Về công tác tiêm phòng vắc xin COVID-19 trên địa bàn Quảng Nam, người từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ liều cơ bản hơn 1,061 triệu người (đạt 97,7%); tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) gần 679.580 người, đứng thứ 59/63 tỉnh thành; tiêm nhắc lại lần 2 (mũi 4) gần 243.490 người, đứng thứ 39/63 tỉnh thành.
Đối với trẻ từ 5 đến 17 tuổi đã tiêm mũi 1 là 139.935 trẻ, mũi 2 là 62.070 trẻ. Trẻ từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản là 139.932 trẻ (đạt 99,9%).
Hiện nay toàn tỉnh vẫn còn tồn đọng 36.114 liều vắc xin phòng Covid-19 dành cho người từ 12 tuổi trở lên do Trung ương phân bổ đợt 40 và 42. Các địa phương còn tồn nhiều là Duy Xuyên (8.298 liều), Tam Kỳ (44.70 liều), Bắc Trà My (4.662 liều), Hội An (3.880 liều), Điện Bàn (3.570 liều)...
Phát biểu với lãnh đạo tỉnh, bà Phan Thị Nhi- Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho hay, trong đợt 40 phân bổ vắc xin phòng Covid-19, huyện Thăng Bình có 3 địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ tiêm đạt chỉ tiêu cao. Tuy nhiên nhiều địa phương vẫn còn triển khai chậm, chưa hoàn thành. Hiện toàn huyện vẫn còn tồn khoảng 2.500 liều vắc xin. Ngày 28/11 vừa qua, huyện cũng đã thành lập các đoàn xuống cơ sở để kiểm tra, đốc thúc các địa phương có tiến độ tiêm chậm. Từ nay cho đến hết tháng 11, thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” huyện Thăng Bình dự kiến sẽ tiêm hết số vắc xin đã phân bổ. Đối với dịch bệnh sốt xuất huyết, huyện Thăng Bình đã chỉ đạo các địa phương ra quân, tuyên truyền diệt lăng quăng, bọ gây. Đến nay số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn huyện đã giảm hơn với tháng 9, tháng 10 vừa qua và hạn chế các ca bệnh chuyển nặng.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, đến nay, công tác phòng chống dịch Covid-19 và phòng chống sốt xuất huyết cơ bản được kiểm soát và có chiều hướng giảm. Điều này thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế và các địa phương. Tuy nhiên, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong công tác tuyên truyền, bằng nhiều biện pháp, vận động người dân để nâng tỷ lệ tiêm vắcxin. Các địa phương có tỷ lệ tồn vắcxin cao cần khẩn trương tổ chức tiêm chủng. Ngành y tế thực hiện kiểm tra, điều chuyển vắcxin đến các địa phương có nhu cầu, tránh để tình trạng tồn đọng vắc xin. Đặc biệt, các địa phương có lượng vắc xin tồn cao phải có văn bản giải trình gửi về UBND tỉnh. Về công tác phòng chống dịch SXH, cần vận động người dân quan tâm, cảnh giác, tránh lơ là với dịch bệnh SXH trong tình hình hiện nay.