Search
Thăng Bình tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được | Trao giải cuộc thi trực tuyến tìm hiểu lịch sử 70 năm Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được | Trường THPT Lý Tự Trọng khai giảng năm học mới 2024 - 2025 | Chủ tịch UBND huyện Võ Văn Hùng dự khai giảng tại Trường TH Lương Thế Vinh | Trường THPT Tiểu La khai giảng năm học mới | Năm học mới 2024 - 2025, trường Tiểu học Nguyễn Trãi chào đón 119 học sinh lớp 1 | Thăng Bình thăm, tặng quà thân nhân, liệt sĩ, người tham gia Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được | Xã Bình Phú đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh “Địa điểm chiến thắng Hà Châu - An Lý” | Khánh thành cầu treo trị giá 150 triệu đồng tại huyện Tây Giang | Sôi nổi các hoạt động chào mừng 60 năm Ngày giải phóng quê hương Bình Dương (05/9/1964-05/9/2024) | Ngọn đuốc soi đường | Sáng mãi ngọn lửa quật khởi cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được | Âm vang chiến thắng Hà Châu - An Lý | Xã Bình Dương tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm giải phóng quê hương (05/9/1964- 05/9/2024) | Trường THPT Thái Phiên kỷ niệm 25 năm thành lập | Trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng tại xã Bình Hải | Viếng hương nhân kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8) và ngày Quốc khánh 02/9 | Bình Phú vận động được 100 triệu đồng xây dựng nhà bia “Di tích lịch sử chiến thắng Hà Châu – An Lý” | Sáu thập kỷ nhắc mãi Chiến thắng Hà Châu - An Lý | Thăng Bình hỗ trợ 110 triệu đồng cho cơ sở sản xuất bánh tráng
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

Chi tiết tin

Một gia đình khoa bảng tiêu biểu ở huyện Thăng Bình

Tác giả: Quốc Văn Ngày đăng: 9:38 | 05/01 Lượt xem: 5411

Nhà Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của nước ta, đã tổ chức nhiều khoa thi để tuyển chọn nhân tài phục vụ cho đất nước. Vùng đất Quảng Nam là một trong những địa danh có nhiều người đỗ đạt với 15 người đỗ tiến sĩ, 24 người đỗ phó bảng và 229 người đỗ cử nhân qua các khoa thi. Riêng với huyện Thăng Bình, theo Bia Văn Thánh tại làng Hà Lam được lập từ năm Quý Dậu (1813, niên hiệu Gia Long) thì có tổng cộng 183 người được ghi danh trên bia, trong đó có 164 người đỗ đạt. Cụ thể có 146 vị đỗ Tú tài, 32 vị đỗ Cử nhân, 3 vị đỗ Phó bảng, 1 vị đỗ Tiến sĩ và 1 vị đổ Tú tài tân học. Điều đặc biệt, nhiều người trong số họ lại tập trung trong 1 vài gia đình tiêu biểu được phân bố trong cùng 1 địa phương của huyện.

Khi nói về gia đình khoa bảng ở Thăng Bình không thể không nhắc tới gia đình họ Nguyễn Công, làng Hà Lam. Đây là một gia đình có 1 Phó bảng, 3 Cử nhân, 3 Tú tài. Trong đó, cụ Nguyễn Đạo đỗ Tú tài (sinh đồ) năm 1820. Các con, cháu của cụ có 6 người đỗ đạt, đó là: Nguyễn Thuật (đỗ Phó bảng); Nguyễn Tạo, Nguyễn Duật, Nguyễn Chức (đỗ Cử nhân); Nguyễn Suyền và Nguyễn Kinh (đỗ Tú tài)

 Cụ Nguyễn Đạo sinh năm 1803 tại làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, nay thuộc thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.    

Mồ côi cha từ nhỏ, nhà nghèo nhưng ông rất ham học và hiếu thảo. Năm 1820, ông thi đỗ tú tài. Năm 1843 được bổ làm huấn đạo nhưng từ chối, xin được ở nhà phụng dưỡng mẹ già. 

Ở quê nhà, ông lấy việc cày ruộng đọc sách làm sự nghiệp, lấy hiếu nhân, đạo nghĩa dạy con cháu và cảm hóa người dân. Ông có lòng nhân đạo, luôn giúp đỡ người nghèo, người gặp hoạn nạn không những trong mà cả ở ngoài làng. Không những ông đem của cải của mình để giúp đỡ mà còn vận động mọi người quyên góp mỗi khi trong vùng có thiên tai, hoạn nạn. 

