Search
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng: “Quy hoạch là nguồn lực của mọi nguồn lực” | Người dân Bình Chánh đồng thuận chủ trương sáp nhập xã | Xây dựng Thôn nông thôn mới kiểu mẫu tại thôn Lý Trường, xã Bình Phú | Mặt trận các xã Bình Quý và Bình Sa tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2024 - 2029 | Thường trực Huyện ủy làm việc với xã Bình Hải | Lãnh đạo huyện Thăng Bình thăm người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn | Nhân dân Làng Phú Hoà (xã Bình An) tổ chức Lễ Giỗ quốc Tổ Hùng Vương năm 2024 | Văn hoá hướng về cội nguồn trong tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng | Trường THPT Thái Phiên tuyên dương học sinh đạt thành tích cao tại các kỳ thi năm 2023 - 2024 | Giai đoạn 2022 - 2025, Thăng Bình phê duyệt 39 dự án phát triển sản xuất | Hướng về đất Tổ | Công an tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ công bố các Quyết định của Giám đốc Công an tỉnh về công tác cán bộ đối với Công an huyện Thăng Bình | Tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống người dân | Thăng Bình về nhì giải Bóng chuyền nam vô địch tỉnh Quảng Nam 2024 | Bình Dương khai mạc Đại hội TD-TT năm 2024 | Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Thăng Bình: Người dân đồng thuận | Thăng Bình công bố quy hoạch xây dựng vùng huyện giai đoạn đến năm 2030 | Thăng Bình xếp thứ 2 toàn tỉnh về chất lượng hoạt động tín dụng chính sách | UBKTHU Thăng Bình: Giao ban công tác Quý I năm 2024 | Thăng Bình giảm được 483 hộ nghèo trong 3 năm (2021-2023)
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin

Sáu mươi năm, nghĩa tình son sắt

Tác giả: Minh Quốc Ngày đăng: 14:09 | 10/03 Lượt xem: 2085

Ngược dòng lịch sử, vào ngày 12 tháng 3 năm 1960, lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Quảng Nam - Thanh Hóa được tổ chức trọng thể tại thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố Thanh Hóa); sau lễ kết nghĩa của hai tỉnh, lễ kết nghĩa giữ huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) và huyện Thăng Bình (Quảng Nam) cũng được tổ chức. Việc hai tỉnh, hai huyện kết nghĩa là sự kiện chính trị trọng đại lúc bấy giờ, tạo ra giá trị tinh thần và vật chất to lớn động viên cổ vũ Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh, hai huyện thực hiện thắng lợi đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược của cách mạng: Xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 60 năm đã trôi qua, mối quan hệ truyền thống, gắn bó keo sơn, nghĩa tình sâu nặng của hai địa phương Thăng Bình, Đông Sơn ngày càng được bồi đắp, gìn giữ và phát huy.

     Hậu phương lớn bên tiền tuyến anh hùng.

     Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954) và việc ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (20/7/1954), cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta kết thúc thắng lợi. Theo quy định của Hiệp định, Miền Bắc, trong đó huyện Đông Sơn nói riêng, tỉnh Thanh Hoá nói chung được hoàn toàn giải phóng và đi lên chủ nghĩa xã hội; Miền Nam, trong đó có  huyện Thăng Bình nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung tạm thời do đối phương quản lý và sau hai năm tiến hành hiệp thương, thống nhất nước nhà. Nhưng với âm mưu xâm lược nước ta từ lâu, đế quốc Mỹ đã hất cẳng Pháp, thôn tính miền Nam Việt Nam, biến Miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, thành căn cứ quân sự tiến công miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngăn chặn làn sóng cách mạng tràn xuống khu vực Đông Nam Á. Trước tình thế đó, Đảng ta quyết định xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc làm hậu phương vững chắc cho Miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 12/3/1960, tại thị xã Thanh Hóa, Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa và Ủy ban thống nhất Trung ương, Hội đồng hương Quảng Nam, cùng hàng vạn đồng bào, chiến sỹ Thanh Hóa đã long trọng tổ chức lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam. Ngay sau lễ kết nghĩa của hai tỉnh, hai huyện Đông Sơn và Thăng Bình cũng đã tổ chức lễ kết nghĩa. Việc kết nghĩa giữa hai huyện đã tạo ra giá trị tinh thần, vật chất to lớn động viên, cổ vũ Đảng bộ và nhân dân hai địa phương tích cực thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng đến ngày toàn thắng.

