Theo dự báo, từ nay đến cuối năm 2023 có từ 5-6 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, khoảng từ 4 - 6 đợt không khí lạnh và 5 - 7 đợt mưa lớn diện rộng có khả năng ảnh hưởng đến huyện... Trước tình hình trên, Thăng Bình sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án, chú trọng phương án di dời dân phù hợp sát với tình hình thực tế ở các địa phương, nhất là ở cấp xã, thôn; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục đối với ngư dân về tình hình thiên tai trên biển; tổ chức quản lý, theo dõi chặt chẽ và thông tin, hướng dẫn kịp thời đối với các tàu thuyền đánh bắt cá trên biển, trên sông nhằm tránh bị thiệt hại khi có bão, ATNĐ… Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin như email, zalo, mạng xã hội facebook,…để phục vụ công tác chỉ đạo và thông tin về thiên tai, nhất là đối với cấp huyện, cấp xã phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của từng địa phương. Đồng thời đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương và chuẩn bị tốt công tác dự trữ lương thực, thực phẩm, nhất là ở các địa phương vùng sâu, khu vực dễ bị cô lập và chia cắt giao thông dài ngày khi có thiên tai.
Huyện Thăng Bình yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thành lập Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc kiểm tra, đôn đốc, chỉ huy, điều hành công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi địa phương. Tổ chức thực hiện nghiêm chế độ trực ban, thông tin, báo cáo; trong đó lưu ý việc tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra theo đúng thời gian và biểu mẫu quy định. Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể, trường, trạm tùy theo điều kiện cụ thể, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định thành lập Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để triển khai các nhiệm vụ về phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật.
Các địa phương, các cơ quan, đơn vị tổ chức lực lượng thường trực 24/24 giờ trong những ngày trước, trong và sau khi có thiên tai. Đặc biệt là 4 xã ven biển và 4 xã có hồ thủy lợi phối hợp chặt chẽ với phòng NN&PTNT, Đồn Biên phòng Bình Minh, Chi nhánh Thủy lợi Thăng Bình để cập nhật thông tin, tình hình. Kịp thời nắm bắt thông tin, diễn biến thời tiết và báo cáo tình hình về UBND huyện qua BCH PCTT huyện. Kiểm tra phương án đảm bảo thông tin để nâng cao hiệu quả chỉ huy, điều hành và triển khai các biện pháp phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai.
Tổ chức kiểm tra, rà soát kỹ, thống kê các địa bàn dân cư, những thôn, tổ những hộ trong khu vực trũng thấp, khu vực có nguy cơ sạt lở, ven sông, suối, sườn đồi núi, khu vực hạ lưu các hồ đập, có kế hoạch di dời các hộ nguy cơ cao đến nơi an toàn; đặc biệt chuẩn bị phương án tại chỗ, ở những địa bàn dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ chia cắt phải chỉ đạo di dời tài sản đến địa bàn cao và an toàn hơn, phải có phương án dự trữ một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, dầu thắp, thuốc cấp cứu, thuốc phòng dịch, thành lập đội ghe, thuyền cứu hộ, cứu nạn… và bố trí lực lượng hỗ trợ để xử lý khi có tình huống xảy ra. Kiên quyết chỉ đạo và tổ chức di dời dân đến nơi an toàn theo phương án di dời dân xen ghép tại địa bàn.
Tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, công sở để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi bão lốc xảy ra; tiến hành cắt bỏ các cành cây có tán lớn ở gần nhà, trường học, cơ quan, xí nghiệp, trạm xá, đường dây điện... để tránh đổ ngã. Vận động từng hộ dân tự giác chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây cối, dự trữ thức ăn đảm bảo có thông tin bão lụt xảy ra.
Các xã ven biển, ven sông cần thông tin kịp thời, nhất là Đồn Biên phòng Bình Minh và các xã Bình Dương, Bình Minh, Bình Hải, Bình Nam tăng cường công tác quản lý phương tiện và lao động đánh bắt xa bờ, làm thuê ở các tỉnh khác, thường xuyên liên lạc qua máy điện thoại bàn, di động, máy Fax và ICOM, zalo... với BCH PCTT & TKCN huyện khi có lụt bão xảy ra, nghiêm cấm ngư dân ra khơi, gọi báo các tàu thuyền ngoài khơi vào nơi trú ẩn an toàn và có phương án di dời dân vùng có khả năng bão, sóng thần, nguy cơ triều cường dâng cao. Vận động ngư dân mang theo phao cứu sinh, cứu hộ khi ra khơi, trang bị đầy đủ phương tiện kỹ thuật, kiến thức hàng hải, thiết bị cho người điều khiển phương tiện di chuyển trên sông, trên biển; có biện pháp bảo vệ sản xuất, các công trình thủy lợi và các ao nuôi trồng thuỷ sản nhằm hạn chế thiệt hại.