Thị trấn Hà Lam có diện tích khoảng 1.170 ha với dân số khoảng trên 19.000 người, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá, xã hội của huyện Thăng Bình. Trên địa bàn thị trấn có tuyến đường Quốc lộ 1A đi qua, Quốc lộ 14E và một số tuyến đường nội thị thị trấn Hà Lam thuận lợi cho việc kinh doanh thương mại, dịch vụ, có vai trò “đòn bảy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện và các vùng lân cận. Vì vậy, xây dựng và phát triển TT Hà Lam có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt đối với sự phát triển của thị trấn và của huyện. Sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/HU của Huyện ủy, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền thị trấn, sự chỉ đạo tập trung của UBND huyện, các thành viên Tổ công tác 08 và sự phối hợp của các ban ngành, Mặt trận, đoàn thể của huyện trong triển khai thực hiện Nghị quyết, nên đã đạt được những kết quả bước đầu khởi sắc, tạo ra chuyển biến khá đồng bộ trên các lĩnh vực, đẩy mạnh phát triển KTXH-ANQP địa phương, nâng cao thu nhập và xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.
Kinh tế phát triển khá, tốc độ tăng trưởng bình quân (2013-2017) đạt 13,08%, năm 2017 đạt 22%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp. Dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng, chất lượng ngày càng được cải thiện. Hiện nay trên địa bàn thị trấn Hà Lam có khoảng 1.292 cơ sở, hoạt động thương mại, dịch vụ chủ yếu như dịch vụ ăn uống, giải khát; các cơ sở sản xuất, duy trì hoạt động ổn định như chế biến lượng thực, thực phẩm; nghề truyền thống làng hương, bánh tráng, cơ khí, mây tre đan góp phần giải quyết việc làm cho nhân dân. Trên lĩnh vực nông nghiệp đã triển khai thực hiện Đề án tích tụ, tập trung ruộng đất, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đạt nhiều kết quả; củng cố, nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã, mở rộng các loại hình dịch vụ phục vụ nông nghiệp; xây dựng được mô hình phát triển kinh tế hiệu quả trong chăn nuôi... Văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục đào tạo, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng nâng lên; chất lượng hoạt động trên các lĩnh vực y tế, chính sách người có công đi vào chiều sâu. Đời sống vật chất và tinh thần của bà con nhân dân được cải thiện đáng kể, số hộ giàu ngày càng tăng, hộ nghèo hằng năm đều giảm, hiện nay còn 3,7%. Hệ thống chính trị của thị trấn từng bước được củng cố, đội ngũ cán bộ chuyên môn được tăng cường và có chuyển biến. Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tốt.
Thị trấn Hà Lam đã phát huy nội lực và tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, kể cả vùng ven khu vực trung tâm nội thị. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển trong 05 năm (2013-2017) là khoảng 100 tỷ đồng, trung bình hằng năm ngân sách Nhà nước huyện đầu tư 20 tỷ đồng, trong đó ưu tiên đầu tư các dự án về hạ tầng giao thông. Đến nay, đường nội thị được cứng hóa, nhựa hóa, bê tông hóa được 18,6/21,9 km, đạt 85%, đảm bảo đạt yêu cầu theo Nghị quyết. Một số công trình trọng điểm được quan tâm đầu tư, nâng cấp như: đường Nguyễn Văn Trỗi; tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi – Trần Thị Lý; đường 3/2 (giai đoạn 1,2); đường Nguyễn Duy Hiệu; đường Nguyễn Hiền; đường Trần Cao Vân; xây dựng 11,529 km đường bê thông giao thông nông thôn, đạt 81,25%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, xây dựng khu Trung tâm hành chính thị trấn, tiến hành nạo vét Bàu Hà Kiều,...đã từng bước chỉnh trang đô thị, hình thành các khu dân cư, tạo ra cảnh quang môi trường, mỹ quan đô thị có nhiều khởi sắc. Hệ thống thoát nước, kênh mương nội đồng, đập thuỷ lợi,…từng bước đầu tư xây dựng, góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết, phục vụ sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường. Công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị được quan tâm, đã hoàn thành quy hoạch chung thị trấn Hà Lam với tỷ lệ 1/5000, quy hoạch chi tiết 1/2000 khu vực phía bắc thị trấn Hà Lam và quy hoạch chi tiết 1/500 trung tâm hỗn hợp công cộng thương mại dịch vụ Hà Lam với diện tích 93,7 ha...
