“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba...”
Câu ca dao ấy đã đi vào tiềm thức mỗi con dân đất Việt tự bao đời nay. Hàng năm, cứ đến tháng Ba, hàng triệu trái tim của người con mang trong mình dòng máu Lạc Hồng cùng hướng về đất Tổ - núi Nghĩa Lĩnh, thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, tỏ lòng tri ân công đức tổ tiên với niềm tôn kính thiêng liêng.
Hàng ngàn năm nay, truyền thống Giỗ Tổ Hùng Vương tưởng nhớ cha Rồng, mẹ Tiên và 18 đời Vua Hùng thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc, khẳng định mọi người Việt Nam thuộc mọi dân tộc, mọi tầng lớp, dù già trẻ, gái trai, dù đang sinh sống ở Việt Nam hay ở nước ngoài đều có chung một cội nguồn, chung một ngày Giỗ Tổ vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm đã trở thành điểm hẹn tâm linh của mỗi người dân nước Việt. Ngày Giỗ Tổ cũng là dịp các gia đình quây quần bên nhau, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Gia đình là “chiếc nôi” của tình thương yêu, giáo dục nhân cách cho con người; qua đó giáo dục truyền thống đạo lý nhân ái, biết kính trọng tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Từ xưa tới nay, Người Việt cho rằng: Cây có gốc, nước có nguồn, chim có tổ, người có tông, nhà có tổ nhà, họ có tổ họ, làng có tổ làng và vì thế nước có Tổ nước.
Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ là cơ sở ý thức tâm linh trực tiếp của sự hình thành lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Theo đó mỗi người dân Việt Nam đều cùng chung một bọc (đồng bào) do mẹ Âu Cơ sinh ra. 50 người con theo mẹ lên rừng, 50 người con theo cha xuống biển mở mang bờ cõi. Người con cả theo mẹ lên vùng đất Phong Châu (nay là Phú Thọ) lập ra nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên trong lịch sử của người Việt và được tôn làm Vua Hùng. Các Vua Hùng đã có công dựng nước, dạy người dân trồng lúa, thực hiện những nghi lễ, tín ngưỡng. Điều này đã trở thành nền tảng tạo nên những nền văn minh của dân tộc Việt. Hình tượng Vua Hùng đã gắn chặt với hồn thiêng sông núi đất Việt, trở thành biểu tượng tôn quý cho tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc.
Theo lịch sử ghi lại, từ thời hậu Lê việc thờ cúng các Vua Hùng do người dân địa phương tự thực hiện. Đến đời Vua Lê Thánh Tông, hội Đền Hùng được đưa vào cấp quốc gia, việc tế lễ từ đó có quan đầu trấn thay mặt triều đình chủ trì. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam tuy còn non trẻ song đã rất quan tâm tới Đền Hùng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần về thăm Đền Hùng và Người đã có lời căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời hiệu triệu ấy của Bác Hồ là lời của Tổ quốc, của dân tộc; cũng là lời thề non nước trước anh linh của các Vua Hùng. Thực hiện lời dạy ấy là trách nhiệm, là nghĩa vụ của mỗi người dân nước Việt chúng ta.
Hiện nay, Quốc hội Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ra quyết nghị công nhận lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là Quốc lễ. Thờ cúng Hùng Vương đã và đang có sức lan tỏa mãnh liệt, trở thành chất keo bền chặt gắn nghĩa tình “đồng bào”. Năm 2013 căn cứ vào giá trị văn hóa, UNESCO đã ra nghị quyết công nhận thờ cúng Hùng Vương là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại”. Thờ cúng Quốc Tổ của người Việt Nam là sự thể hiện tập trung nhất ở cấp quốc gia; đây là nét độc đáo có ý nghĩa nhân sinh ít thấy ở các dân tộc, quốc gia trên thế giới. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có hàng trăm làng có đình, đền thờ Vua Hùng và ở nước ta đã có nhiều tỉnh, thành phố lập đền thờ vọng Vua Hùng. Đạo lý hướng về cội nguồn, biết ơn những người có công sinh thành, tạo dựng cuộc sống đối với con người là đạo lý của dân tộc Việt Nam. Tình yêu quê hương, đất nước được hun đúc, lưu truyền từ đây. Kính hiếu với tổ tiên là kính hiếu với mẹ Âu Cơ, với Vua Hùng “đã có công dựng nước”.
Cùng với Nhân dân cả nước, mỗi năm khi tháng Ba về, các địa phương trên địa bàn huyện Thăng Bình đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để thể hiện sự tưởng nhớ của mình đến truyền thống dân tộc. Với tấm lòng thành kính, tri ân, cán bộ, đảng viên và Nhân dân dâng hương tưởng nhớ công ơn dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng và các thế hệ tiền nhân. Sau phần lễ tưởng nhớ quốc tổ Hùng Vương, phần hội được diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi đã tạo không khí vui tươi phấn khởi, góp phần giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Hưởng ứng những hoạt động hướng về ngày Giỗ tổ mùng 10 tháng 3 âm lịch, nhiều trường phổ thông trên địa bàn huyện đã tổ chức các hoạt động nhằm ôn lại truyền thống lịch sử dân tộc. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo còn trao đổi, chia sẻ với học sinh về văn hóa biết ơn của người Việt, đó là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” để các em ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm cá nhân với quê hương, đất nước.
Mỗi năm, khi tháng Ba về, mỗi người dân Việt Nam lại bồi hồi, thành tâm hướng về Ngày Giỗ Tổ và càng ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm cá nhân với cội nguồn lịch sử, gắn bó sâu nặng với quê hương, Tổ quốc mình; khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.