Chi tiết tin

A+ | A | A-

Bình Quế phát huy Đề án kinh tế vùng Tây trong phát triển kinh tế- xã hội địa phương

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 18:49 | 11/06/2023 Lượt xem: 1060

Là xã thuần nông, điều kiện tự nhiên còn nhiều khó khăn, Đảng uỷ Bình Quế xác định Nghị quyết 53/NQ-HĐND ngày 15/12/2021 của HĐND huyện Thăng Bình về phát triển kinh tế vùng Tây có vai trò rất quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương và nâng cao đời sống Nhân dân. Do đó, sau khi Nghị quyết ban hành Đảng ủy xã đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và đề ra các giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Vùng Tây có địa bàn rộng nhưng điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn hơn so với 2 vùng còn lại nhưng có lợi thế về kinh tế nông nghiệp, kinh tế rừng. Chính vì vậy, UBND huyện đã xây dựng Đề án, HĐND huyện ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế vùng Tây (Nghị quyết 53/NQ-HĐND, ngày 15/12/2021), theo đó, khuyến khích phát triển kinh tế rừng, kinh tế vườn đồi, kinh tế trang trại theo mô hình kinh tế nông lâm kết hợp.

Để đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, trước hết Đảng uỷ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa của Nghị quyết đối với việc phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế xã hội địa phương. UBND xã thường xuyên thông báo trên đài truyền thanh của xã hằng tuần về điều kiện và nội dung hỗ trợ của Nghị quyết. Cùng với đó, Đảng ủy đã chỉ đạo Mặt trận, các đoàn thể phối hợp với UBND xã xây dựng kế hoạch tổ chức họp dân để tuyên truyền về nội dung của Nghị quyết. Kết quả đã tổ chức họp dân ở 4 thôn với hơn 500 người tham dự. Sau đó, Đảng ủy chỉ đạo UBND xã phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể và ban cán sự thôn thành lập 2 đoàn đi xuống hộ dân để khảo sát thực tế, hướng dẫn nguời dân thực hiện các mô hình. Qua khảo sát có 27 mô hình kinh tế đủ điều kiện để hỗ trợ trong giai đoạn 2022 - 2023.

Sau khi tổng hợp số mô hình đủ điều kiện, UBND xã đã hướng dẫn người dân xác lập hồ sơ để được hưởng cơ chế hỗ trợ của Nghị quyết. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sau 01 năm triển khai thực hiện đã có tổng cộng 27 mô hình đã khảo sát được chia ra thực hiện trong 2 năm. Trong năm 2022 thực hiện 11 mô hình, với 02 mô hình chăn nuôi, 09 mô hình vườn. Tổng số tiền giải ngân được là 137,435 triệu đồng. Kế hoạch của năm 2023 là 16 mô hình, trong đó có 6 mô hình chăn nuôi và 10 mô hình làm vườn, ước tính tổng kinh phí giải ngân trong năm 2023 khoảng 300 triệu đồng. Phát huy thế mạnh về chăn nuôi, một số hộ nông dân trên địa bàn xã Bình Quế đã phát triển diện tích trồng cỏ, nuôi bò nhốt bán thâm canh, giá trị thu nhập gấp 2 lần trước đây. Đặc biệt, mô hình nuôi lươn không bùn của anh Trần Văn Long tại thôn Bình Hội và anh Nguyễn Thành thôn Bình Phụng đã cho thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Cây hồ tiêu được các hộ dân đầu tư trồng mới, nhân rộng, đạt hiệu quả kinh tế cao.  

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết vẫn còn những khó khăn, đó là thủ tục làm hồ sơ để hưởng cơ chế còn vướng mắc, gặp nhiều khó khăn; kinh phí hỗ trợ thấp, người dân ít quan tâm như làm vườn chủ yếu hỗ trợ phân bón, cây giống vài triệu đồng. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng do biến đổi khí hậu, đất đai khô cằn thiếu nước vào mùa khô, bão lụt vào mùa mưa…



Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Trần Văn Long- thôn Bình Hội xã Bình Quế đem lại thu nhập cao


Mô hình trồng tiêu của hộ ông Nguyễn Quý thôn Bình Quang

Thời gian đến, để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết đề ra, Đảng ủy tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt ở công tác truyên truyền. Tiếp tục chỉ đạo Mặt trận, các đoàn thể xây dựng kế hoạch họp dân tuyên truyền về Nghị quyết, hướng dẫn nhân dân thực hiện mô hình hưởng lợi từ cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết. Chỉ đạo UBND xã tăng cường khảo sát các mô hình kinh tế đủ điều kiện để thực hiện; đồng thời phân công cán bộ tiếp nhận, hướng dẫn cho nhân dân làm hồ sơ, phấn đấu trong năm 2023 giải ngân 16 mô hình kinh tế cho nhân dân.

          Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế cho giá trị kinh tế cao, như mô hình nuôi lươn không bùn tại thôn Bình Hội, mô hình trồng tiêu. UBND xã tiếp tục làm việc với chủ gia trại và một số hộ dân trên địa bàn, tổ chức liên kết với chủ gia trại cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các hộ dân.

Tập trung đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP; tiếp tục hướng dẫn các chủ thể kinh tế hoàn chỉnh hồ sơ sản phẩm, phấn đấu xây dựng 2 sản phẩm OCOP gồm tiêu Bình Quế và Tinh bột nghệ-Trà Gừng từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương.

Tin tưởng rằng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và của cả hệ thống chính trị xã Bình Quế, cùng với những định hướng, cơ chế hỗ trợ của Nghị quyết, tạo động lực sẽ khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân, tạo diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.


Tác giả: Trung Hiếu

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031416365