Nhà văn hóa Tổ 9 được xây dựng từ nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ và nhân dân đóng góp
Nhiều tuyến đường nội thị được xây dựng khang trang, sạch đẹp
Nhiều giải pháp được đề ra tại hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/HU của Huyện ủy, để phấn đấu đưa Hà Lam trở thành đô thị loại IV vào năm 2020, trong đó xác định phát triển dịch vụ - thương mại làm trọng điểm trong phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích các loại hình dịch vụ có chất lượng; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Phát triển nông nghiệp theo quy hoạch, ổn định, hiệu quả và bền vững theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa. Chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao. Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, các nguồn vốn tín dụng, xã hội nhằm tăng thêm nguồn lực đề đầu tư và phát triển. Từ nay đến năm 2020, ngân sách Nhà nước huyện bố trí khoảng 125,3 tỷ đồng cùng với ngân sách tỉnh và tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn đô thị loại IV. Hoàn thành việc lập quy hoạch chi tiết 1/500 và đầu tư dự án Khu đô thị trung tâm thị trấn Hà Lam (giai đoạn 1) với diện tích 93,7 ha. Tiếp tục thực hiện các dự án trọng điểm như: dự án mở rộng Quốc lộ 14E, tuyến đường từ Nhà Văn hóa đi Núi Dê, các tuyến đường ĐH đi qua địa phận thị trấn, nâng cấp mở rộng các tuyến giao thông nội thị, các tuyến giao thông nông thôn, xây dựng, nâng cấp tăng công suất Nhà máy nước Thăng Bình,...Tích cực kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng chợ thị trấn, quy hoạch bến xe, xây mới siêu thị tổng hợp, xây dựng trung tâm thương mại theo quy hoạch của tỉnh đã phê duyệt. Tiếp tục làm việc với các sở, ban ngành của tỉnh thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt chương trình phát triển đô thị Hà Lam; khẩn trương hoàn tất các thủ tục đề nghị công nhận đô thị loại V. Đẩy mạnh phát triển văn hóa-xã hội, y tế, giáo dục đào tạo. Tập trung tuyên truyền, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với đô thị văn minh”; tiếp tục xây dựng Khu công viên văn hóa bàu Hà Kiều (giai đoạn 2); đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Tăng cường quốc phòng và an ninh. Củng cố xây dựng lực lượng công an, Tổ bảo vệ dân phố, lực lượng dân quân thị trấn cơ động, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh gắn với thực hiện tốt quy chế dân chủ, đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Tạo chuyển biến mạnh hơn trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị…
Bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu của chính quyền địa phương, người dân cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Để đạt được mục tiêu trên thì rất cần sự chung tay tích cực của người dân phối hợp với chính quyền địa phương giải phóng mặt bằng, hiến đất mở rộng một số tuyến đường nội thị trên địa bàn…Chính sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ và ý thức tự giác của người dân sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị của thị trấn.
Bước “chuyển mình” trong thời gian qua của thị trấn Hà Lam là thấy rõ. Dù còn phải tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa để ngày càng hoàn thiện về cơ sở hạ tầng đô thị. Lãnh đạo huyện Thăng Bình cũng như Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương đang nỗ lực hết sức để tạo nên một diện mạo mới cho thị trấn Hà Lam hướng đến mục tiêu xanh, sạch, đẹp và trở thành đô thị loại IV vào năm 2020.