Công tác dân vận chính quyền được Huyện uỷ tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Triển khai đưa vào hoạt động Bộ phận một cửa của huyện tại trụ sở mới, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã góp phần thuận lợi, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Đồng thời, khai trương trung tâm điều hành thông minh IOC của huyện; tiếp tục triển khai Chương trình chuyển đổi số trên địa bàn huyện. UBND huyện đã xây dựng Đề án phát triển ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền số huyện Thăng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cung ứng dịch vụ hành chính đã giúp cho việc tra cứu thủ tục hành chính và tình trạng giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân được thực hiện nhanh, tiện lợi. Năm 2022, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn là 83,96%; tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến phát sinh trong kỳ là 27,38%.
Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được quan tâm đẩy mạnh. Để phát huy chế độ dân chủ đại diện, nâng cao chất lượng và hiệu lực hoạt động của chính quyền, hầu hết các xã, thị trấn triển khai thực hiện tốt những việc Nhân dân được bàn và quyết định trực tiếp như: mức đóng góp xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, bình chọn các đối tượng được hưởng chính sách xã hội, xây dựng các công trình phúc lợi liên quan trực tiếp đến người dân.
Có thể nói, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW và các Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã thể hiện sự quyết liệt, đổi mới trong công tác chỉ đạo triển khai; chính quyền đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế- xã hội, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân; Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò nòng cốt trong công tác dân vận, hướng về cơ sở, kịp thời đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, nhờ đó đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới.
Để phát huy những kết quả đạt được trong thời gian tới, một số bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết 25 trên địa bàn huyện Thăng Bình, đó là:
Một là, xác định công tác dân vận là của cả hệ thống chính trị, trước hết phải đề cao vai trò lãnh đạo của cấp uỷ đảng, nâng cao nhận thức về công tác dân vận một cách đồng bộ và sâu sắc trong cả hệ thống chính trị. Quá trình thực hiện Nghị quyết phải được kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, phát huy những cách làm hiệu quả về công tác dân vận để biểu dương và nhân rộng.
Hai là, công tác dân vận phải gắn với công tác củng cố, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể Nhân dân. Phát huy tốt vai trò của Khối Dân vận, Tổ Dân vận trong việc nắm bắt tình hình Nhân dân, kịp thời phát hiện, tham mưu, đề xuất xử lý đúng, nhanh những vấn đề nảy sinh ngay từ cơ sở, góp phần hạn chế những vụ việc, những vấn đề phát sinh trên địa bàn.
Ba là, thực tế cho thấy, nơi nào thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường công tác đối thoại trực tiếp với Nhân dân, coi trọng công tác hoà giải, vận động, thuyết phục thì nơi đó tình hình ổn định có điều kiện để phát triển kinh tế- xã hội.
Bốn là, việc quan tâm bố trí cán bộ có năng lực và tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất sẽ là điều kiện, động lực giúp công tác vận động quần chúng phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị - trật tự an toàn xã hội của địa phương.