Search
Ngày hội đọc sách ở Thăng Bình | Bình An trao giấy khen cho tập thể, cá nhân phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 - 2024 | Thăng Bình 20/22 xã, thị trấn xây dựng câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau | Bế mạc Hội thao Quốc phòng toàn dân huyện Thăng Bình năm 2024 | Phân loại rác thải tại nguồn ở Thăng Bình: Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp | Bình Giang: Năng suất lúa vụ Đông Xuân đạt khoảng 65 đến 70 tạ/ha | Tấm gương nông dân sản xuất giỏi | Khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong cộng đồng | Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng: “Quy hoạch là nguồn lực của mọi nguồn lực” | Người dân Bình Chánh đồng thuận chủ trương sáp nhập xã | Xây dựng Thôn nông thôn mới kiểu mẫu tại thôn Lý Trường, xã Bình Phú | Mặt trận các xã Bình Quý và Bình Sa tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2024 - 2029 | Thường trực Huyện ủy làm việc với xã Bình Hải | Lãnh đạo huyện Thăng Bình thăm người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn | Nhân dân Làng Phú Hoà (xã Bình An) tổ chức Lễ Giỗ quốc Tổ Hùng Vương năm 2024 | Văn hoá hướng về cội nguồn trong tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng | Trường THPT Thái Phiên tuyên dương học sinh đạt thành tích cao tại các kỳ thi năm 2023 - 2024 | Giai đoạn 2022 - 2025, Thăng Bình phê duyệt 39 dự án phát triển sản xuất | Hướng về đất Tổ | Công an tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ công bố các Quyết định của Giám đốc Công an tỉnh về công tác cán bộ đối với Công an huyện Thăng Bình
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin

Bình Dương vững bước đi lên

Tác giả: Đông Anh Ngày đăng: 14:16 | 04/09 Lượt xem: 12150

Bình Dương - một xã vùng Đông của huyện Thăng Bình đã hai lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (năm 1969 và 1972) và danh hiệu Anh hùng Lao động (1985). Phát huy truyền thống và thành tích đó, 55 năm sau ngày giải phóng, xã Bình Dương đã có rất nhiều đổi thay trên tất cả các lĩnh vực. Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, nhưng những dấu son về một thời đấu tranh anh dũng vẫn không phai nhạt trong ký ức của mỗi người dân Bình Dương nói riêng và Thăng Bình nói chung…

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Bình Dương được xem là vọng gác tiền tiêu ở phía đông huyện Thăng Bình, vừa là bàn đạp để cán bộ và lực lượng vũ trang từ đây vào hoạt động ở vùng địch tạm chiếm, trong đó có thị xã Hội An. Trong 21 năm chiến đấu kiên cường chống Mỹ, nhân dân Bình Dương đã phát huy truyền thống cách mạng vừa đấu tranh chính trị giữ thế hợp pháp, vừa kết hợp đấu tranh chính trị, binh vận và vũ trang.

Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, chính quyền Mỹ- Diệm âm mưu phá hủy không thực thi các điều ước của Hiệp định, cố tình thiết lập nên bộ máy chính quyền thực dân kiểu mới vô cùng tàn độc ở miền Nam. Xã Bình Dương, huyện Thăng Bình cũng như các địa phương khác trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng phải chịu những cuộc đàn áp khốc liệt, những vụ thảm sát đẫm máu gây nhiều tội ác dã man của Mỹ - Ngụy. Tình hình này diễn ra trong một thời gian dài làm cho phong trào đấu tranh cách mạng bị tổn thất nặng nề. Từ khi Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương ra đời, với chủ trương dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng, chuyển từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang đã đánh dấu sự chuyển biến về tư tưởng chỉ đạo đấu tranh cách mạng miền Nam.

Tháng 7/1964, Khu ủy Khu 5 quyết định “đồng khởi” phá ấp chiến lược. Huyện ủy Thăng Bình hạ quyết tâm lấy xã Bình Dương làm địa bàn trọng điểm, mở ra cho cuộc đồng khởi giành lại vùng Đông. Cuối tháng 8/1964, ta tập trung và chuẩn bị các lực lượng cần thiết; trong đó, lực lượng của tỉnh đưa xuống đóng chân tại nhà cơ sở ở thôn 1, 2, 3 và thôn 6 cùng với một số cán bộ xã, huyện có từ trước. Thực hiện chủ trương phát động quần chúng đồng khởi phá kèm kẹp của địch, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng vùng Đông. Chi bộ, Ban khởi nghĩa xã đã thảo luận chỉ thị của Huyện ủy và nhanh chóng phổ biến cho các ban cán sự thôn. Giữa đêm 4/9 tổ chức họp các cơ sở quán triệt chủ trương thống nhất hành động. Theo kế hoạch, tối ngày 05/9/1964, ta nổ súng tấn công Bình Dương; nhưng qua bộ đàm, quận trưởng Thăng Bình biết được kế hoạch tấn công của ta, phát lệnh cấp tốc chuẩn bị đối phó; trước tình hình đó, sau khi hội ý chớp nhoáng, các đồng chí chỉ huy của tỉnh, huyện đã quyết định chọn thời khắc 12h trưa, ngày 05/9/1964 phát lệnh khởi nghĩa. Trong lúc bọn Hội đồng hương chính xã Bình Dương đang tụ tập bàn kế hoạch để đối phó khởi nghĩa và ăn nhậu vừa xong, quân ta nổ súng xung phong tứ phía, tóm gọn mâm Hội đồng. Nhân dân từ vùng cát, vùng đồng, trong sông, ngoài biển nhất tề nổi dậy với gậy gộc, giáo mác, khí thế hừng hực cách mạng, truy bắt bọn tề ngụy thôn ấp và các loại tay sai khác, phá tan ấp chiến lược cơ quan Hội đồng hương chính xã. Ngay tối đêm đó, có đến 5.000 người, hàng ngũ chỉnh tề, bừng bừng khí thế khởi nghĩa làm chủ xóm làng, kéo về tập trung tại Trảng Mó (thôn 2) mít tinh chiến thắng, thành lập chính quyền tự quản xã.

Thắng lợi của cuộc nổi dậy và giải phóng xã Bình Dương 1964 là minh chứng cho sự phát triển của lực lượng vũ trang địa phương, là thắng lợi của việc kết hợp sức mạnh quân sự với sức mạnh chính trị và binh vận, góp phần thúc đẩy giải phóng các xã vùng Đông Thăng Bình, mở đầu cho phong trào đồng khởi ở vùng sâu ven biển tỉnh Quảng Nam. Ngọn lửa nổi dậy từ Trảng Mó (5/9/1964) mãi còn tỏa sáng, càng rực rỡ hơn vào thời kỳ cao điểm của cuộc chiến tranh, địch càn quét bình định khốc liệt, nhân dân kiên quyết trụ bám, một tấc không đi, một ly không rời.

Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, nhưng những dấu son về một thời đấu tranh anh dũng vẫn không phai nhạt trong ký ức của mỗi người dân Bình Dương nói riêng và Thăng Bình nói chung. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Bình Dương đã đoàn kết một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ, cống hiến sức người, sức của tham gia chiến đấu và nuôi giấu, che chở cách mạng. Không có bút mực hay những trang viết nào có thể miêu tả đầy đủ về những đóng góp công sức, mồ hôi xương máu của bao thế hệ người Bình Dương anh hùng. Những địa danh anh hùng như Hàng Cừ - Cây Mộc, Trảng Mó, Căn cứ lõm Bàu Bính,… đã đi vào lịch sử. Biết bao đồng bào, đồng chí đã hy sinh trong cuộc trường chinh vĩ đại ấy. Khép lại giai đoạn chiến tranh, nhân dân Bình Dương đã tổn thất, hy sinh lớn lao: hơn 4.700 người, trên một nửa số dân toàn xã đã ngã xuống, trong đó có 1.367 liệt sĩ, trên 300 thương binh, bệnh binh và 319 người mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng; có 12 trong số 16 Bí thư Đảng bộ xã hy sinh...Những đóng góp, hy sinh to lớn của nhân dân xã Bình Dương, Nhà nước đã hai lần phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang cho nhân dân và lực lượng vũ trang xã Bình Dương (năm 1969 và năm 1972), ghi vào sử sách.

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước, cả Bình Dương là một "vùng sa mạc chết". Trên mảnh đất bé nhỏ này, ai đã từng sống mới nhận thấy hết sự chịu đựng vượt ngoài giới hạn của con người. Toàn xã là những đồi cát trắng xóa, trơ trọi với những hàng dương liễu hun hút giữa hoang tàn đổ nát của chiến tranh. Không khuất phục khó khăn, người Bình Dương lại tiếp tục lao vào cuộc chiến mới, ra sức khắc phục hậu quả để xây dựng cuộc sống mới, phá gỡ bom mìn, khai hoang phục hoá, thi đua lao động sản xuất, lợp lại màu xanh cho quê hương. Trong 10 năm xây dựng, khắc phục hậu quả chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân Bình Dương một lần nữa được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vào năm 1985.

Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển sau ngày đất nước thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ, Đảng bộ và nhân dân Bình Dương đã phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, đoàn kết một lòng, phấn đấu bền bĩ, vượt qua khó khăn, thách thức đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng. Kinh tế có bước phát triển khá; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,52%; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi hiệu quả, năng suất, sản lượng đều tăng. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng; trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc cơ quan xã được đầu tư xây dựng; các tuyến đường liên thôn, liên tổ được đầu tư nâng cấp, bê tông hoá, nhất là các tuyến giao thông kết nối ven biển với Quốc lộ 1A... tạo thuận lợi trong sinh hoạt và sản xuất. Văn hóa xã hội có chuyển biến; chất lượng giáo dục đào tạo, hoạt động lĩnh vực y tế; phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở có nhiều tiến bộ. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể đạt những kết quả tốt, phát huy dân chủ và tạo ra sự đồng thuận trong xã hội. Đặc biệt, là địa phương nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía đông của huyện, có nhiều dự án lớn đầu tư, mở ra cơ hội thay da đổi thịt cho vùng cát trắng, đời sống của người dân Bình Dương nói riêng và các xã vùng Đông nói chung cũng chuyển biến mạnh mẽ khi các ngành thương mại, du lịch, dịch vụ ngày càng phát triển. Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương cần xác định vùng đất Bình Dương anh hùng sẽ có nhiều thời cơ, điều kiện thuận lợi để phát triển, do đó phải tập trung khai thác mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tập trung nỗ lực phấn đấu cao để phát triển nhanh hơn, toàn diện và vững chắc hơn. Phối hợp với chủ đầu tư các dự án, các cơ quan chức năng của huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án, triển khai có hiệu quả các dự án trọng điểm ở vùng đông theo Kết luận 25-KL/TU của Tỉnh ủy đang triển khai trên địa bàn xã như: Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, khu phức hợp nghỉ dưỡng Bình Dương, tuyến giao thông từ đường 129 xuống biển và các dự án sẽ triển khai trong thời gian đến: Thành phố Giáo dục quốc tế, khu nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam, một số dự án về nhà ở thương mại và khu dân cư trên địa bàn xã...

(Nhà cửa được xây dựng khang trang ở khu tái định cư trung tâm xã Bình Dương)

Chặng đường của hôm nay và ngày mai đan xen thời cơ thuận lợi và khó khăn thử thách, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương, biến truyền thống vẻ vang trong kháng chiến thành hành động cách mạng thiết thực, hiệu quả trong thời kỳ đổi mới trên các lĩnh vực, các chương trình dự án lớn, phát huy lợi thế kết nối liên vùng giữa Thăng Bình - Hội An - Đà Nẵng - Chu Lai, cùng với các trục đường phía đông và các trục kết nối đông tây của tỉnh, phấn đấu xây dựng Bình Dương thành điểm sáng, ngọn cờ đầu trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện, góp phần làm thay đổi diện mạo của quê hương anh hùng./.

Ý kiến bạn đọc: (0)

Thông tin (*) là bắt buộc:
Họ và tên: (*)
Địa chỉ:
Email:
Nội dung: (*)
Mã xác nhận (*)

[Trở về]

Tin mới nhất

Tin cùng chuyên mục:





Đăng nhập






Liên Kết Web

Bản quyền Huyện ủy Thăng Bình
Cơ quan quản lý: Văn phòng Huyện ủy Thăng Bình
Địa chỉ: 49, Nguyễn Thuật, Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam
Điện thoại: 0235.3.874369
Email: thangbinh.dcs@gmail.com
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Lượt trong năm
Lượt trong tháng