Ông vận động nhân dân trong làng khai hoang, làm thủy lợi để có thêm đất canh tác, lập nghĩa thương để làm kế phòng đói, nhờ thế trong làng được no đủ, đời sống được an lành, ai cũng nhớ ơn và kính trọng ông. Ông khuyến khích dân làng đặt ra học điền, xây trường mời thầy về dạy cả văn lẫn võ nhờ thế làng Hà Lam trở thành một ngôi làng văn vật hàng đầu cả huyện. Ông còn vận động xây chùa chiền, lập hương ước, cải thiện trong phong tục. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được cải thiện. Thấy dân làng An Phú, Dục Thúy trong huyện không có đất để canh tác, phải ăn ở lênh đênh trên mặt nước. Ông đã vận động dân làng mình chia sẻ, đem 20 mẫu công điền nhượng cho. Công trạng của ông được quan địa phương tâu lên triều đình đề nghị khen thưởng. Ông mất năm 1872, thọ 69 tuổi.

Các con ông đều học hành thi cử đỗ đạt, một người là phó bảng (Nguyễn Thuật) làm đến tứ trụ triều đình, hai người là cử nhân (Nguyễn Tạo và Nguyễn Duật), một người là tú tài (Nguyễn Suyền).

Nguyễn Thuật tên thật là Nguyễn Công Nghệ, sau đổi là Nguyễn Thuật, tự là Hiếu Sinh, hiệu Hà Đình. Ông sinh năm Nhâm Dần (1842) trong một gia đình có truyền thống hiếu học và khoa bảng tại làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, trấn Quảng Nam (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Ông là con thứ hai của Tú tài Nguyễn Đạo, là người xuất sắc nhất trong số các anh em trong gia đình.

(Ảnh: Cụ Hà Đình - Nguyễn Thuật (1942 - 1912))

Ông đỗ Cử nhân năm 1867, Phó bảng năm 1868, từng làm quan suốt 8/13 đời  vua nhà Nguyễn, trải qua nhiều chức vụ quan trọng như: Giáo đạo Dưỡng Thiền Đường; Thượng thư Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Binh; Chánh sứ trong sứ bộ ngoại giao sang Trung Quốc năm 1880; Chánh Chủ khảo trong hai khoa thi Hội năm 1884 và 1887; Tuyên úy xứ trí đại thần để giải quyết hậu quả của cuộc  khởi nghĩa của Nguyễn Duy Hiệu năm 1888. Dù giữ nhiều trọng trách lớn của triều đình trong một thời gian dài nhưng gia đình ông luôn giữ sự thanh bạch, đương thời được nhân dân và sĩ phu trọng vọng. Ông được triều đình truy tặng “Đặc tiến Vinh lộc Đại phu Đông các Đại học sĩ” và ban tên thụy “Văn Ý”. Đó là sự ghi nhận của triều đình nhà Nguyễn về tài năng, đức độ, công lao đóng góp của ông đối với đất nước. Ông qua đời vào ngày 23 tháng 11 năm Tân Hợi (nhằm ngày 11-1-1912), thọ 69 tuổi.

Hà Đình - Nguyễn Thuật không những được các vua trọng vì tài, nể vì đức, giao những việc quốc gia đại sự mà còn được nhân dân Thăng Bình, Quảng Nam nói riêng, nhân dân cả nước nói chung trọng vọng vì tính thanh liêm, yêu thương và gần gũi dân, có khoa bảng mà không kiêu căng, xứng danh là bậc “dân chi phụ mẫu”. Vua Tự Đức từng nhận xét: “Nguyễn Thuật là người tuổi trẻ tân tiến, hiếu học, thông minh, đĩnh ngộ, biết lẽ phải, không a dua theo kẻ khác”. Vua Thành Thái ca ngợi: “Nguyễn Thuật là người khí tượng cao khiết, học thức uyên bác, từng đem ơn ích cao thượng cho kẻ khốn cùng. Ông là một người xứng đáng làm mẫu mực cho vạn thế”.

Nguyễn Tạo là con trưởng của cụ Nguyễn Đạo, một “thân hào nhân sĩ” hàng đầu của phủ Thăng Hoa, có tiếng khen là nhà dòng dõi phẩm hạnh nhân nghĩa.  Nguyễn Tạo nguyên tên là Nguyễn Công Tuyển, tự là Thăng Chi, sinh năm 1822 tại làng Hà Lam, phủ Thăng Hoa, nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Ông đỗ Cử nhân năm 1846. Sau 6 lần thi Hội không đỗ đại khoa, năm 1862, ông ra làm quan và trải qua các chức vụ như Thừa chỉ Nội các, Tri huyện Phù các, Tri phủ Hoài Đức, Án sát Hải Dương, Bố Chánh Quảng Bình, Đốc học Quảng Nam, Chánh sơn phòng Quảng Nam. Suốt đời làm quan, ông luôn “Liêm, bình, cần, cán”, được nhà vua phê là “quan giỏi hiếm có”.

