Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong những năm qua, các cấp uỷ đảng trên địa bàn huyện luôn coi công tác tư tưởng nói chung, công tác tuyên truyền miệng nói riêng là một hình thức hoạt động có hiệu quả, một công cụ sắc bén để tổ chức, tập hợp quần chúng, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Do đó, khi Chỉ thị số 17- CT/TW ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới” được ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai kịp thời tới các tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên; đồng thời ban hành các văn bản để triển khai thực hiện như Hướng dẫn số 01-HD/HU, ngày 20/5/2008 về thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư (khóa X), các quyết định thành lập đội ngũ Báo cáo viên Huyện ủy, Quy chế hoạt động báo cáo viên của Đảng, các quyết định của Đảng ủy các xã, thị trấn về thành lập đội ngũ tuyên truyền viên và quy chế hoạt động... Thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo từng bước đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động của công tác tuyên truyền miệng cũng như xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác tư tưởng trong tình hình mới, góp phần tăng cường sự gắn bó giữa các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên với nhân dân.
Huyện ủy Thăng Bình luôn quan tâm chỉ đạo củng cố, kiện toàn đội ngũ Báo cáo viên cấp huyện theo hướng bảo đảm số lượng, chất lượng, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền miệng. Hiện nay, đội ngũ Báo cáo viên cấp huyện có 26 đồng chí, tuyên truyền viên cơ sở là 357 đồng chí. Nhìn chung, đội ngũ báo cáo viên cấp huyện đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, tập trung quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh và của huyện tới cơ sở đảng một cách nghiêm túc. 100% nghị quyết triển khai ở cơ sở đều được soạn thảo đề cương chi tiết, có định hướng cụ thể các vấn đề chính, trọng tâm, phù hợp với thực tế của địa phương, đơn vị. Nổi bật trong công tác tuyên truyền miệng là đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, nâng cao khả năng sử dụng công nghệ thông tin. Để đạt hiệu quả trong công tác tuyên truyền, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên luôn nắm bắt tình hình dư luận xã hội, định hướng tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thông qua các hội nghị tuyên truyền.
Cùng với đó, nhiều Báo cáo viên cấp huyện, tuyên truyền viên cơ sở đã đổi mới hình thức tuyên truyền, nội dung đa dạng, phong phú hiệu quả; ngắn gọn gắn với nhiệm vụ chính trị và yêu cầu thực tiễn cơ sở, phù hợp đối tượng người nghe. Trong đó, chú trọng thông tin về những văn kiện, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những sự kiện chính trị quan trọng trong nước và quốc tế, những vấn đề mà xã hội và nhân dân quan tâm. Tập trung tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trên địa bàn. Chủ động đổi mới phương pháp cung cấp thông tin theo hướng nâng cao tính thời sự, tính tư tưởng, tính chiến đấu, tính khoa học và tính thiết thực gắn với thực tiễn địa phương.
(Ảnh: Quang cảnh Tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền trong tình hình mới”)
Công tác tổ chức hội nghị thông tin thời sự luôn được cấp ủy quan tâm, duy trì thường xuyên theo định kỳ hàng tháng, hội nghị giao ban Báo cáo viên Huyện ủy cũng được tổ chức theo quý và bước đầu đã có sự đổi mới về nội dung, hình thức. Nội dung thông tin được lựa chọn, mang tính thời sự, đúng định hướng gắn với nhiệm vụ chính trị, yêu cầu thực tiễn của huyện, địa phương, đơn vị. Việc tổ chức hội nghị giao ban Báo cáo viên Huyện ủy hằng quý đã giúp các đồng chí Báo cáo viên Huyện ủy cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình kinh tế- xã hội, an ninh, quốc phòng của huyện, tình hình thời sự, những vấn đề nóng trong nước và thế giới.
Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở thời gian qua được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo. Định kỳ hằng tháng, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đều cử 2 – 3 đồng chí Báo cáo viên Huyện uỷ tham dự hội nghị Báo cáo viên Tỉnh ủy để tiếp thu, lĩnh hội và cập nhật thông tin và định hướng công tác tuyên truyền; đối với đội ngũ tuyên truyền viên các xã, thị trấn thì hằng năm, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ đều tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện uỷ mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ Tuyên truyền viên các xã, thị trấn về phương pháp tiếp cận thông tin, xử lý thông tin và truyền đạt để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ này, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở. Qua đó, giúp cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền nói chung, tuyên truyền miệng nói riêng; nắm vững nội dung, phương pháp, nghiệp vụ về công tác tuyên truyền miệng.
Ngoài việc chú trọng đến công tác củng cố, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, thường xuyên đổi mới phương pháp tuyên truyền thì cơ chế, chính sách và các điều kiện đảm bảo hoạt động công tác tuyên truyền miệng cũng rất được quan tâm. Hàng tháng, các đồng chí Báo cáo viên Huyện uỷ được cấp 01 cuốn Thông tin Báo cáo viên, 01 tờ báo Nhân dân và 01 tờ báo Quảng Nam để cập nhật thông tin; đồng thời, chế độ chính sách cho báo cáo viên, tuyên truyền viên được thực hiện nghiêm túc theo quy định. Đối với đội ngũ báo cáo viên cấp huyện: Thực hiện chế độ phụ cấp theo Hướng dẫn số 06-HD/BTCTW-BTGTW, ngày 15/8/2011 của Liên Ban Tổ chức Trung ương và Tuyên giáo Trung ương về “Thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với báo cáo viên các cấp”, trong đó phụ cấp báo cáo viên cấp huyện 0,2 % mức lương tối thiểu. Đối với đội ngũ tuyên truyền viên của cấp uỷ cơ sở và chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở căn cứ vào hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị đã vận dụng hỗ trợ chế độ bồi dưỡng đảm bảo phù hợp, đúng chế độ chính sách.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong thời gian tới, các cấp ủy đảng cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với công tác tuyên truyền miệng: Các cấp ủy đảng cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo trực tiếp, luôn xác định và coi công tác tuyên truyền miệng là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị, trước hết là của người đứng đầu cấp ủy, của tập thể cấp ủy và của mọi cán bộ, đảng viên phải trực tiếp tham gia tuyên truyền, vận động, giải thích đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho quần chúng nhân dân.
Thứ hai, thực hiện tốt chủ trương “Hướng về cơ sở”, không ngừng đổi mới nội dung, hình thức hoạt động; tăng cường đối thoại giữa báo cáo viên với người nghe. Ngoài việc tuyên truyền, báo cáo viên cần tăng cường đối thoại, giải đáp kịp thời những băn khoăn, vướng mắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thông qua cơ sở giúp cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên bám sát thực tiễn, củng cố thêm lý luận, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân, kịp thời phản ánh với cấp ủy đảng, chính quyền để đề ra các chủ trương, chính sách thích hợp.
Thứ ba, kiện toàn, củng cố hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới; tiếp tục rà soát, củng cố đội ngũ báo cáo viên theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chất lượng. Đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có uy tín và năng lực công tác, khả năng đối thoại, thuyết phục người nghe và thực sự là cầu nối giữa các tổ chức đảng, chính quyền với nhân dân.
Thứ tư, thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và tăng cường đầu tư phương tiện, kinh phí hoạt động cho công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ huyện đến cơ sở.
Có thể nói, công tác tuyên truyền miệng trong thời gian qua đã góp phần tạo sự thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đã trở thành lực lượng chủ lực trong công tác tuyên truyền miệng của Đảng, làm “cầu nối” tích cực, hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, trong công tác tư tưởng, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng trước các luận điểm sai trái và âm mưu "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch. Qua đó, góp phần tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị mà đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra./.