Những năm gần đây, xu hướng du lịch xanh đang nhận được sự quan tâm tích cực từ du khách cũng như các nhà làm du lịch, đó là một dấu hiệu tốt cho tiềm năng phát triển của du lịch nông nghiệp. Tại nhiều địa phương trên cả nước các mô hình du lịch nông nghiệp đã được triển khai và hoạt động có hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tận dụng được giá trị kinh tế trực tiếp từ ruộng, vườn song song với khai thác dịch vụ phục vụ khách du lịch cả trong và ngoài nước. Du lịch nông nghiệp phát triển giúp gia tăng sức tiêu thụ của các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời là công cụ giảm nghèo hiệu quả, bền vững, không những thế, một mô hình du lịch nông nghiệp hiệu quả có thể mang lại kiến thức cho du khách về nông nghiệp, truyền thống canh tác của vùng nông thôn, quá trình sản xuất và phân phối nông sản, nâng cao nhận thức về sử dụng thực phẩm lành mạnh và bảo vệ môi trường...
Thăng Bình là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với hơn 25 km bờ biển đẹp chạy dài qua 04 xã từ Bình Dương, Bình Minh, Bình Hải và Bình Nam, cùng với dòng sông Trường Giang chạy dọc uốn lượn đầy thơ mộng rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Hiện nay trên địa bàn huyện Thăng Bình có 01 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 01 di tích cấp quốc gia, 02 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 34 di tích cấp tỉnh, 03 cây Di sản và rất nhiều di tích văn hóa lịch sử khác hiện đang trong quá trình làm các thủ tục, hồ sơ đề nghị các cấp công nhận. Là vùng đất của những lễ hội văn hóa đặc sắc như: Lễ hội cầu ngư, hát Bả trạo, Lễ hội Rước Cộ Bà Chợ Được được tổ chức vào ngày 10, 11 tháng Giêng hằng năm thu hút rất nhiều Nhân dân và du khách đến xem. Thăng Bình còn có 03 Làng nghề truyền thống: làng nghề truyền thống làm hương ở Hà Lam, làng nghề trồng rau Hưng Mỹ xã Bình Triều, đặc biệt Làng nghề Nước mắm Cửa Khe xã Bình Dương là Làng nghề nước mắm truyền thống lâu đời nhất Quảng Nam.
Làng nghề nước mắm Cửa Khe, đây là nơi có những điều kiện, tiềm năng lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch xanh. Với hơn 60 hộ dân làm nghề, nằm ở vị trí thuận lợi dễ dàng kết nối với các điểm đến và tour tuyến trong tỉnh, nơi đây vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của làng chài miền biển. Anh Võ Nguyên Tùng – Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng làng Cửa Khe cho biết, làng nghề nước mắm truyền thống Cửa Khe đã tồn tại cả trăm năm qua, nổi tiếng trong câu ca dao: "Nhất mắm Cửa Khe - Nhì chè An Phú". Nghề nước mắm không chỉ là kế sinh nhai mà còn gắn liền với cuộc sống của người dân, trong tình làng nghĩa xóm và trở thành nét văn hóa, trao truyền đời này qua đời khác. Tuy nhiên, làng nghề muốn phát triển bền vững thì phải gắn với du lịch cộng đồng. Khu vực này cũng có sẵn những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Là một xã ven biển, làng nghề Cửa Khe cũng có một bãi biển tuyệt đẹp chưa bị thương mại hóa. Theo anh Võ Nguyên Tùng, ngoài thuận lợi khi nằm trên tuyến kết nối phố cổ Hội An và một số khu phức hợp du lịch lớn, ngôi làng còn sở hữu rất nhiều tài nguyên du lịch: "Chúng tôi vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng của làng nghề miền biển như sử dụng thuyền thúng, lễ hội cầu ngư, lễ cúng tổ nghề, hát bả trạo…
Tuy nhiên, dự án khởi nghiệp này đang gặp khó vì chưa hoàn thiện "bộ máy" tiếp đón và phục vụ khách, thiếu nguồn lực để tập huấn, nâng cao nghiệp vụ và nhận thức của cộng đồng người dân để cùng làm du lịch. "HTX cần thêm những cơ chế hỗ trợ, khuyến khích của địa phương, cũng như tiếp cận với hệ sinh thái khởi nghiệp để tìm giải pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống".
Hội thảo Khởi nghiệp Du lịch làng nghề truyền thống xứ Quảng tại xã Bình Dương
Các sản phẩm của làng nghề mang nét đặc trưng về văn hoá sẽ thu hút du khách
Trong bối cảnh ngành du lịch sa sút, nhất là sau đại dịch Covid-19, những ý tưởng đổi mới sáng tạo như HTX du lịch cộng đồng làng Cửa Khe vẫn được đánh giá cao và có nhiều tiềm năng. Do đó, việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với các sản phẩm nông nghiệp là hướng đi cần thiết và quan trọng trong thời gian tới, vừa góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, vừa khai thác tốt các giá trị văn hóa truyền thống, vừa bảo tồn, phát triển và mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Để làm được điều đó, trước hết cần tập trung ưu tiên thực hiện các giải pháp sau:
Cần nâng cao nhận thức cộng đồng để họ hiểu được về du lịch cộng đồng và sự phát triển của làng nghề truyền thống. Từ đó, mỗi thành viên là một sứ giả cho sự phát triển thương hiệu du lịch tại địa phương. Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới và các sản phẩm làng nghề đặc trưng của địa phương; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng và sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, lễ hội văn hóa gắn với hình ảnh du lịch địa phương để tạo điểm nhấn thu hút du khách. Phát huy thế mạnh của các làng nghề truyền thống bởi làng nghề không đơn thuần là nơi chế tác các sản phẩm thủ công truyền thống mà còn là môi trường văn hóa lưu truyền qua nhiều thế hệ những tinh hoa nghệ thuật để tạo ra những sản phẩm độc đáo, những kinh nghiệm sản xuất và phong tục tập quán của cộng đồng. Gắn kết doanh nghiệp làm du lịch và các chủ thể sản xuất các sản phẩm làng nghề thực hiện tuyên truyền, quảng bá du lịch cộng đồng gắn với chương trình OCOP của địa phương đến với du khách…
Có thể thấy, việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với du lịch làng nghề là bước đi đúng đắn cần được tập trung nguồn lực thực hiện để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, bảo vệ môi trường sinh thái. Hơn thế nữa, du lịch làng nghề được đầu tư đúng mức và khai thác có hiệu quả sẽ góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Thăng Bình nói riêng và Quảng Nam nói chung đến với du khách. Đồng thời phát triển du lịch ở các làng nghề truyền thống hứa hẹn sẽ giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.