(Ảnh: Quang cảnh Lễ kết nghĩa Đông Sơn - Thăng Bình năm 1960)

          Chặng đường lịch sử 15 năm, từ năm 1960 đến năm 1975, nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng gian nan, ác liệt. Nhân dân miền Bắc là hậu phương lớn, chi viện sức người, sức của cho hậu phương lớn miền Nam với khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Hòa trong tình cảm Bắc Nam ruột thịt, Thanh - Quảng một nhà, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Sơn đã đem hết sức mình vì Thăng Bình thân yêu nói riêng, miền Nam ruột thịt nói chung, để lại dấu ấn lịch sử và tình cảm sâu sắc không thể phai mờ. Huyện Đông Sơn đã gửi trên 5.000 thanh niên vào Nam chiến đấu, trong đó có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia Tiểu đoàn 70, Tiểu đoàn 89 đặc công, Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn, Bệnh xá 78... chiến đấu trên các chiến trường của Thăng Bình. Không ít đồng chí đã chiến đấu quả cảm và anh dũng hi sinh trên mãnh đất Thăng Bình anhh hùng. Giữa lúc phải đương đầu với chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, nhưng mọi người, mọi nhà, từ các cháu thiếu niên nhi đồng đến các cụ già ở Đông Sơn thân yêu vẫn chắt chiu từng hạt thóc, cân ngô để đóng góp, chia lửa với cách mạng miền Nam, ủng hộ nhân dân Thăng Bình “đánh Mỹ, thắng Mỹ”. Trong lúc đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ ở Thăng Bình tập kết, công tác, chữa bệnh ở miền Bắc được Đảng bộ, nhân dân Đông Sơn đón tiếp chu đáo, chăm sóc tận tình; đáng chú ý, vào năm 1971, nhân dân 2 xã Đông Minh và Đông Khê (Đông Sơn) đã đón tiếp 117 thương binh huyện Thăng Bình ra chữa bệnh, an dưỡng, học tập; các đồng chí đã được cán bộ, đảng viên, nhân dân đón tiếp, chăm sóc tận tình, chu đáo, nhiều đồng chí đã ở lại lập gia đình và sinh sống tại địa phương càng thể hiện sự gắn kết son sắt giữa hai huyện.

Đáp lại tình cảm thiêng liêng, cao quý của Đảng bộ và nhân dân Đông Sơn, quân và dân huyện Thăng Bình đã chiến đấu ngoan cường, lập nhiều chiến công xuất sắc. Tiêu biểu là trận chiến đấu oanh liệt tại Đồng Dương (ngày 8 và 9/12/1965), quân dân huyện nhà đã cùng với lực lượng của tiểu đoàn 70 và sư đoàn 2 Quân khu 5 lần đầu tiên tiêu diệt lực lượng quân Mỹ tham chiến trên chiến trường Thăng Bình, mở ra thời kỳ cùng với quân và dân cả nước thực hiện phong trào tìm Mỹ mà diệt trên chiến trường Miền Nam. Cùng với đó là những trận đánh tiêu diệt kẻ thù tại “Cao Ngạn thành đồng”, Chóp Chài, Đồng Linh, Linh Cang hay cuộc nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, cuộc tiến công giải phòng Thăng Bình ngày 26/3/1975, góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. Kết thúc các cuộc kháng chiến cứu nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, huyện Thăng Bình có trên 10.000 liệt sĩ, gần 1.500 Mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, có 18 tập thể và 24 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; trong đó, xã Bình Dương được tuyên dương hai lần anh hùng, cán bộ và nhân dân huyện Thăng Bình được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong những phần thưởng cao quý đó, có sự chi viện, giúp đỡ, mà đặc biệt là sự đóng góp, hi sinh xương máu, mồ hôi, nước mắt của cán bộ, chiến sĩ tỉnh Thanh Hóa nói chung, huyện Đông Sơn nói riêng.

            Đông Sơn - Thăng Bình, nghĩa nặng tình sâu.

            Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, nghĩa tình giữa Đảng bộ và nhân dân hai huyện Đông Sơn - Thăng Bình son sắt keo sơn tiếp tục được nâng niu bồi đắp, luôn sát cánh bên nhau cùng chia sẻ những khó khăn, thử thách, chung vui những thành tựu phát triển, trao đổi những kinh nghiệm quý báu, động viên giúp đỡ nhau xây dựng quê hương giàu đẹp.

