Con em Bình Dương tập kết ra bắc, số cán bộ cốt cán được phân công ở lại, bám vào dân, chuyển hướng hoạt động bí mật, được nhân dân đùm bọc, che chở, đầu mối cơ sở cách mạng ở đây hình thành ngày càng lớn mạnh, vào lúc này bọn địch kéo đến lập nên “Quận lỵ Thăng Bình” tại Hà Lam, đóng đồn bóp tại Chợ Được, hai chi bộ Lạc Câu, Duy An – Hà Tây đã khéo léo chỉ đạo, tổ chức vận động hàng 1000 lượt người dân đứng lên tham gia hỗ trợ cuộc đấu tranh thắng lợi. Ngày 23/10/1955 nổ ra cuộc đấu tranh chống Mỹ-Diệm “Trưng cầu ý dân” với thủ đoạn “Phiếu xanh bỏ giỏ, phiếu đỏ bỏ thùng” bọn mật thám rình rập theo dõi bắt hàng trăm người, trong đó Bình Dương có 18 người, bọn chúng thủ tiêu tại nổng cát tây nam Chợ Được, cũng vào thời điểm đó, tại Bình Dương, địch tập trung lùng sục, bắt trói trên trăm người tình nghi, đem về giam cầm, tra tấn tại đình làng Lạc Câu, đồng chí Lê Quang Cảnh mưu trí giật mã tấu chém tên cảnh sát ác ôn giải vây cứu thoát hàng trăm đồng chí, đồng đội, rồi dũng cảm hy sinh, một tấm gương hy sinh của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Quang Cảnh, như tiếp thêm ngọn lửa đấu tranh, thúc dục mọi tầng lớp nhân dân vững tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng.
Vào thời điểm này địch đã công khai “chiến dịch tố cộng” bảo an, cảnh sát, ác ôn bố trí rình rập khắp mọi đường làng, ngõ xóm, trại tập trung (mốc thời gian theo truy cứu truy tặng AHLLVT Lê Quang Cảnh). Nhà lao giam giữ chật kín người, nào thanh lọc, thanh trừng, khảo tra, quản thúc cho đến luật 10/59 lê máy chém đi khắp nơi hòng uy hiếp, khủng bố tinh thần đấu tranh của nhân dân nhưng không khuất phục được tinh thần cách mạng của nhân dân Bình Dương.
Mùa thu năm 1959 sau Nghị quyết 15 Trung ương Đảng ra đời, đồng chí Phan Ngọc Giáo từ miền bắc trở về chiến trường miền nam, được Tỉnh ủy bố trí về công tác ở Thăng Bình. Năm 1961 đ/c Phan Ngọc Giáo, đ/c Phan Dể và đ/c Nguyễn Đức Bốn, bí mật về vùng Đông chỉ đạo xây dựng cơ sở quần chúng trước mắt thực hiện ở 02 xã Bình Dương và Bình Giang, sau đó nhân rộng ra cả vùng.
Cuối năm 1963, Huyện ủy đã cử các đồng chí Huyện ủy viên: Phan Lam, Hồ Trượng về Bình Dương củng cố chi bộ Đảng, thành lập Ban Cán sự xã và nắm bắt tình hình cơ sở đã và đang hoạt động.
Bước vào đầu năm 1964 ngoài lực lượng cơ sở cũ đã hoạt động lâu nay, chi bộ kết nạp thêm nhiều đảng viên mới, trẻ, khỏe, nhiệt huyết, tranh thủ xây dựng mới 28 tổ cơ sở, mỗi thôn đều có tổ du kích mật, mỗi tổ có đến 2-3 hầm bí mật, cơ sở trung kiên đều tự đào hầm bí mật, đảm bảo cho cán bộ hoạt động, toàn xã có trên 200 cơ sở hoạt động, phân đều ở các thôn, từ vùng đồng, vùng cát, vùng biển, làng chài Cây Mộc, cán bộ của huyện và đường dây liên lạc đã về bám trụ ở địa phương và các vùng lân cận.
Tiếp tục quán triệt chủ trương của Huyện ủy, rút được những bài học kinh nghiệm của đợt nổi dậy vừa qua, chi bộ khẩn trương chuẩn bị cho đợt tổng khởi nghĩa mới, quyết phá tan kèm kẹp của dịch, giải phóng quê hương, trước hết chăm lo xây dựng Đảng và quần chúng trung kiên, củng cố và phát triển nhiều tổ du kích mật, công sự mật, hầm hào chiến đấu, cán bộ, du kích học tập sử dụng thành thạo vũ khí, chuẩn bị điều kiện hoạt động vũ trang, chiến đấu giữ vững vùng giải phóng.
Theo tinh thần đó đến cuối tháng 8/1964 chi bộ đã kết nạp thêm đảng viên mới, thành lập ban khởi nghĩa gồm các đồng chí: Phan Thanh Bình, Ngô Thanh Minh, Phan Thận, Phan Vĩnh, Phan Thanh Toán, Trần Lục… do đ/c Phan Thanh Bình - Bí thư chi bộ làm trưởng ban, Ban Khởi nghĩa khẩn trương làm việc, soát xét lại từng cơ sở, nhất là tình hình tư tưởng, chú trọng bồi dưỡng nâng cao ý chí chiến đấu cho cơ sở được cài cắm trong cơ quan địch, cơ sở nội tuyến của ta, nắm trọn vẹn trung đội dân vệ (nghĩa quân), các đ/c Phan Lợi và Trương Kim Ái giữ hỏa lực, trung liên và máy thông tin PRC10 sẵn sàng hợp đồng tác chiến khi có lệnh, phối hợp với du kích và quần chúng nổi dậy khởi nghĩa.
