Bên cạnh công tác giám sát, công tác phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ mới và quan trọng của Mặt trận, nhiệm vụ này đòi hỏi Mặt trận các cấp phải có sự quan tâm về con người, nghiên cứu về văn bản và am hiểu các lĩnh vực phản biện. Trong thời gian qua, bên cạnh các vị là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Ban Thường trực Mặt trận huyện đã thành lập 02 Ban Tư vấn gồm Ban Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật và Tôn giáo; Ban Tư vấn về Kinh tế - Xã hội với 05 thành viên mỗi ban; trong đó, đã mời các vị là nguyên lãnh đạo của UBND, các phòng ban UBND và một số cá nhân có sự am hiểu trên các lĩnh vực liên quan làm thành viên Ban Tư vấn; đồng thời chủ động mời các chuyên gia, tổ chức có chuyên môn cùng tham gia phản biện trong những nội dung đề án cần phản biện cụ thể. Ngay từ đầu năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện yêu cầu HĐND, UBND huyện gửi kế hoạch xây dựng đề án, nghị quyết, các văn bản cần phản biện để Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức hội nghị phản biện theo đúng luật định. Nhờ đó, trong 03 năm qua, Mặt trận huyện tổ chức thành công 04 hội nghị phản biện các dự thảo đề án do UBND huyện biên soạn và chủ trì. Mặt trận 22 xã, thị trấn tổ chức 11 hội nghị phản biện các dự thảo đề án phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự và các văn bản có liên quan đến quyền và lợi ích trực tiếp của Nhân dân tại địa phương.
Các diễn đàn Nhân dân được tổ chức ngày càng sâu rộng và đi vào thực chất; Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến xã, thị trấn đã tổ chức 150 diễn đàn góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền như các diễn đàn: “MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức”, diễn đàn “ Công an Nhân dân lắng nghe ý kiến đóng góp của Nhân dân”... Tại các diễn đàn đã nhận được nhiều ý kiến tham gia thiết thực, phản ánh tình hình thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thể hiện quyền và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đồng thời tổ chức hơn 80 cuộc đối thoại trực tiếp với cấp ủy, người đứng đầu xung quanh những vấn đề Nhân dân bức xúc, quan tâm. Thời gian gần đây, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến xã, thị trấn đã tích cực tổ chức góp ý định kỳ trước khi kiểm điểm tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hằng năm, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Có thể nói, kết quả bước đầu thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận các cấp huyện Thăng Bình thời gian qua đã góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả, hạn chế trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật của nhà nước và của các cơ quan soạn thảo đề án.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát và phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong hệ thống Mặt trận từ huyện đến xã, thị trấn thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định như công tác phối hợp giám sát đôi lúc còn chưa đồng bộ, nội dung giám sát còn chung chung, chưa thật sự cụ thể; đối tượng giám sát chủ yếu vẫn là các cơ quan, tổ chức, chưa thực hiện giám sát đối với cá nhân; việc tiếp thu, giải quyết kiến nghị, đề xuất sau giám sát, phản biện ở một số địa phương còn chậm. Việc mời các chuyên gia tham gia phản biện còn chưa được chú trọng, việc đầu tư thời gian và công sức cho nghiên cứu nội dung phản biện còn chưa nhiều, hiệu quả phản biện đối với một số dự thảo chưa cao. Tính chủ động trong việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chưa cao, chủ yếu thực hiện việc góp ý khi được cấp ủy, chính quyền yêu cầu…
Để phát huy tốt hơn vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, thời gian tới cần tập trung một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong huyện cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt về Quy chế giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền để thống nhất về nhận thức trong các cấp, các ngành, có như vậy công tác giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền mới đạt được hiệu quả, phát huy được dân chủ, tập hợp được ý kiến đông đảo Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Hai là, MTTQ và các đoàn thể cần chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc mà xã hội đang quan tâm có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và Nhân dân để xây dựng kế hoạch triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn phương pháp giám sát, phản biện phù hợp. MTTQ và các đoàn thể phải kiên trì, bền bỉ trong việc theo dõi kết quả các cơ quan, cấp có thẩm quyền giải trình việc tiếp thu, không tiếp thu nội dung phản biện xã hội; phải theo đuổi vấn đề đến cùng, bảo vệ quan điểm của mình một cách công tâm, khách quan; chủ động, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc về thể chế và nảy sinh trong quá trình thực thi để chủ động đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để xử lý. Cần tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của người dân đối với những vấn đề nổi cộm, bức xúc, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Ba là, tổ chức tốt các đoàn giám sát để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao. Trước khi tổ chức giám sát phải chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ cho đoàn giám sát. Đặc biệt là tài liệu liên quan đến nội dung giám sát gửi cho tất cả các thành viên của đoàn giám sát để nghiên cứu trước khi giám sát. Cần đảm bảo về tài chính và phương tiện cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phải có đủ năng lực tài chính và được tự chủ về tài chính để đảm bảo tính độc lập, chủ động trong giám sát, phản biện xã hội, không bị lệ thuộc vào ý chí và tác động của lực lượng khác. Đoàn giám sát phải thực hiện đầy đủ đúng quy trình, phù hợp với chức năng nhiệm vụ từ khâu lựa chọn nội dung, báo cáo xin ý kiến cấp ủy, xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn giám sát, tổ chức giám sát, tổng hợp báo cáo, thông báo kết quả giám sát... phải đảm bảo đúng mục đích yêu cầu đặt ra. Cần bố trí, lựa chọn những cán bộ có chuyên môn sâu, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề, có tư duy độc lập, có tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là có bản lĩnh vững vàng trong giám sát và phản biện.
Bốn là, cần phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ và các đoàn thể với cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp trong việc cung cấp thông tin, đảm bảo để MTTQ và các đoàn thể thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần tạo mọi điều kiện để MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức giám sát và phản biện xã hội đạt hiệu quả hơn. Trong đó, UBND các cấp tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa UBND với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp về công tác góp ý xây dựng chính quyền; hoạt động giám sát và phản biện xã hội; tiếp xúc cử tri; tuyên truyền, phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghiêm việc công khai về tổ chức, hoạt động, quy chế làm việc của các cơ quan và chính quyền các cấp; các quy định về thủ tục hành chính, trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ... để MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân biết, tham gia góp ý; thực hiện nghiêm công tác tiếp công dân và đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với đoàn viên, hội viên và Nhân dân theo quy định; tiếp nhận, xử lý, tiếp thu ý kiến góp ý của MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội và Nhân dân, kịp thời thông tin cho MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội về kết quả giải quyết để theo dõi, giám sát...
Năm là, trong công tác tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền cần chú trọng việc nắm bắt kiến nghị, phản ánh của Nhân dân qua nhiều kênh tiếp nhận. Tập trung tham gia góp ý và phản biện, giám sát vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong sinh hoạt của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Việc phát huy vai trò của tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyệntrong nâng cao chất lượng giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng đảng, chính quyền trên địa bàn huyện, trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị hiện nay là hết sức cần thiết, đòi hỏi các cấp ủy tiếp tục lãnh đạo, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; đồng thời chú trọng việc giải quyết ý kiến góp ý của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân đối với các tổ chức, cá nhân để giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; khơi dậy khát vọng, phát huy ý chí, niềm tin, mọi nguồn lực trong Nhân dân về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, xây dựng quê hương Thăng Bình ngày càng tươi đẹp hơn.