng, mở ra trang sử mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân trong huyện, đem lại một cuộc sống mới, thay da đổi thịt và các quyền tự do, quyền làm chủ đất nước, làm chủ địa phương của nhân dân.