Chi tiết tin

Xây dựng làng nghề truyền thống hướng đến du lịch xanh

Tác giả: Xuân Tiên Ngày đăng: 13:39 | 05/05 Lượt xem: 1210

“Du lịch làng nghề” hiện nay đang được xem là hướng đi đúng đắn vì vừa giải quyết đầu ra sản phẩm, vừa giữ gìn, quảng bá và phát huy bản sắc của làng nghề. Tuy nhiên các làng nghề trên địa bàn huyện vẫn chưa thể khôi phục, và câu chuyện làm du lịch làng nghề vẫn còn nhiều trở ngại.



Hoạt động thăm quan trải nghiệm của học sinh các trường tại địa phương sẽ là động lực để HTX Nông nghiệp và Du lịch Trà Đóa phát triển.

Làng khoai Trà Đóa từng nổi tiếng với giống khoai Vồ Điệp tiến vua. Nhưng đến nay, giống khoai này chưa thể khôi phục được, cùng với đó là nhiều giống khoai có năng suất cao hơn du nhập vào làm cho làng khoai lang Trà Đóa bây giờ chỉ còn là thương hiệu để nhắc nhớ.

Trăn trở với câu chuyện khôi phục và phát triển làng nghề khoai lang, thành viên HTX Nông nghiệp và Du lịch Trà Đóa đang từng ngày hi vọng sẽ sớm khôi phục lại làng nghề gần như ban đầu. Ông Trần Hữu Long – thành viên HTX Nông nghiệp và Du lịch Trà Đóa cho biết: “Cốt lõi vấn đề HTX muốn hướng tới là làm du lịch xanh, từ khâu canh tác của bà con nông dân để mô phỏng lại những công đoạn làm khoai mà ông cha ta đã làm. Giúp bà con tìm về cách làm hữu cơ, cam kết với bà con bao tiêu sản phẩm. Từ đó, mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch quảng bá làng nghề lan rộng hơn đến với khách du lịch.”

Tiếp tục với những định hướng để xây dựng làng nghề theo hướng du lịch, ông Long cho biết thêm: Làm sao để người dân ở Trà Đóa hưởng lợi từ thương hiệu khoai lang đó mới là vấn đề cốt lõi. Cộng đồng du lịch ở đây có thể làm các farm nhỏ trên cánh đồng khô của họ, từ đó họ sẽ được hưởng phần lợi thì cốt lõi bền lâu mới phát triển mạnh được.



HTX Du lịch cộng đồng làng Cửa Khe đang từng ngày hoàn thiện để trở thành điểm đến du lịch xanh trong tương lai.

Cùng chung khó khăn khi chuyển mình của làng nghề khoai lang Trà Đóa, làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương) cũng đang dần kết hợp với việc phát triển du lịch cộng đồng, để giúp quảng bá rộng rãi hơn về thương hiệu làng nghề. Chính vì vậy, doanh nghiệp địa phương đang rất mong muốn chính quyền địa phương có những cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để làng nghề phát triển du lịch. Cùng với đó là cầu nối giữa chính quyền, doanh nghiệp với người dân, tạo thành “kiềng 3 chân” vững chãi cho những hoạt động dài lâu.

Anh Võ Nguyên Tùng – Trưởng ban làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe cho hay: “Đầu tiên, chính quyền địa phương phải là người đi đầu, định hướng cho người dân hiểu về du lịch; thứ hai, cộng đồng dân cư là yếu tố quyết định, làm du lịch hay là không; và cuối cùng là hợp tác xã, doanh nghiệp tại địa phương, phải có những cam kết lâu dài đối với chính địa phương họ sinh ra, tạo được động lực để phát triển du lịch”.   

Theo Anh Trần Hữu Tịnh – Chủ tịch Hội Khởi nghiệp Thăng Bình, làng nghề, HTX muốn làm du lịch thì nên kết nối với các trường học trên địa bàn để tổ chức các buổi thăm quan trải nghiệm quy trình hoạt động, cũng như giới thiệu về truyền thống, lịch sử làng nghề. Đó là cơ hội để làng nghề học hỏi nhiều kinh nghiệm cũng như thu hút được nhiều lượt khách hơn. “ Hội khởi nghiệp Thăng Bình hiện đang hỗ trợ và kết nối các đơn vị có kinh nghiệm làm du lịch để hướng dẫn các làng nghề và HTX tại địa phương. Bên cạnh đó, sự linh động sáng tạo trong cách thức hoạt động của các làng nghề hiện nay sẽ là điểm đặc biệt giúp thu hút khách du lịch trong thời gian đến”- ông Tịnh nói.

Ý kiến bạn đọc: (0)

Thông tin (*) là bắt buộc:
Họ và tên: (*)  
Địa chỉ:
Email:
Nội dung: (*)  
Mã xác nhận (*)
 

[Trở về]

Tin mới nhất

Tin cùng chuyên mục:




Đăng nhập

 
 





Liên Kết Web

Bản quyền Huyện ủy Thăng Bình
Cơ quan quản lý: Văn phòng Huyện ủy Thăng Bình
Địa chỉ: 49, Nguyễn Thuật, Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam
Điện thoại: 0235.3.874369
Email: thangbinh.dcs@gmail.com
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Lượt trong năm
Lượt trong tháng