Thực hiện chiến dịch Thu Đông của Khu V, Tỉnh ủy Quảng Nam phát động nhân dân nổi dậy giành lại Nông Sơn, Ban Chỉ huy chiến dịch do đồng chí Quách Tự Hấp - Tỉnh đội trưởng và đ/c Hoàng Minh Thắng - Thường vụ Tỉnh ủy, Chính trị viên tỉnh đội trực tiếp chỉ huy mạn Quế Sơn, Thăng Bình. Huyện ủy Thăng Bình hạ quyết tâm giành lại toàn bộ vùng đông, lấy Bình Dương làm trọng điểm và nhanh chóng mở ra trên diện 7 xã Vùng đông. Huyện ủy phân công các đ/c Huyện ủy ra làm hai bộ phận, một bộ phận cùng đồng chí Quách Tự Hấp sử dụng bộ đội địa phương tấn công bảo an, dân vệ giải phóng các ấp chiến lược, khu dồn Hà Châu xã Bình Phú đưa dân về làng cũ tạo điều kiện căng kéo, kìm chế địch ở phía tây để phía đông phát động quần chúng, một bộ phận Huyện ủy cùng đ/c Hoàng Minh Thắng với một đại đội của Tiểu đoàn 70 và 10 cán bộ chính trị (do đ/c Phan Ngọc Giáo chỉ huy) luồn xuống vùng đông, chuẩn bị phát động quần chúng nổi dậy giải phóng vùng nông thôn ven biển.
Đêm ngày 3/9/1964 tất cả lực lượng chính trị-quân sự đều nhanh chóng vượt quốc lộ 1A, vượt Trường Giang luồn về trú quân ở thôn 6 – Bình Dương. Được chủ trương phát động, quần chúng đồng khởi phá kèm kẹp của địch, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng vùng Đông, chi bộ ban khởi nghĩa xã nhanh chóng phổ biến chỉ thị của Huyện ủy đến cơ sở các thôn.
Giữa đêm 4/9/1964 toàn thể cơ sở trung kiên đã họp tại Bầu Gộc quán triệt chủ trương thống nhất kế hoạch hành động, nêu cao quyết tâm giành cho kỳ được chính quyền về tay nhân dân. Theo kế hoạch, lấy đêm ngày 5/9/1964 mở đợt tiến công vào 2 xã Bình Dương và Bình Giang ở vùng đông, lấy lực lượng tại chỗ là chính, Tỉnh đội hổ trợ một bộ phận của đơn vị đặc công trinh sát với 12 đồng chí cán bộ và chiến sĩ.
Tuy nhiên, ngày 04.9.1964 qua máy bộ đàm PRC 25, biết tin tên Nguyễn Minh Đăng ác ôn, quận trưởng Thăng Bình phát lệnh cho 7 xã vùng đông đối phó, tối 5.9.1964 Việt cộng tấn công giải phóng vùng đông của Quận.
Ngay lập tức, Ban Chỉ huy chiến dịch gồm các đ/c: Hoàng Minh Thắng - UVTV Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội, đ/c Nguyễn Đức Bốn - Phó Bí thư Huyện ủy, đ/c Trần Anh Vũ và đ/c Hồ Trượng - UVTV Huyện ủy đã phát lệnh 12h trưa ngày 05/9/1964 khởi nghĩa.
Trong lúc bọn Hội đồng hương chính xã Bình Dương đang tụ tập bàn kế hoạch để đối phó khởi nghĩa và ăn nhậu vừa xong, quân ta nổ súng xung phong tứ phía, tóm gọn mâm Hội đồng, Tên Nghĩa ác ôn đại diện Hội đồng xã lách chạy sang Bình Đào, lập tức bị nhân dân vay bắt trói giải cùng đồng bọn về cơ quan ban khởi nghĩa, Trung đội dân vệ do cơ sở của ta điều hành, được giáo dục động viên đã tình nguyện gia nhập lực lượng vũ trang cách mạng, đồng thời nhân dân từ vùng cát, vùng đồng, trong sông, ngoài biển nhất tề nổi dậy với gập gộc, giao mác, với khí thế hừng hực cách mạng, truy bắt bọn tề ngụy thôn ấp và các loại tay sai khác và đã phá tan ấp chiến lược cơ quan hội đồng hương chính xã.
Ngay tối đêm đó, có đến 5.000 người, hàng ngũ chỉnh tề, bừng bừng khí thế khởi nghĩa làm chủ xóm làng, kéo về tập trung tại Trảng Mó (thôn 2) dưới ánh đèn Mang song rực rỡ, mít tinh chiến thắng, thành lập chính quyền tự quản xã, cử đồng chí Phan Thanh Bình làm Chủ tịch, tổ chức ra mắt lực lượng vũ trang, đội du kích, cử đ/c Ngô Thanh Minh làm xã đội trưởng.
Các tổ chức đoàn thể: Lão thành, Nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niên cũng được công bố hình thành chính quyền tự quản, công bố và kêu gọi nhân dân đoàn kết, đồng tâm hiệp lực xây làng chiến đấu chống địch càn quét, lấn chiếm bảo vệ vùng giải phóng. Cũng trong đêm ấy, toàn dân tham gia phiên tòa xử tội những tên ác ôn có nhiều nợ máu, còn đại bộ phận trong bộ máy ngụy quyền xã, thôn được giáo dục học tập, làm ăn sinh sống đoàn tụ với gia đình.
Thắng lợi cuộc khởi nghĩa 05/9/1964 giải phóng Bình Dương tiến đến giải phóng vùng đông Thăng Bình, đã tạo thành hành lang liên hoàn, một hậu phương lớn trên chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà những năm đầu đánh Mỹ và có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, góp phần cùng nhân dân cả nước hoàn thành sứ mệnh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ Quốc, cả nước đi lên CNXH, đổi mới và hội nhập.