Nghị quyết 53 được ban hành áp dụng tại 7 xã cánh tây với tổng nguồn vốn và phân kỳ đầu tư gần 15 tỷ đồng, trong đó đầu tư lĩnh vực nông nghiệp gần 13 tỷ đồng, còn lại tiểu thủ công nghiệp. Riêng năm 2022 này, huyện Thăng Bình hỗ trợ kinh phí hơn 3,1 tỷ đồng đối với các mô hình kinh tế đủ điều kiện.
Tính đến cuối tháng 3.2022, có 152 mô hình trồng trọt, 85 mô hình chăn nuôi, 1 mô hình trang trại (Bình Chánh); 1 mô hình chế biến phân hữu cơ (Bình Trị) đăng ký chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 53.
Tại 2 xã Bình Phú và Bình Chánh, lãnh đạo huyện Thăng Bình đã kiểm tra thực tế các hộ dân thực hiện các mô hình nuôi cá lóc, cá trắm, cá mè, nuôi trâu, bò lai, trồng bưởi da xanh, mô hình phát triển kinh tế vườn tổng hợp…
Qua kiểm tra, các hộ dân cho biết đều đã được tuyên truyền, tiếp cận với Nghị quyết 53. Các hộ dân cũng nhận định, Nghị quyết 53 điều chỉnh lần này hoàn toàn phù hợp với thực tế, tiếp cận dễ dàng hơn. Các hộ dân mong muốn được hỗ trợ về kỹ thuật, đầu ra sản phẩm.
Tính đến nay, Bình Phú có 46 mô hình đăng ký hỗ trợ theo Nghị quyết 53
Tại buổi kiểm tra, ông Võ Văn Hùng- Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình đánh giá cao những nỗ lực của bà con nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu, cây trồng phù hợp với thực tế địa phương. Nhất là đã tập trung hướng đến môi trường sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng xanh, an toàn, thân thiện với thiên nhiên. Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Võ Văn Hùng cũng nhấn mạnh, các địa phương cần phải tiếp tục công tác tuyên truyền để Nghị quyết 53 đi vào cuộc sống, thay đổi cách nghĩ, cách tư duy của người nông dân. Ngoài ra, qua kiểm tra, các hộ đủ điều kiện được hỗ trợ thì hướng dẫn thủ tục thực hiện sớm, nhanh gọn. Lưu ý đối các hộ chăn nuôi quy mô lớn thì phải chú trọng vấn đề vệ sinh môi trường.