Vùng Tây địa bàn rộng nhưng điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn hơn so với 2 vùng còn lại. Chính vì vậy, UBND huyện đã xây dựng Đề án và tham mưu HĐND huyện ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế vùng Tây (Nghị quyết 53/NQ-HĐND, ngày 15/12/2021), theo đó, khuyến khích phát triển kinh tế rừng, kinh tế vườn đồi, kinh tế trang trại theo mô hình kinh tế nông lâm kết hợp. Phát huy thế mạnh về chăn nuôi, một số hộ nông dân đã phát triển diện tích trồng cỏ, nuôi bò nhốt bán thâm canh, giá trị thu nhập gấp 2 lần trước đây. Cây hồ tiêu được các hộ dân đầu tư trồng mới, mô hình trồng nấm rơm được nhân rộng, đạt hiệu quả kinh tế cao. Công tác quy hoạch phát triển một số cụm công nghiệp như Bình An (Bình Định Bắc), Quý Xuân (Bình Quý)… bước đầu được triển khai thực hiện, thu hút một số doanh nghiệp vào đầu tư, từng bước giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Dự án Khu lưu trú trải nghiệm Đồng Dương tại xã Bình Định Bắc được phê duyệt, cấp phép đầu tư và đang triển khai thực hiện, hy vọng sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả vùng trong thời gian tới.
Định hướng phát triển kinh tế vùng
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của từng vùng và theo định hướng quy hoạch đã xác định, trong thời gian tới huyện sẽ tập trung một số giải pháp chủ yếu phát triển vùng, cụ thể như sau: Tiếp tục làm việc với các ngành của tỉnh để sớm trình phê duyệt các đồ án quy hoạch đang triển khai, bao gồm: quy hoạch vùng huyện Thăng Bình; quy hoạch chung đô thị mới Bình Minh giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (vùng Đông); điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Hà Lam đến năm 2030 (vùng Trung). Đề nghị Trung ương và tỉnh bổ sung quy hoạch các khu chức năng tại vùng Tây gồm: quy hoạch chợ đầu mối nông súc sản miền Trung Tây Nguyên tại xã Bình Quý; quy hoạch Khu công nghiệp Tây Thăng Bình tại các xã Bình Quý, Bình Định Nam và Bình Định Bắc. Phối hợp các ngành của tỉnh sớm hoàn chỉnh trình phê duyệt quy hoạch chung khu vực ven biển Duy Xuyên - Thăng Bình; thiết kế đô thị đường Võ Chí Công; các đồ án quy hoạch các phân khu chức năng trong Khu kinh tế mở Chu Lai; quy hoạch Khu công nghiệp Bắc Thăng Bình… Triển khai điều chỉnh các đồ án quy hoạch không còn phù hợp và lập quy hoạch một số khu chức năng trên địa bàn huyện như điều chỉnh quy hoạch Công viên Bàu Hà Kiều, quy hoạch Khu tái định cư ven biển Bình Dương, quy hoạch Khu đô thị thương mại dịch vụ Đông Thăng Bình, quy hoạch Khu du lịch dịch vụ gắn với Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương và Di tích cấp tỉnh Chiến thắng Đồng Dương…
Đầu tư kết cấu hạ tầng theo quy hoạch. Hoàn chỉnh các trục giao thông ngang và trục giao thông dọc theo quy hoạch và các cầu qua sông Trường Giang, sông Ly Ly. Phối hợp với Ban Quản lý các dự án công trình giao thông tỉnh hoàn thành đường Võ Chí Công; triển khai đầu tư tuyến đường nối từ đường Võ Chí Công đến Khu công nghiệp Đông Quế Sơn nối với quốc lộ 14H và quốc lộ 1A; dự án nạo vét sông Trường Giang và đầu tư các cầu qua sông Trường Giang (cầu Bình Dương, cầu Hưng Mỹ - Bình Triều và cầu Bình Nam; khởi công xây dựng cầu Tây Giang nối 2 xã Bình Sa và Bình Hải trong quý I năm 2023). Tiếp tục triển khai dự án liên kết vùng nối từ đường Thanh niên ven biển (ĐT 613) đến Khu công nghiệp Tam Thăng và cầu qua sông Trường Giang. Xúc tiến đầu tư đường nối từ quốc lộ 1A (xã Bình Tú) đến giáp đường Võ Chí Công đi Khu công nghiệp Đông Quế Sơn tại Bình Sa. Kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư tuyến đường trục chính từ Bình Quý đi vùng Đông qua thị trấn Hà Lam; tuyến đường bao phía Tây đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; tuyến đường Bình Lãnh - Tiên Sơn.
