Chi tiết tin

Nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương

Tác giả: Trung Hiếu Ngày đăng: 8:08 | 19/10 Lượt xem: 657

Trong những năm qua, công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng đã được đẩy mạnh, triển khai đồng bộ và đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, chính trị luôn tìm cách chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta trên mọi lĩnh vực, nhất là tư tưởng, lý luận thì việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử địa phương là vấn đề cấp thiết nhằm làm sáng tỏ các chặng đường lịch sử và vai trò lãnh đạo của Đảng; tổng kết thực tiễn, những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ mới.

Thời gian qua, công tác chỉ đạo tăng cường nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử các ban, ngành, đoàn thể được Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và xem việc nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng là một nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức quán triệt, triển khai, tuyên truyền, giáo dục có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử các ban, ngành, đoàn thể, nhất là Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 về “tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”.

Các cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kế hoạch số 185-KH/TU, ngày 23/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII), trong đó chú trọng chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ và lịch sử các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện. Việc tổ chức nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử địa phương, đơn vị đã đạt được những kết quả nhất định. Đối với lịch sử Đảng bộ huyện, đã xuất bản “Lịch sử Đảng bộ huyện Thăng Bình (1930 - 1975)” vào năm 2000, tái bản năm 2015 và xuất bản “Lịch sử Đảng bộ huyện Thăng Bình (1975 - 2015)” vào năm 2020. Đối với lịch sử Đảng bộ, lịch sử đấu tranh cách mạng xã, thị trấn: tính đến tháng 10/2022, toàn huyện có 22/22 xã, thị trấn xuất bản và phát hành lịch sử Đảng bộ, lịch sử đấu tranh cách mạng (trong đó có 20/22 xã hoàn thành đến giai đoạn hiện nay, 02/22 xã hoàn thành giai đoạn 1930 - 1975). Đối với lịch sử truyền thống các ban, ngành, đoàn thể: Có 04 cơ quan: Quân sự, Công an, Hội LHPN và Hội Nông dân đã xuất bản lịch sử truyền thống ban, ngành, đoàn thể; Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, Văn phòng HĐND&UBND huyện, Phòng Nội vụ huyện đã phát hành kỷ yếu của từng ngành.

Công tác sưu tầm, khai thác nguồn tư liệu, tư liệu phỏng vấn các nhân chứng lịch sử phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng được chú trọng. Huyện đã tiếp nhận từ huyện Hiệp Đức một số tài liệu liên quan đến huyện Thăng Bình trong những năm 1966 - 1970. Đã mời nhà văn Hồ Duy Lệ biên soạn tập sách “Dặm trường gian truân”; hỗ trợ xuất bản các tập truyện “Nội tôi”, “Trên những nẻo đường giao liên” của tác giả Bùi Tự Lực; tập sách “Thăng Bình - Ngày ấy, bây giờ” của tác giả Lê Thí. Chỉ đạo UBND huyện giao Phòng Văn hoá & Thông tin huyện hệ thống được hơn 200 tư liệu, hiện vật được sưu tầm. Phối hợp, hỗ trợ Đảng ủy xã Bình Dương làm tốt công tác hệ thống, bảo quản, sử dụng các nguồn tư liệu quý liên quan đến đề tài chiến tranh cách mạng, đến lĩnh vực lịch sử Đảng tại địa phương.


Một số cuốn sách lịch sử Đảng bộ và lịch sử đấu tranh cách mạng của địa phương đã được biên soạn và xuất bản

Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục có sự định hướng chính trị tư tưởng sâu sắc, với nội dung và hình thức thể hiện phong phú, đa dạng như: Lịch sử Đảng bộ huyện, lịch sử các ban, ngành, đoàn thể sau khi xuất bản được phát hành rộng rãi đến các đơn vị, cơ quan, thư viện huyện, trường học để nghiên cứu, tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Tổ chức thành công Hội thi “Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ huyện Thăng Bình trên internet” vào năm 2021. Hội thi đã thu hút hàng chục ngàn lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục còn được thực hiện qua việc tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, quê hương, ngày truyền thống thành lập ngành. Nhiều Đảng ủy xã, thị trấn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử Đảng bộ địa phương hoặc lồng ghép tuyên truyền lịch sử địa phương trong các buổi sinh hoạt chi bộ cơ sở. Ngoài ra, thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, thông các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tọa đàm, hay qua Cổng thông tin điện tử huyện, Trang thông tin điện tử Đảng bộ huyện, Cổng thông tin điện tử các xã, thị trấn đều có định hướng lồng ghép tuyên truyền, có mở chuyên trang, chuyên mục, đăng tải những bài viết nhằm tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương đến mọi tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã góp phần tuyên truyền thông tin, chia sẻ những bài viết về gương anh hùng LLVTND, những trận đánh tiêu biểu hay các di tích lịch sử trên địa bàn huyện... Qua đó, giúp cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nâng cao nhận thức và lòng tự hào về Đảng, về truyền thống lịch sử và những thành tựu đạt được của quê hương dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, góp phần bồi đắp lý tưởng cách mạng, nhân cách sống và ý chí vươn lên của các tầng lớp Nhân dân.

Để chủ động, tích cực phòng ngừa, đấu tranh phê phán, phản bác các thông tin sai lệch, các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc lịch sử Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên khi tham gia tuyên truyền trên mạng xã hội luôn giữ vai trò là lực lượng nòng cốt trong đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; nhận diện được các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc, sai sự thật về lịch sử Đảng ta trên intrnet, mạng xã hội hiện nay.   

Công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh, thiếu niên trên địa bàn huyện được đặc biệt quan tâm. Hằng năm, đoàn thanh niên các cấp phối hợp tổ chức các buổi nói chuyện, tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên về truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc, phong trào cách mạng của địa phương. Đồng thời, tổ chức các hoạt động về nguồn, tìm về những địa chỉ đỏ, tổ chức các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, nhiều Di tích lịch sử như: “địa điểm Căn cứ Huyện ủy Thăng Bình”, “Căn cứ lõm Bàu Bính”, Đài tưởng niệm “Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được”,...  được bảo tồn, tôn tạo nhằm phát huy giá trị các di tích cách mạng, kháng chiến. Nhờ đó, góp phần giáo dục học sinh nâng cao nhận thức, tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, truyền thống cách mạng của quê hương, phát huy mạnh mẽ các phong trào hành động cách mạng trong thanh, thiếu niên.

Cùng với đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Huyện ủy đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi lịch sử Đảng bộ huyện và lịch sử Đảng bộ các xã, thị trấn đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dang. Đồng thời, chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy chủ trì nghiên cứu, biên soạn tài liệu phục vụ giảng dạy lịch sử, văn hóa địa phương trong các trường học trên địa bàn huyện nhằm cung cấp những kiến thức về địa lý, văn hóa, lịch sử địa phương giúp cho học sinh các cấp hiểu biết sâu sắc hơn về mảnh đất, con người, truyền thống đấu tranh và những di tích lịch sử, văn hóa của quê hương Thăng Bình, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, các trường học trên địa bàn huyện cũng thực hiện tích hợp nội dung lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ trong chương trình giảng dạy bộ môn lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương.

Tóm lại, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ và lịch sử truyền thống cách mạng là nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng. Nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, góp phần làm sâu sắc, phát huy các giá trị lịch sử của Đảng bộ huyện Thăng Bình nhằm phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Ý kiến bạn đọc: (0)

Thông tin (*) là bắt buộc:
Họ và tên: (*)  
Địa chỉ:
Email:
Nội dung: (*)  
Mã xác nhận (*)
 

[Trở về]

Tin mới nhất

Tin cùng chuyên mục:




Đăng nhập

 
 





Liên Kết Web

Bản quyền Huyện ủy Thăng Bình
Cơ quan quản lý: Văn phòng Huyện ủy Thăng Bình
Địa chỉ: 49, Nguyễn Thuật, Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam
Điện thoại: 0235.3.874369
Email: thangbinh.dcs@gmail.com
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Lượt trong năm
Lượt trong tháng