Tuy nhiên, qua thực tiễn đã chỉ ra một số hạn chế cần phải khắc phục để nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc học tập nghị quyết như: Một số cấp ủy còn chưa nhận thức đúng về vị trí và tầm quan trọng của việc triển khai, quán triệt nghị quyết của Đảng. Việc quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên tham gia học tập còn chưa chặt chẽ. Một bộ phận cán bộ, đảng viên tinh thần, thái độ học tập chưa nghiêm túc, ảnh hưởng đến hiệu quả học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Một số cấp ủy cơ sở khi xây dựng chương trình hành động còn chung chung, hình thức. Năng lực, phương pháp trình bày của một số báo cáo viên, nhất là ở cấp cơ sở còn hạn chế...
Để việc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong thời gian tới ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả cần tập trung thực hiện một số các nhiệm vụ sau:
Một là, nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc tổ chức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Trước hết, đề cao trách nhiệm của đồng chí Bí thư cấp ủy, yêu cầu Bí thư cấp ủy phải là người chủ trì, chỉ đạo hội nghị quán triệt và trực tiếp triển khai chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là đối với những chỉ thị, nghị quyết về xây dựng Đảng.
Hai là, các cấp ủy đảng cần đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng như: đối tượng, thành phần, thời gian, tài liệu học tập; báo cáo viên; công tác kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, cần chú trọng đổi mới hình thức tổ chức học tập nghị quyết. Về nội dung, đối với cán bộ chủ chốt cần đi sâu phân tích những nội dung, những điểm mới của nghị quyết gắn với liên hệ thực tiễn của địa phương, đơn vị, đối với các đối tượng khác, tập trung vào những vấn đề hết sức cụ thể, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, chú trọng việc liên hệ nhiệm vụ của đối tượng nhằm tạo sự thông suốt về nhận thức, tư tưởng... Về hình thức, đối với cán bộ chủ chốt cần đề cao phương pháp tự nghiên cứu, tăng cường trao đổi, thảo luận và quán triệt những vấn đề có liên quan đến quan điểm, lý luận gắn với thực tiễn mà nghị quyết đặt ra, đối với đảng viên ở cơ sở, tùy đặc điểm tình hình cụ thể của đối tượng và địa bàn để chọn hình thức, phương pháp phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đảng viên, công chức, viên chức tham gia được nhiều nhất.
Ba là, tăng cường đối thoại, thảo luận các vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn, nhất là mở rộng dân chủ trong đối thoại, trao đổi, thảo luận, góp ý dự thảo chương trình hành động của cấp ủy thực hiện nghị quyết của Đảng. Việc nghị quyết của Đảng có đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc rất lớn ở khâu xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hành động. Chương trình hành động thực hiện nghị quyết ở các cấp, ngành, địa phương, đơn vị phải được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực, đồng thời có sự phân công trách nhiệm và quy định thời gian thực hiện cụ thể, tránh chung chung; thường xuyên đôn đốc, giám sát, kiểm tra kết quả thực hiện, kịp thời uốn nắn những sai trái, lệch lạc, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.
Bốn là, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, lựa chọn xây dựng đội ngũ báo cáo viên bảo đảm cả về số lượng và chất lượng; có phẩm chất, năng lực, uy tín cao và có phương pháp truyền đạt hấp dẫn, dễ hiểu,... Báo cáo viên các cấp là người nghe, thu nạp thông tin, để rồi tiếp tục tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, vì vậy việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng, phương pháp; kịp thời cung cấp tài liệu cho báo cáo viên, nhất là những thông tin liên quan đến nghị quyết đang triển khai thực hiện là một vấn đề rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả tuyên truyền miệng của đội ngủ báo cáo viên.
Năm là, tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết bằng hình thức trực tuyến nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng thông tin, tạo sự đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới, khắc phục được tình trạng ở trên làm kỹ, ở dưới làm lướt, đồng thời tiết kiệm thời gian, kinh phí và mở rộng đối tượng tham gia. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức nghiên cứu, học tập và triển khai thực hiện nghị quyết. Chỉ đạo, kiểm tra chất lượng người học bằng hình thức viết bài thu hoạch của mỗi cán bộ, đảng viên sau học tập.