Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng về nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng. Tập trung vạch trần, làm rõ âm mưu, thủ đoạn, những vấn đề, sự kiện mới, nóng, phức tạp mà các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, mức độ nguy hại, ảnh hưởng của các thông tin sai trái đó đối với mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng. Từ đó, nêu cao nhận thức, có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, có nhãn quan chính trị đúng đắn, đủ sức “phản biện” trước các thông tin xấu độc trên không gian mạng. Thường xuyên nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội trong quần chúng nhân dân, định hướng thông tin chính xác, kịp thời nhằm tạo khả năng “miễn dịch”, “tự đề kháng” trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch để chủ động tiến công, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, phản bác, đẩy lùi những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch, kích động, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Hai là, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng. Ban chỉ đạo 35 huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Chủ động, kịp thời xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, thành lập lực lượng đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng.
Ba là, đổi mới nội dung, phương thức đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh,… trên mạng xã hội trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho phù hợp; trong đó chú trọng tuyên truyền, giáo dục truyền thống, định hướng giá trị, bồi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam cho thế hệ trẻ một cách khoa học, thiết thực, sâu rộng, có tính thuyết phục cao, qua đó nâng cao khả năng đề kháng và phản bác của cán bộ, đảng viên và người dân trước những luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái, thù địch.
Bốn là, thực hiện có hiệu quả các giải pháp công nghệ, xử lý nghiêm các vi phạm trên không gian mạng. Cùng với các giải pháp tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp công nghệ như: Bảo vệ tốt thông tin cá nhân, kỹ thuật phát tán thông tin trên không gian mạng, kỹ thuật phân tích điều tra, ngăn chặn, bóc gỡ khóa tài khoản của đối phương,… có vị trí rất quan trọng, góp phần quyết định thắng lợi trong đấu tranh phòng, chống, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng hiện nay.
Năm là, giữ vững và phát huy vai trò nòng cốt, chủ lực của hệ thống cơ quan chuyên trách đấu tranh tư tưởng, lý luận, các cơ quan tuyên giáo, báo chí của Đảng; mở rộng các kênh, lực lượng thông tin rộng khắp, làm chủ không gian thông tin trong nước và không gian mạng. Kết hợp thông tin phản bác của các cơ quan báo chí chính thống với các kênh truyền thông khác. Chú trọng xây dựng các bài viết phê phán, phản bác, bẻ gãy từ gốc những luận điệu xuyên tạc, những quan điểm sai trái, thù địch bằng lý luận và thực tiễn khoa học với hệ thống luận cứ, luận chứng chặt chẽ, có tính thuyết phục cao giúp độc giả hiểu sâu sắc, thấy rõ bản chất vấn đề, từ đó có niềm tin khoa học vững chắc vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.