Thông qua nguồn vốn nông thôn mới các cấp, huy động nội lực trong nhân dân, sự đóng góp của người con xa quê, chủ trương bê tông hóa các tuyến giao thông nông thôn được tập trung triển khai trên toàn xã. Đến nay, đường trực chính của xã, đường trục chính của thôn, đường làng, ngõ xóm được quy hoạch, xây dựng khang trang, sạch sẽ. Tỷ lệ đường xã được bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đã bê tông hóa 10,5 km, đạt 100%. Đường trục thôn và đường liên thôn được bê tông hóa 16,3 km, đạt tỷ lệ 100%. Đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt tỷ lệ 100% với 25,2 km.
Quay trở lại với công cuộc xây dựng nông thôn mới tại xã Bình Quế, là xã cánh Tây của huyện, có xuất phát điểm thấp, là xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên khâu sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, hệ thống hạ tầng dân sinh còn nhiều hạn chế…
Trước những khó khăn đó, năm 2013, khi vào cuộc triển khai xây dựng nông thôn mới, cả hệ thống chính trị xã Bình Quế đã nhìn thẳng vấn đề, nhìn nhận khó khăn, nắm bắt chủ trương, đặc biệt, lấy người dân làm chủ thể, Cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với nhiều cách làm năng động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
(Kênh mương được kiên cố hoá)
Khi giao thông đi trước mở lối, xã Bình Quế đặc biệt quan tâm đến thủy lợi để phục vụ nguồn nước sản xuất cho người dân. Đến nay, đã đầu tư xây dựng 5 km kênh loại 2, tăng 4km, tăng 500% kể từ khi phát động cương trình; kênh mương loại 3 xây dựng 18 km. Trên địa bàn xã có 4 Trạm bơm, công suất 980m3/h, 01 hồ chứa Hố Do và nguồn tưới từ kênh Phú Ninh, thủy lợi đất màu… cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu diện tích đất sản xuất nông nghiệp 511và đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh.
(Giao thông được quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, sản xuất)
Xác định xây dựng nông thôn mới là thay đổi trong tư duy phát triển kinh tế của người dân, xã Bình Quế tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương qua việc khuyến khích, tiếp sức cho các mô hình kinh tế hiệu quả.
Đơn cử như mô hình trồng tiêu của gia đình ông Nguyễn Bá Năng ở thôn Bình Phụng. 7 năm trước, sau khi tham gia các lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi, ông Năng thử nghiệm trồng 100 chói tiêu, bước đầu đem lại hiệu quả cao so với hoa màu. Đến nay, ông Năng sở hữu trên 400 chói tiêu, mỗi năm xuất bán 1 vụ. Từ việc nuôi trâu, sản xuất lúa, kết hợp trồng cây tiêu đã mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.
(Mô hình nuôi bò của ông Nguyễn Sở ( Bình Xá) cho thu nhập khá cao)
Gắn Đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân song hành cùng chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xã Bình Quế lồng ghép triển khai Chương trình OCOP, chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; qua đó đã hình thành được nhiều vùng sản xuất chuyên canh hiệu quả. Trong đó, chú trọng nhân rộng các mô hình kinh tế vườn, chăn nuôi gia trại với các mô hình: nuôi lươn, nuôi dê, gia cầm, bò nhốt chuồng … mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn đang được đẩy mạnh. Chợ được quy hoạch và đầu tư xây dựng đảm bảo theo quy định, phục vụ tốt nhu cầu buôn bán của người dân. Chợ Đo Đo xã Bình Quế nằm ở vị trí thuận lợi trên 2 trục đường ĐH đó là ĐH4 và ĐH21, nằm ở vị trí trung tâm của xã, rất thuận tiện cho việc mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa của người dân địa phương và các địa bàn lân cận.
Hơn 6 năm làm việc tại Công ty TNHH MTV May mặc Phúc Long, chị Trần Thị Thùy Linh cảm thấy rất thoải mái. Dù đã đi làm nhiều công ty ở trong và ngoài huyện nhưng khi về làm việc tại địa phương, chị Linh vừa có nguồn thu nhập ổn định, vừa lo việc gia đình.
(Nhiều công nhân đã nguồn thu nhập ổn định ngay trên mảnh đất quê hương)
Không chỉ chị Linh, mà với nhiều nữ công nhân tại đây, làm việc gần nhà cũng sẽ tiết kiệm nhiều chi phí, từ đó tích góp, tiết kiệm để duy trì nguồn thu nhập ổn định.
Thực tế cho thấy, việc hoạt động của các doanh nghiệp, công ty, HTX, các công trình, dự án, các mô hình kinh tế, liên kết sản xuất…đã đóng góp đáng kể vào việc nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương. Bài toán việc làm được giải quyết, sẽ giúp người dân có của ăn, của để, tích góp phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu, thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề thương mại dịch vụ, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Bình Quế đạt 44,25 triệu đồng/người/năm, tăng gần 37 triệu đồng/người/năm so với năm 2010; tăng 8,65 triệu đồng/người/năm so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 1,61%.
(Nhà sinh hoạt Văn hoá thôn Bình Phụng- vừa đạt giải khuyến khích cấp tỉnh Cơ sở vật chất Văn hoá đẹp, hoạt động hiệu quả năm 2023)
Song hành với nâng cao đời sống vật chất, xã Bình Quế quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao gắn với phong trào , phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đến nay có 4/4 thôn có nhà văn hóa thôn được xây dựng đạt chuẩn theo quy định; đảm bảo về diện tích, có quy chế hoạt động, có khu vệ sinh; có trồng hoa, cây xanh; đảm bảo về trang, thiết bị… 100% số thôn trên địa bàn xã được công nhận đạt danh hiệu văn hóa 03 năm liền
Khu thể thao xã với diện tích 8.000 m², đáp ứng nhu cầu hoạt động thể thao của nhân dân trong xã; địa phương thường xuyên tổ chức đá bóng cho các thôn, thanh, thiếu niên; tổ chức các hoạt động thể dục thể thao cho các trường; nhân dân tham gia luyện tập thể dục…
Hệ thống hạ tầng “Điện – đường – Trường – Trạm” được quy hoạch đảm bảo, đáp ứng nhu cầu của người dân. Các trường học trên địa bàn xã Bình Quế đảm bảo đầy đủ các điều kiện dạy học, 100% trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư mua sắm, tạo nên môi trường sinh hoạt tốt cho học sinh, đảm bảo công tác dạy và học.
Đến nay, địa phương đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới tại xã Bình Quế đến nay đạt gần 158 tỉ đồng. Tuy nhiên, nguồn lực dồi dào nhất, vẫn là sức mạnh của lòng dân, của sự đồng thuận, luôn luôn lấy người dân làm chủ thể của cả hệ thống chính trị xã Bình Quế.
Qủa ngọt từ chương trình nông thôn mới tại xã Bình Quế chính là sự hòa hợp giữa ý Đảng, lòng dân. Với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, với nội lực thực tại, tin tưởng vào sự chuyển mình, khởi sắc vươn lên của Bình Quế, góp phần vào sự đổi thay của vùng Tây Thăng Bình trong tương lai./.