Sách Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn đã ca ngợi công đức của ông: “Nguyễn Tạo là người thanh liêm giỏi giang, làm quan ở đâu đều có tiếng tốt, được vua phê rằng: “Quan giỏi hiếm có”. Lại có dụ rằng: “Ai thanh liêm tài giỏi được như Nguyễn Tạo thời hậu thưởng. Nguyễn Tạo vốn được vua yêu mến. Khi tuổi già xin kinh lý mọi việc là có lòng cáng đáng công việc, nhưng bận việc công lại không được ở yên một nơi với chức vụ, lại nhân luôn gặp biến cố, nên khó làm trọn được ý định. Thực giả lấy làm tiếc”.

Người con thứ 3 của cụ Nguyễn Đạo là Nguyễn Uýnh (Nguyễn Duật). Thuở thiếu thời, Nguyễn Duật là người con ngoan, chăm học và học giỏi, ông rất hiếu thảo với cha mẹ và ưa thích hoạt động. Năm ông 12 tuổi (1858), liên quân Pháp và Tây Ban Nha mượn cớ triều đình nhà Nguyễn tàn sát đạo Thiên chúa đã nổ súng tấn công xâm lược Đà Nẵng, gây bao đau thương tang tóc trên quê hương ông. Nguyễn Duật vốn là con người hiếu động, lại nhìn thấy tinh thần quật khởi của quân và dân ta dưới sự chỉ huy của Lê Đình Lý, Nguyễn Tri Phương,… để bảo vệ Đà Nẵng, bảo vệ Quảng Nam. Từ đó ông càng ra sức học tập văn và thao luyện võ nghệ để chờ ngày tham gia chiến đấu chống lại quân xâm lược, bảo vệ quê hương. Năm 28 tuổi (1875), ông thi đỗ Tú tài. Trong khoa thi năm Kỷ Mão, Tự Đức năm thứ 32 (1879), ông thi Hương và đỗ Cử nhân văn. Cũng năm này, ông thi vào trường võ và đỗ Cử nhân võ và được triều đình Huế bổ chức Lãnh binh. Ông là người văn võ toàn tài, lại có hai người anh ruột là Nguyễn Tạo (1822 - 1892) và Nguyễn Thuật (1842 - 1911) đang làm quan trong triều Nguyễn nhưng ông lại xin khất lưu, không ra làm quan mà ở nhà phụng dưỡng cha mẹ già, cùng phụ thân dạy chữ nghĩa và võ nghệ cho con cháu trong làng.

Năm 1885, ông ra Huế thi Hội thì gặp cuộc binh biến ở kinh đô; ông quay về quê và hưởng ứng Hịch Cần vương của vua Hàm Nghi, tham gia Nghĩa hội Quảng Nam, tàm Tán tương quân vụ. Năm 1886, ông hi sinh tại Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Ngoài ra, người con út của cụ Nguyễn Đạo là Nguyễn Suyền cũng đỗ Tú tài cùng khoa với cháu là Nguyễn Kính (con trai thứ cụ Nguyễn Thuật) trong khoa thi Hương năm 1903. Nguyễn Chức (con trai lớn của cụ Nguyễn Thuật) cũng đỗ Cử nhân khoa Mậu Tý 1888.

Có thể khẳng định, gia đình Nguyễn Công làng Hà Lam xứng đáng là một gia đình khoa bảng tiêu biểu của huyện Thăng Bình.



Ý kiến bạn đọc: (0)

Thông tin (*) là bắt buộc:
Họ và tên: (*)  
Địa chỉ:
Email:
Nội dung: (*)  
Mã xác nhận (*)
 

[Trở về]

Tin mới nhất

Tin cùng chuyên mục:





Đăng nhập

 
 





Liên Kết Web

Bản quyền Huyện ủy Thăng Bình
Cơ quan quản lý: Văn phòng Huyện ủy Thăng Bình
Địa chỉ: 49, Nguyễn Thuật, Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam
Điện thoại: 0235.3.874369
Email: thangbinh.dcs@gmail.com
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Lượt trong năm
Lượt trong tháng