Qua hơn 02 năm triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân trên địa bàn huyện Thăng Bình đã đạt được những kết quả quan trọng. Huyện uỷ đã tổ chức quán triệt Quy định số 11 cho cán bộ chủ chốt, đồng thời ban hành Quy chế tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân của Thường trực Huyện uỷ, Bí thư Huyện uỷ, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về thời gian tiếp công dân của Thường trực Huyện uỷ, Bí thư Huyện uỷ tại Trụ sở tiếp công dân huyện định kỳ vào ngày 10 hằng tháng. Từ khi triển khai thực hiện Quy định 11 đến nay, Thường trực Huyện uỷ và Bí thư Huyện uỷ đã tổ chức được 22 ngày tiếp công dân định kỳ với 22 lượt công dân đến khiếu nại, phản ánh, kiến nghị. Tiếp nhận 122 đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Huyện ủy và đã kịp thời xử lý chuyển đơn đến các cơ quan, đơn vị, địa phương có thẩm quyền giải quyết, trả lời cho công dân, không còn đơn thư tồn đọng chưa được xử lý. Nội dung khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh của công dân trong thời gian qua chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, giải quyết chế độ chính sách, nhất là chính sách bồi thường, GPMB, tái định cư các dự án trên địa bàn huyện...
Vùng Đông Thăng Bình được xác định nằm trong cụm động lực của tỉnh, đóng vai trò hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nói chung và huyện Thăng Bình nói riêng. Do đó, trong thời gian qua, việc khiếu nại, tố cáo của Nhân dân trên địa bàn huyện phát sinh nhiều và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Từ năm 2019 đến nay, lãnh đạo huyện đã tiếp 159 lượt, 135 vụ, với 190 công dân. Nội dung tiếp công dân liên quan đến lĩnh vực tranh chấp, kiến nghị, phản ảnh về đất đai, cây cối, bồi thường, hỗ trợ của các hộ bị ảnh hưởng tại các dự án đang triển khai trên địa bàn huyện; trong đó vùng Đông là 67 lượt, 58 vụ, 80 công dân. Nội dung chủ yếu liên quan đến lĩnh vực tranh chấp, kiến nghị, phản ảnh về lĩnh vực đất đai và nhất là trên lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án trọng điểm ở vùng Đông như: Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng VinPearl Nam Hội An tại xã Bình Minh và Bình Dương; dự án đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn đến Quốc lộ 1A (tại ngã ba Cây Cốc) và đến nút giao đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Tuyến đường từ cầu Bình Dương đến đường 129; dự án Cầu Bình Đào trên Quốc lộ 14E...
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng các dự án, ngoài việc duy trì công tác tiếp công dân định kỳ hằng tháng, với vai trò người đứng đầu cấp ủy đảng, đồng chí Bí thư Huyện uỷ đã cùng lãnh đạo UBND huyện và các ngành có liên quan tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án để lắng nghe người dân nói, tìm hiểu từng trường hợp cụ thể để có hướng chỉ đạo giải quyết và đề xuất tỉnh giải quyết những vấn đề liên quan đến chính sách giải toả đền bù, tái định cư. Hơn 02 năm qua, lãnh đạo huyện đã tổ chức 37 lượt đối thoại với các hộ dân để giải quyết các vướng mắc liên quan đến các dự án. Qua đó, đã có một số trường hợp người dân đã đồng thuận, thống nhất phương án bồi thường, nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Đồng thời, tại buổi đối thoại, Thường trực Huyện uỷ, lãnh đạo UBND huyện đã lắng nghe nhiều kiến nghị, phản ánh của Nhân dân và có văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan kiểm tra, xử lý, giải quyết những kiến nghị của Nhân dân theo quy định pháp luật.
Nhiều “điểm nóng”, “điểm nghẽn” mà người dân phản ánh thông qua các buổi tiếp dân, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đã được giải quyết rốt ráo. Qua đó, góp phần tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Dự án cầu Bình Đào trên tuyến quốc lộ 14E ách tắc, một thời gian dài phải tạm dừng thi công do vướng một trường hợp hộ gia đình đang kinh doanh hàng tạp hóa tại địa điểm thuận lợi song được di dời, bố trí tái định cư vào địa điểm mới chưa phù hợp với nguyện vọng của gia đình. Từ việc thực hiện chủ trương người đứng đầu tiếp công dân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đã trực tiếp vận động, chỉ đạo các ngành tham gia, đối thoại nhiều lần và kiến nghị tỉnh thống nhất một số nội dung giải quyết. Sau khi UBND tỉnh thống nhất giải quyết theo kiến nghị của huyện, hộ dân đã bàn giao mặt bằng để thi công dự án. Đến nay, dự án sắp hoàn thành đưa vào sử dụng.
Từ việc tiếp dân, lắng nghe phản ánh của người dân, Thăng Bình đã đề xuất tỉnh xem xét, thống nhất giải quyết nhiều kiến nghị của người dân liên quan bồi thường, giải phóng mặt bằng
Thời gian đến, vùng Đông Thăng Bình sẽ triển khai nhiều công trình, dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện cũng như đời sống của nhân dân; công tác đền bù, GPMB, quản lý hiện trạng, quản lý trật tự xây dựng sẽ không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, hạn chế do cơ chế, chính sách đền bù, GPMB còn nhiều bất cập, việc đầu tư các khu dân cư để bố trí tái định cư chưa đáp ứng yêu cầu... Đa số người dân đồng thuận chủ trương thực hiện công tác đền bù, GPMB nhưng cũng còn một bộ phận nhỏ người dân chưa hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc triển khai các dự án đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, sẽ gây khó khăn, không đồng thuận nên đơn thư khiếu kiện sẽ còn nhiều. Để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án, thời gian đến huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách; ý nghĩa của dự án đối với sự phát triển kinh tế xã hội của huyện, của tỉnh; đẩy mạnh công tác đầu tư các khu dân cư đảm bảo đủ điều kiện để bố trí tái định cư nhằm tạo thuận lợi cho công tác GPMB…
Đồng thời, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, Huyện uỷ chỉ đạo các cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy phải nghiêm túc thực hiện tốt Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 14/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các văn bản, quy định khác có liên quan. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân, lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, rốt ráo, đúng quy định pháp luật những đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân, không để phát sinh điểm nóng gây mất trật tự, an toàn xã hội làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy cấp dưới trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân nhằm thực hiện đồng bộ, hiệu quả Quy định 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn huyện...
Có thể nói, kết quả đạt được trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh sau khi có Quy định 11-QĐi/TW đến nay là rất tích cực; nhiều vụ việc nổi cộm, kéo dài cơ bản được giải quyết; hạn chế phát sinh đơn thư vượt cấp; không để xảy ra “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện. Kết quả trên đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm công bằng, lợi ích chính đáng của người dân, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện...