Sinh ra và lớn lên ở làng quê nghèo thuộc xã Bình Định Nam. Năm 2007, chị kết hôn với anh Nguyễn Văn Hương và về làm dâu tại xã Bình Lãnh. Xuất phát điểm từ hai bàn tay trắng. Hai vợ chồng chị ngày ngày canh tác trên vài sào đất bạc màu của ba mẹ chồng già yếu để lại. Qua một thời gian, nhận thấy việc trồng lúa và cây ngắn ngày trên mảnh đất 3000m2 mà ba mẹ chồng để lại không hiệu quả, tình hình kinh tế gia đình vẫn không cải thiện, chồng chị quyết định vào Thành phố Hồ Chí Minh làm thuê để có thêm chi phí lo cho gia đình. Ở nơi đất khách quê người, chồng chị xin vào làm bốc vác hàng nhưng công việc vẫn bấp bênh, thu nhập không ổn định, số tiền gửi về để lo cho bữa ăn hằng ngày của ba mẹ già yếu và những đứa con nhỏ cũng bấp bênh, ít dần, cuộc sống gia đình chị ngày càng thêm khó khăn, bế tắc.
Biết được hoàn cảnh của chị Mai – một người phụ nữ cần cù, chịu khó, mặc dù quanh năm suốt tháng luôn bận rộn với bao vất vả lo toan nhưng lại tích cực tham gia phong trào do chi, tổ phụ nữ tổ chức, Chi hội Phụ nữ thôn Nam Bình Sơn đã họp bàn và thống nhất tạo điều kiện hỗ trợ cho chị vay không lấy lãi số tiền 10.000.000 đồng từ nguồn quỹ tiết kiệm giúp nhau của chị em phụ nữ trong chi hội.
Có được số vốn trên, chị luôn trăn trở, suy nghĩ phải làm gì để giúp gia đình vượt qua khó khăn trước mắt. Nhờ thành thạo nghề may, bước đầu chị mua máy may và nhận hàng gia công làm tại nhà. Quen dần với công việc, chị nhận thêm hàng cho các chị em trong xóm nhận lại cùng làm với chị, tuy tích góp được số vốn ít ỏi nhưng cũng không đủ để trang trải cho gia đình. Với quyết tâm thoát khỏi cảnh nghèo, qua trao đổi, đề đạt nguyện vọng với các chị cán bộ Hội, chị được Hội LHPN xã đứng ra tín chấp cho chị vay thêm 50.000.000 đồng từ nguồn vốn vay của Ngân Hàng Chính sách xã hội huyện. Với số tiền này, chị mạnh dạn mua thêm 5 máy may mới để gia công được nhiều sản phẩm hơn, đồng thời cũng để tạo điều kiện cho các chị em khó khăn trong xóm đến làm để kiếm thêm thu nhập. Chồng chị cũng về quê phụ việc cùng chị, chăm lo cha mẹ già, con nhỏ và tìm cách đầu tư canh tác hiệu quả trên mảnh đất cha mẹ để lại. Một thời gian sau, khi tích lũy được số vốn kha khá, chị tiếp tục mua thêm máy và nhập thêm nhiều hàng gia công hơn. Nhờ đó, cơ sở của chị đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 10 chị em trong xóm với mức thu nhập bình quân mỗi chị từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, với những chị em yêu thích nghề may nhưng không đủ điều kiện học nghề đều được chị đào tạo miễn phí, vừa học vừa làm từng bước một, khi vững tay nghề nếu có nguyện vọng thì có thể làm công luôn cho xưởng.
(Ảnh: Chị Mai (áo nâu- ngồi trên cùng) chăm chỉ tạo ra sản phẩm của mình)
Hiện nay, mỗi năm trừ mọi chi phí, gia đình chị thu được hơn 150 triệu đồng. Với số tiền thu nhập hàng năm chị đã xây nhà khang trang, nuôi 4 đứa con ăn học và phụng dưỡng tốt cha mẹ già yếu đã ngoài 80 tuổi.
Có được thành quả này, theo chị Mai đó là sự phấn đấu lao động miệt mài chung sức, đồng lòng của cả hai vợ chồng để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện, động viên, giúp đỡ kịp thời của chị em cán bộ, hội viên phụ nữ chi hội thôn Nam Bình Sơn, của Hội LHPN xã với nguồn vốn vay không lấy lãi, mặc dù với số vốn ban đầu tuy ít ỏi, nhưng với chị khi đó là cả một gia tài lớn để giúp chị có động lực vượt qua khó khăn. Hiện nay, vợ chồng chị vẫn luôn nỗ lực, cố gắng, đồng lòng tập trung phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc, giáo dục con cái ngoan ngoãn thành người có ích trong xã hội. Chị Đoàn Thị Mai chính là một trong những gương phụ nữ điển hình với tinh thần cần cù, sáng tạo, vượt khó trong lao động sản xuất. Những thành quả đạt được của chị Mai thật đáng trân trọng, góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo.