Trong những năm qua, công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền trên địa bàn huyện Thăng Bình tiếp tục được tăng cường và đổi mới, bám sát và thể hiện rõ, nhất quán quan điểm công tác dân vận của Đảng vì Nhân dân, chăm lo, nâng cao mọi mặt đời sống của Nhân dân; mở rộng dân chủ, phát huy vai trò, quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục như: Nhận thức của một số cán bộ, công chức về công tác dân vận có lúc, có nơi còn chưa đầy đủ, sâu sắc; công tác dân vận chưa thực sự đi vào chiều sâu; sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị còn có mặt thiếu chặt chẽ; việc lồng ghép triển khai nhiệm vụ chính trị với công tác dân vận có nơi chưa hiệu quả...
Để khắc phục một số hạn chế nêu trên và tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong thời gian tới, chính quyền các cấp cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về công tác dân vận theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp về công tác dân vận; tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp..., Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới, Chỉ thị 06/CT-UBND ngày 12/5/2022 của UBND tỉnh Quảng Nam về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh...

Lãnh đạo huyện Thăng Bình đối thoại với 19 hộ dân liên quan đến dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tam Thăng 2 tại xã Bình Nam
Năm 2022, huyện Thăng Bình xác định tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận trong cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp; tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức về công tác dân vận chính quyền; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng nền hành chính nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, phục vụ Nhân dân. Triển khai thực hiện công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp có trọng tâm, đồng bộ, hiệu quả; tập trung thực hiện tốt các nội dung, gồm: tiếp tục tổ chức quán triệt và thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận trong tình hình mới gắn với nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19...
Tập trung tuyên truyền, quán triệt, lãnh đạo và chỉ đạo các văn bản cấp trên về nâng cao hiệu quả, đổi mới công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp. Công tác dân vận chính quyền phải gắn với triển khai, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; thực hiện tốt Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và các chính sách an sinh xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách.
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là những lĩnh vực liên quan đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả các văn bản pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đảm bảo phát huy vai trò chủ thể, quyền làm chủ của Nhân dân. Xây dựng chính quyền, cơ quan, đơn vị thân thiện, “của dân, do dân, vì dân”, vì Nhân dân phục vụ”. Thực hiện nghiêm túc các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, văn hóa công sở. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, gây phiền hà cho Nhân dân, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.
Thực hiện nghiêm công tác tiếp công dân; tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, nhất là những vụ việc phức tạp, đông người, kéo dài, được dư luận quan tâm theo đúng quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các quy định pháp luật có liên quan, gắn với tăng cường hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở. Đổi mới hình thức, phương pháp trong công tác đối thoại, tiếp công dân; giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo, những bức xúc, kiến nghị, nguyên vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, nhất là những vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, dư luận quan tâm như: Đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự, quản lý xây dựng…
Phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội và Nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Tăng cường công tác giám sát, tự giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, nhất là công tác quản lý trong lĩnh vực: đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng cơ bản, thực hiện cải cách hành chính, chính sách đối với người có công, các khoản thu, chi từ nguồn quỹ do Nhân dân đóng góp.
Tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng gắn với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình dân vận khéo trên các lĩnh vực, phấn đấu trong năm mỗi cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp xây dựng và phát huy hiệu quả ít nhất 01 mô hình “Dân vận khéo”. Kịp thời sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến để cổ vũ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân phát huy tiềm năng, trí tuệ cống hiến cho cộng đồng xã hội, cho địa phương.