Đối với các công trình hạ tầng xã hội sẽ ưu tiên nguồn kinh phí đầu tư công trình Quảng trường trung tâm huyện; đầu tư các trường học trên địa bàn huyện theo tinh thần đầy đủ, đồng bộ các khu chức năng cần thiết; cải tạo, nâng cấp và xây mới các hạng mục còn thiếu tại các nghĩa trang liệt sỹ xã; phối hợp với ngành Y tế đầu tư xây mới và cải tạo, nâng cấp Trung tâm y tế huyện, các trạm y tế xã đảm bảo đủ điều kiện phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. Phối hợp ngành văn hóa, thể thao và du lịch tiến hành thám sát, khảo cổ học và từng bước triển khai dự án Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương…
Xúc tiến kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội các vùng. Theo đó, vùng Đông là vùng động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thăng Bình, được huyện và tỉnh quy hoạch, kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án lớn về du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, khớp nối đồng bộ với quy hoạch của Khu Kinh tế mở Chu Lai về phía Nam và huyện Duy Xuyên về phía Bắc. Gắn phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân; quy hoạch, bố trí các khu tái định cư gắn với phát triển ngành nghề, văn hóa truyền thống của địa phương.
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc triển khai các dự án trọng điểm tác động rất lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Thăng Bình luôn xác định phát triển vùng Đông của huyện vừa có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thay da đổi thịt vùng cát ven biển, vừa tạo tiền đề, lan tỏa để phát triển vùng Trung và vùng Tây còn nhiều khó khăn của huyện. Để từng bước hiện thực hoá mục tiêu lớn đó, Thăng Bình sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 04/5/2021 của Tỉnh ủy khóa XXII về định hướng phát triển vùng Đông Nam của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; phối hợp với tỉnhxây dựng các xã ven biển và các xã vùng Đông của huyện theo hướng phát triển mạnh về dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp sạch. Tiếp tục phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai và các sở, ngành của tỉnh thực hiện các chủ trương của tỉnh về quy hoạch, xây dựng và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn vùng Đông của huyện theo định hướng phát triển vùng Đông Nam của tỉnh. Triển khai thực hiện mở rộng Khu công nghiệp Tam Thăng về phía Thăng Bình, hình thành khu công nghiệp Đông Nam Thăng Bình với quy mô 1.200 ha trên địa bàn các xã Bình Tú, Bình Trung, Bình Nam với các ngành nghề công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ điện tử… theo Quyết định số 1737/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện chủ trương mở rộng Khu công nghiệp Đông Quế Sơn trên địa bàn huyện (250 ha); hình thành trục các khu, cụm công nghiệp Đông Quế Sơn - Hà Lam Chợ Được - Tam Thăng (Tam Kỳ). Xây dựng, phát triển khu đô thị Đông Nam Thăng Bình tại các xã Bình Đào, Bình Hải, Bình Sa; khu du lịch tập trung tại các xã Bình Đào, Bình Hải, Bình Sa, Bình Nam; phối hợp triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao tại xã Bình Dương (278ha) và các dự án nông nghiệp công nghệ cao tại xã Bình Sa, Bình Triều… Đẩy mạnh công tác quy hoạch, liên kết vùng Đông với các địa phương lân cận để phát triển du lịch; kết nối với thành phố Hội An hình thành khu du lịch dịch vụ, sinh thái, nghỉ dưỡng, dịch vụ giáo dục ven biển tại xã Bình Dương, Bình Minh, Bình Đào. Tiếp tục giải phóng mặt bằng để triển khai dự án nghỉ dưỡng Nam Hội An; thúc đẩy triển khai các dự án dịch vụ, du lịch, khu vui chơi thể thao, giải trí đã được cấp phép đầu tư. Vùng Trung sẽ ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Tập trung đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp hiện có để thu hút đầu tư. Tập trung xúc tiến các dự án Khu công nghiệp Nam Thăng Bình, Khu công nghiệp công nghệ cao Thăng Bình, Khu công nghiệp Bắc Thăng Bình và các dự án sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp trên các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến nông lâm sản. Hoàn chỉnh hạ tầng và lấp đầy Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được. Xúc tiến kêu gọi đầu tư Khu đô thị Đông Nam Hà Lam; đầu tư các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn thị trấn Hà Lam và các xã Bình Phục, Bình Trung, Bình Tú… nhằm tạo quỹ đất, thu hút người dân, góp phần xây dựng đô thị Hà Lam đạt chuẩn đô thị loại IV.