Trong vô vàn khó khăn những ngày đầu sau giải phóng, Đảng bộ và nhân dân huyện Thăng Bình tập trung cho công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định và phát triển sản xuất; với truyền thống đoàn kết, gắn bó keo sơn máu thịt, Đảng bộ và nhân dân Đông Sơn luôn đồng hành, giúp đỡ, sẽ chia về nhiều mặt. Đảng bộ và nhân dân Thăng Bình tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, động viên, thăm hỏi chí tình, chí nghĩa của Đảng bộ và nhân dân Đông Sơn. Trước những khó khăn, phức tạp của những năm đầu sau giải phóng, Thăng Bình đã nhận được sự hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất; đã đón nhận những người con ưu tú của Đông Sơn vào giúp đỡ. Huyện Đông Sơn đã cử hàng chục cán bộ có chuyên môn kỹ thuật vào giúp huyện Thăng Bình xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp; đặc biệt, năm 1978, khi xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình là một trong 3 xã của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được chọn làm thí điểm cải tạo và xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, đồng chí Thiều Sĩ Quý cùng một số cán bộ là người con của Đông Sơn, Thanh Hóa được cử vào Thăng Bình tham gia hỗ trợ xây dựng Hợp tác xã, bằng tất cả kinh nghiệm và tấm lòng nhiệt huyết của mình, đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng thành công Hợp tác xã nông nghiệp Bình Lãnh - một Hợp tác xã thí điểm đầu tiên của huyện Thăng Bình ra đời, tạo bước đệm vững chắc giúp huyện hoàn thành công tác cải tạo và xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp chỉ trong hai năm 1978 - 1979.

Trong những năm tiến hành công cuộc đổi mới, huyện Đông Sơn cũng đã tổ chức các đoàn cán bộ vào thăm hỏi, trao đổi, chia sẽ kinh nghiệm để cùng giúp nhau xây dựng và phát triển quê hương; động viên, khích lệ quân và dân Thăng Bình vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Sự quan tâm theo dõi, động viên, giúp đỡ kịp thười đó, nhất là lúc thiên tai, bão lũ đã có sức cổ vũ về tinh thần, tạo nên nguồn sức mạnh to lớn giúp Thăng Bình vượt qua khó khăn, vươn lên xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Cũng trong giai đoạn này, Đảng bộ và nhân dân Thăng Bình đã tích cực tìm kiếm, cất bốc, quy tập các hài cốt liệt sĩ hi sinh trên chiến trường Thăng Bình, Quảng Nam đưa vào các nghĩa trang liệt sĩ; truy tìm hộ tên và thông báo về cho thân nhân gia đình biết, phối hợp tạo điều kiện đưa về quê hương, trong số đó có nhiều liệt sĩ là những người con của mãnh đất Đông Sơn nghĩa tình.

(Ảnh: Quang cảnh gặp mặt đoàn cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) thăm huyện Thăng Bình năm 2019)

60 năm trôi qua, nghĩa tình son sắt, thủy chung giữa hai huyện Thăng Bình - Đông Sơn ngày càng bền chặt, bởi đang được cấp ủy, chính quyền, nhân dân hai huyện chung tay vun đắp dày thêm bằng những việc làm nghĩa tình, thủy chung với nhiều hoạt động cụ thể: Xây dựng nhà tình nghĩa, tặng quà, sổ tiết kiệm cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách và hộ nghèo; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại do thiên tai gây ra, xây dựng phòng học, xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa... Hai huyện thường xuyên cử các đoàn cán bộ thăm hỏi lẫn nhau để cùng trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất, khoa học - kỹ thuật, giáo dục đào tạo, hỗ trợ giúp sức cùng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm kết nghĩa Đông Sơn - Thăng Bình (12/3/1960 -12/3/2020), Huyện ủy, HĐND, UBND, MTTQ hai huyện đã thống nhất chương trình, tổ chức nhiều hoạt động hết sức ý nghĩa tại 2 huyện. Trong đó, huyện Thăng Bình trao tặng công trình xây dựng tại Trường Mầm non Đông Hòa (Đông Sơn); huyện Đông Sơn tặng 10 phòng học đủ chuẩn cho Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ, xã Bình Minh (Thăng Bình).

Năm tháng rồi sẽ qua đi, nhưng mối tình trong sáng, thủy chung Đông Sơn - Thăng Bình, Thăng Bình  - Đông Sơn sẽ mãi mãi là niềm tự hào khắc sâu trong lòng mỗi người dân hai địa phương. Đó là tài sản vô giá, là cây đời mãi mãi xanh tươi cho các thế hệ con cháu mai sau tiếp nối, noi theo./.

Ý kiến bạn đọc: (0)

Thông tin (*) là bắt buộc:
Họ và tên: (*)
Địa chỉ:
Email:
Nội dung: (*)
Mã xác nhận (*)

[Trở về]

Tin mới nhất

Tin cùng chuyên mục:





Đăng nhập






Liên Kết Web

Bản quyền Huyện ủy Thăng Bình
Cơ quan quản lý: Văn phòng Huyện ủy Thăng Bình
Địa chỉ: 49, Nguyễn Thuật, Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam
Điện thoại: 0235.3.874369
Email: thangbinh.dcs@gmail.com
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Lượt trong năm
Lượt trong tháng