Trong 20 năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên các phương diện; đồng thời củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Huyện ủy đã chỉ đạo xây dựng, triển khai nhiều chương trình, dự án về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng,...; đồng thời, chú trọng đến công tác phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế.... nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.
Thực hiện chủ trương của Huyện uỷ về tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và cấp uỷ đảng từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Nhờ vậy, trong những năm qua, tình hình chính trị- xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện ổn định, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng Nông nghiệp - Công nghiệp, Xây dựng - Thương mại, Dịch vụ tương ứng là 19,78% - 42,96% - 37,26%. Vận động Nhân dân, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất đảm bảo đúng pháp luật, chung tay xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn huyện có 17/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 85%, bình quân đạt 18,35 tiêu chí/xã. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và phục vụ nhu cầu dân sinh.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có những chuyển biến tích cực. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa được chú trọng; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh ngày càng đi vào chiều sâu, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực. Cùng với Nhà nước, Nhân dân đã đóng góp tích cực để xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở; năm 2021, tỷ lệ thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa là 77,3%, tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa là 92,8%, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 84,2%. Các lĩnh vực y tế, giáo dục có nhiều tiến bộ. Thực hiện tốt các chính sách đầu tư phát triển kinh tế xã hội ở những vùng đặc biệt khó khăn; các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai có hiệu quả. Công tác giảm nghèo được tập trung chỉ đạo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,96% năm 2003 (theo chuẩn cũ) xuống còn 2,69% năm 2021 (theo chuẩn mới).
Chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ theo đúng các nội dung quy định tại Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các nghị quyết, quyết định trước khi thông qua và ban hành đều có khảo sát tình hình thực tế, tiếp thu ý kiến của nhân dân; đồng thời có phân định việc áp dụng đối với từng đối tượng, nhất là các gia đình chính sách, hộ nghèo. Tổ chức lấy ý kiến tham gia của nhân dân đối với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể đã chủ động phối hợp bàn bạc, công khai dân chủ trong việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân, thực hiện giám sát kết quả sử dụng các nguồn vốn huy động trong dân như: xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học, trạm xá, nghĩa trang, nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng, qua đó, nhân dân có ý thức trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, với xã hội. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo.
Đ/c Phan Thái Bình- UVBTV Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uỷ dự ngày hội đại đoàn kết tại thôn Cao Ngạn, xã Bình Lãnh
Cùng với đó, các hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể của huyện đã thật sự hướng mạnh về cơ sở và khu dân cư các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội rộng lớn do Mặt trận chủ trì ngày càng đi vào cuộc sống và được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai rộng khắp và ngày càng đi vào chiều sâu được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Cuộc vận động đã trở thành phương thức đồng hành tại hầu hết các khu dân cư và gia đình, gắn liền với việc xây dựng và phát huy vai trò của Ban công tác Mặt trận, tổ đoàn kết và các tộc họ, hàng năm được đánh giá cụ thể trong ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 18/11. Đặc biệt, các phong trào, cuộc vận động đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, cứu giúp người khó khăn, hoạn nạn và thiên tai; các hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư để giữ gìn an ninh, trật tự và môi trường... có tác dụng thiết thực tạo nên sự gắn kết cộng đồng, tăng cường các mối quan hệ vững chắc trong xã hội.
Với vai trò, tránh nhiệm được giao, Mặt trận và các đoàn thể tích cực đa dạng hóa các loại hình tập hợp, xây dựng các mô hình hoạt động thu hút các tầng lớp đoàn viên, hội viên tham gia nhằm phát huy tinh thần lao động sáng tạo trong việc phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng chăm lo, bồi dưỡng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội, huy động sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng tham gia, góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương. Thực hiện chương trình an sinh xã hội, MTTQVN huyện và xã, thị trấn phối hợp với chính quyền các cấp tích cực vận động Quỹ “Vì người nghèo”. Đến nay Quỹ “Vì người nghèo” của huyện đã huy động được trên 40 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa được 2.612 ngôi nhà cho 2.612 hộ gia đình khó khăn nằm trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng do thiên tai; đầu tư xây dựng và sửa chữa 3.311 ngôi nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; giúp đỡ, hỗ trợ cho hàng nghìn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được đến trường…; tổ chức nhiều chương trình, sự kiện, hỗ trợ 735 con giống, vốn sản xuất cho hộ nghèo để mua sắm phương tiện phục vụ sản xuất… Qua đó đã góp phần tích cực thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống của cộng đồng nhân dân ở từng khu dân cư…
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tích cực tham gia đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị; vận động toàn dân phát huy dân chủ, đẩy mạnh các hoạt động giám sát, nhất là ở cơ sở và địa bàn khu dân cư, tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí..., góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Trong 20 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN từ huyện đến cơ sở đã tổ chức 23 hội nghị góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với 1.534 người tham dự, 22 hội nghị góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với gần 1.700 người tham dự; tổ chức 269 diễn đàn góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; 147 hội nghị đối thoại với người đứng đầu cấp ủy và chính quyền. Qua đó, phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của BCH Trung ương (khoá IX), MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong huyện đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát huy vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tổ chức có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước… góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền và nhân dân; tạo sự đồng thuận, thống nhất hành động trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tại địa phương.