Triển khai thực hiện chủ trương mở rộng và nâng cấp đô thị thị trấn Hà Lam. Ưu tiên tạo quỹ đất sạch để tập trung phát triển đô thị Hà Lam và các xã Bình Nguyên, Bình Tú, Bình Trung, Bình An, hình thành các khu dân cư tập trung dọc Quốc lộ 1A tại ngã ba Bình Nguyên - Ngọc Phô - Kế Xuyên - Quán Gò, có hệ thống hạ tầng đồng bộ, kết nối với đô thị Hà Lam để phát triển thương mại, dịch vụ. Quy hoạch, đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh tích tụ tập trung ruộng đất; xây dựng các cánh đồng tập trung, cánh đồng mẫu lớn, các vùng chuyên sản xuất lúa chất lượng cao, lúa giống… Tiếp tục chuyển đổi một số diện tích đất có giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn; phát triển một số vùng trồng rau sạch, trồng hoa, cây cảnh; trồng cỏ nuôi bò…
Vùng Tây có lợi thế về kinh tế nông nghiệp, kinh tế rừng. Vì vậy cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển kinh tế vùng Tây. Trọng tâm là phát triển nông, lâm nghiệp, dịch vụ và công nghiệp, làng nghề. Đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, kinh tế vườn đồi, kinh tế trang trại theo mô hình nông, lâm kết hợp; tập trung phát triển trồng rừng sản xuất, chú trọng đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, trồng cây nguyên liệu, dược liệu. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại, gia trại đảm bảo môi trường. Xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp, nhằm giải quyết các sản phẩm đầu ra cho nông dân. Tiếp tục khôi phục, mở rộng các làng nghề, ngành nghề truyền thống như làm bún, phở khô, sản xuất nấm rơm… Đồng thời, nghiên cứu phát triển các ngành nghề mới, các cơ sở chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm làm ra của người dân.
Quan tâm quy hoạch, đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối giao thông trong vùng, liên vùng và dành quỹ đất để phát triển, hình thành các khu dân cư tập trung, chợ đầu mối, đẩy mạnh phát triển dịch vụ tại trung tâm các xã Bình Trị, Bình Phú, Bình Lãnh… Thúc đẩy việc triển khai thực hiện dự án Khu du lịch lưu trú, trải nghiệm Đồng Dương tại xã Bình Định Bắc; xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử trong vùng. Từng bước kêu gọi đầu tư hình thành Chợ đầu mối nông súc sản miền Trung Tây Nguyên và Khu công nghiệp Tây Thăng Bình dọc Quốc lộ 14E.
Phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay huyện Thăng Bình đang tập trung, bước đầu đạt được những kết quả nhất định, nhưng phía trước vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Điều đó, đòi hỏi phải có sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo tỉnh; sự phối kết hợp, hỗ trợ của các sở, ngành của tỉnh; sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở; nhất là sự đồng thuận, tin tưởng, tích cực tham gia của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện nhà, quyết tâm đưa vùng Đông Thăng Bình trở thành vùng kinh tế động lực của huyện, của tỉnh và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Tây, vùng Trung trong thời gian đến.